ĐHĐCĐ BIDV: Đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2021 đạt 13.000 tỷ, động lực đến từ đâu?
Chủ tịch HĐQT BIDV - ông Phan Đức Tú báo cáo tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, cổ đông BIDV đã đặt câu hỏi về kế hoạch kinh doanh năm 2021 của ngân hàng. Đồng thời, cổ đông cũng thắc mắc vì sao các con số thu nhập của BIDV tương đương Vietcombank nhưng lợi nhuận thấp hơn nhiều.
Sau phần đọc các tờ trình, Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 sáng 12/3 của ngân hàng BIDV bước vào phần thảo luận. Cổ đông ngân hàng đã đặt nhiều câu hỏi về kế hoạch bán vốn, tình hình xử lý nợ xấu và trích lập dự phòng của BIDV.
Cổ đông: KEB Hana Bank có ý định tham gia vào đợt phát hành cổ phiếu tiếp theo?
Chủ tịch HĐQT - ông Phan Đức Tú: Tất cả các nội dung tăng vốn điều lệ đều đã thông báo với phía KEB Hana Bank - cổ đông chiến lược đang nắm giữ 15% vốn, xem Hana Bank có muốn tham gia vào đợt chào bán cổ phiếu sắp tới nhằm duy trì tỷ lệ sở hữu tại BIDV hay không. Tuy nhiên, do điều kiện cuối năm tài chính, KEB Hana Bank chưa có ý định tham gia đợt phát hành này vì mức giảm tỷ lệ sở hữu không đáng kể. Đến giờ phút này, tôi không khẳng định Hana Bank có tham gia hay không, nhưng cổ đông này luôn muốn duy trì vai trò cổ đông lớn, hỗ trợ sự phát triển của BIDV.
Cổ đông: Dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01 đến từ khách hàng nào là chủ yếu? Ước tính bao nhiêu % dư nợ tái cơ cấu sẽ chuyển thành nợ xấu và năm 2021 con số dư nợ này sẽ như thế nào?
Ông Phan Đức Tú: Trong dư nợ tái cơ cấu hiện nay thì khách hàng doanh nghiệp lớn khoảng 49%, doanh nghiệp SMEs khoảng 37% và cá nhân chỉ 3%. Chúng tôi kỳ vọng đây là những khoản nợ doanh nghiệp có khả năng phục hồi để trả nợ. Việc có tiếp tục phát sinh dư nợ tái cơ cấu nữa hay không rất khó nói vì dịch còn diễn biến phức tạp. Không chỉ tại BIDV mà nhiều doanh nghiệp, các kế hoạch kinh doanh đều đang cân nhắc. Tất nhiên, để chủ động trong điều hành, ngân hàng cũng đã đưa ra một số mục tiêu cụ thể. Dư nợ tái cơ cấu nhiều khả năng sẽ tăng không đáng kể do nền kinh tế phục hồi.
Cổ đông: Kết quả kinh doanh sơ bộ trong 2 tháng đầu năm của BIDV như thế nào?
Phó Tổng Giám đốc BIDV - Lê Ngọc Lâm: Hết tháng 2/2021, BIDV có tổng tài sản tăng 2,1% so với đầu năm; tín dụng giảm 0,87% so với đầu năm do mang tính chu kỳ, và do ảnh hưởng Covid-19 nên khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm. Huy động vốn cũng giảm 2,5% so với đầu năm, do khách hàng rút tiền để chi trả lương thưởng, các công nợ liên quan.
Chênh lệch thu chi tăng 54% cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu 1,58%.
Cổ đông: Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2021 đạt 13.000 tỷ đồng. Vậy động lực nào để đạt được mức này?
Ông Lê Ngọc Lâm: Trong cơ cấu thu nhập dự kiến năm 2021, thu nhập ròng từ lãi tăng khoảng 19%. Ngân hàng cũng sẽ thúc đẩy các ngoàn thu phi lãi, tăng khoảng 16-17%. Thu hồi nợ ngoại bảng khoảng 8.000 tỷ.
Động lực tăng trưởng sẽ là tiết kiệm chi phí, nhất là chi phí vốn. Năm ngoái, chúng tôi đã gia tăng tỷ lệ CASA và đây cũng là mục tiêu dài hạn của BIDV. Năm 2021, BIDV đặt mục tiêu tăng CASA lên tối thiểu 16%.
Trích lập dự phòng năm nay mục tiêu khoảng 24.000 tỷ đồng, tăng một chút so với năm 2020 do môi trường bất định bởi Covid-19. Ngoài ra, hiện Thông tư 01 đang được sửa đổi và yêu cầu các khoản nợ cơ cấu phải trích dự phòng (năm ngoái chỉ ghi vào nợ nhóm 1 và thoái lãi dự thu).
Cổ đông: BIDV có quy mô sánh ngang Vietcombank, nhưng những năm vừa qua BIDV phải xử lý nhiều vấn đề tồn đọng. Các con số thu nhập tương đương Vietcombank nhưng lợi nhuận thấp hơn nhiều. Có thể thấy, lợi nhuận BIDV bằng trích lập của Vietcombank nhưng trích lập của BIDV lại ngang với lợi nhuận của Vietcombank.
Ông Phan Đức Tú: Có lẽ đây là câu hỏi mà nhiều người quan tâm. BIDV muốn làm sạch bảng cân đối tài sản, tập trung cho dài hạn, nên đã trích lập dự phòng rất nhiều trong những năm trở lại đây. Tuy nhiên, lợi nhuận của ngân hàng cũng không phải quá thấp.
Tôi cũng kỳ vọng có thời điểm sau này, trích lập dự phòng rủi ro sẽ thấp hơn lợi nhuận. Trên thực tế, năm 2021 trở đi, lẽ ra trích lập dự phòng rủi ro có thể giảm thấp dần nhưng lại gặp khó khăn do Covid-19. BIDV cũng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 24-38% hàng năm từ nay đến năm 2025. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu mục tiêu đạt 130%.
Cổ đông: Ngân hàng có kế hoạch đàm phán bancassurance với công ty bảo hiểm nào không?
Ông Phan Đức Tú: Về lĩnh vực bảo hiểm, trong ngắn hạn, mảng phi nhân thọ sẽ tiếp tục được đặt kỳ vọng vào công ty bảo hiểm BIC; ở mảng phi nhân thọ, sẽ tiếp tục triển khai thông qua công ty BIDV Metlife. Mặc dù vậy, về dài hạn, BIDV cũng không loại trừ việc nghiên cứu ký hợp đồng bảo hiểm độc quyền bancassurance, làm sao đảm bảo hiệu quả hoạt động tốt nhất cho ngân hàng.
Kết thúc đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua. Cổ đông ngân hàng đã thống nhất kế hoạch kinh doanh năm 2021 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 13.000 tỷ đồng. ĐHĐCĐ cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 48.500 tỷ thông qua chia cổ tức năm 2019-2020 bằng cổ phiếu và phát hành 341,5 triệu cổ phần mới ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ. Thông qua việc chuyển đổi Chi nhánh Yangon thành ngân hàng con.
Bên cạnh đó, cổ đông cũng thông qua nội dung sửa đổi, bổ sung điều lệ và thay đổi tên gọi tiếng anh, địa chỉ trụ sở chính của ngân hàng. Tuy nhiên, việc đổi tên chính thức vẫn phải chờ được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.
(tiếp tục cập nhật)
Doanh Nghiệp Tiếp Thị