MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ BIDV: Ngân hàng chính thức không còn nợ xấu tại VAMC

07-03-2020 - 09:23 AM | Tài chính - ngân hàng

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV cho biết ngân hàng đã mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của BIDV sáng nay (7/3), ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết, theo đề nghị của BIDV, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gần đây đã phê duyệt lại phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng của BIDV theo hướng tích cực hơn. Quyết định này ban hành ngày 27/2/2020. 

Năm 2020, ngân hàng dự kiến tăng trưởng huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, dự kiến tăng trưởng 9%; Tín dụng tăng trưởng theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay là 9%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 12.500 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,7%; tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến 7%.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo BIDV, đây là kịch bản tích cực nhất khi chưa tính đến tác động của dịch bệnh Covid-19. Ngân hàng sẽ cố gắng hết sức hoàn thành kế hoạch được ĐHĐCĐ giao, nhưng theo hướng linh hoạt, có thể sẽ điều chỉnh các chỉ tiêu trong trường hợp cần thiết và báo cáo với cổ đông. 

Ông Phan Đức Tú cho rằng năm 2020, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19; trong đó hoạt động ngân hàng nói chung và BIDV nói riêng cũng chịu ảnh hưởng. 

Được biết, toàn ngành ngân hàng sẽ dành gói tín dụng khoảng 285.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong đó, riêng BIDV đã đăng ký hỗ trợ tới 120.000 tỷ đồng, tức chiếm tới 40% toàn ngành. 

Tại cuộc họp, HĐQT ngân hàng đã trình cổ đông tờ trình phương án tăng vốn điều lệ lên 46.450 tỷ và bầu 2 thành viên HĐQT. 

HĐQT BIDV đã trình ĐHĐCĐ thông qua việc bầu ông Lê Kim Hoà - Phó TGĐ BIDV và ông Trần Xuân Hoàng - Phó TGĐ BIDV giữ chức vụ thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022.

Sau phần trình bày, ĐHĐCĐ BIDV bước vào phần thảo luận. Các câu hỏi của cổ đông chủ yếu xoay quanh nợ xấu, định hướng kinh doanh và việc dịch Covid-19 tác động tới kết quả kinh doanh của ngân hàng. 

Ông Phan Đức Tú cho biết,  đến cuối năm ngoái, BIDV còn 9.312 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt của VAMC, nhưng đã trích dự phòng 6.300 tỷ. Đầu năm nay, ngân hàng tiếp tục trích lập dự phòng cho VAMC và đến giờ này, BIDV đã mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC.

"Về tác động của dịch Covid-19, đây là dịch có tác động rất lớn tới nền kinh tế đất nước. Với tình hình này, chưa ai dự đoán được sẽ như thế nào, và có thể sẽ phức tạp hơn hiện tại. Chúng tôi đã đưa ra 8 ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất và cả ngành tài chính ngân hàng cũng bị ảnh hưởng", ông Tú nói. 

Trước điều này, BIDV đã chủ động báo cáo NHNN, xây dựng các biện pháp chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng đã triển khai khảo sát đánh giá nhu cầu của khách hàng, phân loại các nhóm nhu cầu khách hàng. Khách hàng có nhu cầu muốn vay mới thì được tiếp cận gói vay mới. Khách hàng muốn giãn nợ thì sẽ được giãn nợ và có thể được giảm lãi.

"Chúng tôi cũng sẽ làm mọi biện pháp để đảm bảo an toàn hoạt động, tăng cường kiểm tra hoạt động đi lại của nhân viên và khách hàng đến giao dịch. BIDV đã tăng cường thúc đẩy giao dịch online, khuyến khích người dân giao dịch nhưng không phải đến ngân hàng", lãnh đạo BIDV cho biết. 

Kịch bản mà BIDV xây dựng, trong đó lợi nhuận 12.500 tỷ là trong kịch bản dịch được kiểm soát tốt nhất, tức chỉ đến cuối tháng 3 này. Nhưng theo ông Tú, dựa theo tình hình lúc này điều đó sẽ hơi khó khăn.

Ông Tú cho biết thêm, "2 tháng đầu năm, BIDV hoạt động bình thường, đáp ứng đủ mọi nhu cầu của khách hàng. Tín dụng của ngân hàng giảm gần 2%, tuy nhiên cũng là phù hợp với xu hướng ngành ngân hàng hiện nay. Những tháng đầu năm như tháng giêng, khách hàng rất ít khi đi vay. Ngoài ra, chúng ta còn chịu tác động kép từ tác động của dịch bệnh, cả phía cung lẫn phía cầu". 

Ngọc Bích

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên