MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ BIDV: Tại sao ngân hàng không trả cổ tức bằng tiền mặt và cao như kế hoạch ban đầu?

24-04-2016 - 11:32 AM | Tài chính - ngân hàng

Tại Đại hội năm nay, cổ đông đã chất vấn ban chủ tọa ngân hàng việc lợi nhuận BIDV còn cao hơn một số ngân hàng khác mà sao chia cổ tức thấp hơn và bằng cổ phiếu chứ không phải bằng tiền mặt.

Sáng nay (24/4) Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV - mã: BID) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016.

8h30: Đại hội bắt đầu

Đọc báo cáo tại Đại hội, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết về việc phân phối lợi nhuận năm 2015, tỷ lệ chi trả cổ tức là 8,5%, thấp hơn kế hoạch đã đưa ra ban đầu.

Năm 2016, BIDV đề ra mục tiêu nguồn vốn huy động tăng trưởng 22%. Dư nợ tín dụng tăng trưởng 18-20%. Lợi nhuận trước thuế ở mức 7.900 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến từ 7% trở lên.

9h55: Đại hội trình cổ đông phê duyệt mức thù lao của HDQT, BKS năm 2016 tối dda ở mức 0,44% lợi nhuận sau thuế năm 2016.

Phát hành cổ phiếu tăng vốn thêm 9.446 tỷ

Về phương án tăng vốn điều lệ, theo BIDV, để nâng cao năng lực tài chính và năng lực cạnh tranh, tiến dần đến đáp ứng và tuân thủ theo thông lệ quốc tế trong an toàn vốn theo Basel II trong năm 2016.

Theo đó, BIDV dự kiến gia tăng vốn điều lệ từ ba nguồn:

Phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài khi có điều kiện thuận lợi. Chủ trương này đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 phê duyệt, BIDV sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch này trong năm 2016.

Phát hành trái phiếu chuyển đổi: Căn cứ khả năng triển khai phương án phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài và phát hành cho cổ đông hiện hữu, để đảm bảo vốn điều lệ đáp ứng cho hoạt động kinh doanh, trường hợp thuận lợi BIDV sẽ có phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi phù hợp.

Phát hành cho cổ đông hiện hữu với tổng giá trị dự kiến phát hành là 9.446 tỷ đồng.Trong đó, phát hành ra công chúng và Nhà nước từ chối quyền mua 2.118 tỷ đồng (tương đương 6,2% vốn điều lệ tại thời điểm 31/12/2015), phát hành từ nguồn thặng dư thoái vốn từ đơn vị liên doanh và bán cổ phần công ty con 1.503 tỷ đồng (tương đương 6,2% vốn điều lệ) và phát hành cho cổ đông hiện hữu 5.825 tỷ đồng (17,04% vốn điều lệ).

Sau đợt phát hành này, dự kiến vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 34.187 tỷ đồng lên 43.633 tỷ đồng, tương đương mức tăng 27,63%. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II và III năm nay.

Mua lại vốn góp của Vietnam Partners

10h: HĐQT trình cổ đông phê duyệt chủ trương thành lập công ty con 100% vốn sở hữu của BIDV trong lĩnh vực quản lý quỹ đầu tư thông qua việc mua lại 100% phần vốn góp của Vietnam Partners (VP) tại Công ty liên doanh Quản lý Đầu tư BIDV - Vietnam Partners (BVIM).

BVIM được thành lập bởi BIDV và VP (Mỹ) tháng 1/2006 với chức năng quản lý quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài, thực hiện đầu tư tại thị trường Việt Nam. Công ty có vốn điều lệ 25 tỷ đồng, với tỷ lệ góp vốn BIDV/VP là 50/50.

Tính đến thời điểm này, BVIM đã huy động, quản lý 2 quỹ đầu tư là VIF và VIF II, trong đó, quỹ VIF đang trong quá trình thanh lý, dự kiến hoàn tất trong năm 2016.

Tính đến thời điểm này, BVIM đã trả cổ tức cho mỗi bên liên doanh 31,53 tỷ đồng, bằng 2,52 lần giá trị góp vốn của mỗi bên.

Nói về lý do muốn mua lại toàn bộ cổ phần BVIM của VP, lãnh đạo BIDV cho biết, so với thời điểm liên doanh thành lập BVIM, năm 2016, hoạt động của đối tác VP đã có nhiều thay đổi. Việc BIDV tách riêng để quản lý độc lập BVIM sẽ thuận lợi hơn cho cả ngân hàng và công ty quản lý quỹ.

Bên cạnh đó, xét về dài hạn, lĩnh vực quản lý tài sản còn nhiều tiềm năng và là một yếu tố không thể thiếu của một thịt rường tài chính chuyên nghiệp. Việc thành lập, duy trì công ty con trong lĩnh vực quản lý quỹ là xu thế chung của các ngân hàng thương mại lớn. Trong khi đó, trong quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính, chứng khoán, việc xin cấp phép thành lập công ty quản lý quỹ mới sẽ kho hơn so với trước đây. Vì vậy, việc mua lại BVIM và duy trì giấy phép hoạt động quản lý quỹ sẽ có lợi cho ngân hàng trong chiến lược phát triển kinh doanh sau này.

Cử người đại diện vốn Nhà nước, miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT

10h20: Ban lãnh đạo BIDV lên đọc tờ trình cổ đông về việc miễn nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2012-2017 và thông báo người đại diện 30% vốn nhà nước tại BIDV.

Cụ thể, thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT BIDV đối với bà Nguyễn Thị Kim Thanh kể từ ngày 1/4/2016 để bà Thanh nghỉ hưu theo chế độ. Đồng thời NHNN cũng đã có quyết định về việc cử ông Đặng Xuân Sinh thành viên HĐQT BIDV thay bà Thanh làm người đại diện 30% vốn Nhà nước tại ngân hàng này kể từ ngày 21/4/2016.

Đồng thời thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông Lê Đào Nguyên kể từ ngày 1/5/2016 để ông Nguyên nghỉ hưu theo chế độ.

10h30: Đại hội chuyển sang phần thảo luận.

Cổ đông: Kết quả kinh doanh chứng khoán năm 2014 lãi hơn 1.000 tỷ, tại sao năm 2015 mảng kinh doanh này lỗ 51 tỷ đồng?

Lợi nhuận thuần cho cổ đông rất cao, so với nhiều ngân hàng mà họ còn chia 10% cổ tức. Vậy tại sao BIDV lại giảm xuống 8,5% mà lại trả bằng cổ phiếu, sao không trả bằng tiền mặt 9% rồi phát hành cổ phiếu sau.

Kế hoạch 2016, lợi nhuận vẫn tăng, nhưng bản trình cổ đông, cổ tức chỉ còn 7%, như vậy ít quá. Cp BID trên sàn có giá trị, trong tương lai còn có thể lên hơn 30 nghìn đồng/cp. Lợi nhuận BIDV còn cao hơn Vietcombank mà sao chia thấp hơn? Tóm lại, cổ tức năm 2015 nên ở mức 9% bằng tiền mặt, nếu bí thì nên chia làm 2 đợt chứ không phải chỉ ở mức 8,5% bằng cổ phiếu.

Ban lãnh đạo BIDV:

Khoản mục này phản ánh kinh doanh Chứng khoán nợ gồm giao dịch trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc. Hiện hoạt động dự trữ thứ cấp (TPCP, tín phiếu kho bạc) chiếm số dư khá lớn, năm 2015 số này là hơn 100.000 nghìn tỷ.

Lãi hoạt động này phụ thuộc vào lãi suất thị trường. Năm 2013 và 2014, BIDV thu được chênh lệch cao và đã hiện thực hóa lãi do trái phiếu được mua từ thời điểm lãi suất cao (giá thấp). Năm 2015, xu hướng lãi suất giảm dần khiến BIDV không còn thu được khoản lãi lớn từ giá chênh lệch mua bán. Thay vì hiện thực hóa lợi nhuận , BIDV tiếp tục nắm giữ và nhận lãi coupon. Mặt bằng trái phiếu chính phủ cao hơn lãi bình quân huy động vốn, nên việc mua TPCP vẫn đóng góp vào hoạt động kinh doanh

Về việc thực hiện chia cổ tức còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Sau khi sáp nhập với ngân hàng MHB, số lượng cp BIDV tăng lên đồng nghĩa số lượng cp chia cổ tức tăng lên nên sẽ khó giữ đuộc mức cổ tức như ban đầu.

Nếu thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt, việc thực hiện tăng vốn hơn 9,4 nghìn tỷ trong năm nay sẽ rất khó. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng là chỉ đạo của NHNN, ngân hàng sẽ dùng nguồn lực đó để tăng năng lực tài chính của ngân hàng.

Chúng tôi thấy 8,5% là phù hợp, không thấp hơn lãi suất tiết kiệm ngân hàng 12 tháng, vẫn đảm bảo lợi ích của cổ đông đồng thời mong cổ đông thông cảm chia sẻ đóng góp với ngân hàng.

Cổ đông: BIDV đã thoái vốn khỏi VID Public Bank ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến mà sao kế hoạch 2016 lại khiêm tốn thế?

Ban lãnh đạo ngân hàng: Việc thoái toàn bộ vốn khỏi VID Public Bank đã thu được chênh lệch khoảng 890 tỷ. Kế hoạch 7.900 tỷ chưa bao gồm 890 tỷ đồng này.

Cổ đông: Năm 2016, BIDV lên kế hoạch tái cấu trúc và xử lý nợ như thế nào, năm nay có kế hoạch bán nợ cho VAMC không?

Tổng giám đốc Phan Đức Tú, BIDV bán VAMC nhiều, trái phiếu ngân hàng bán cho VAMC lũy kế đến nay khoảng 20 nghìn tỷ đồng, năm ngoái là hơn 13 nghìn tỷ. Tuy nhiên, hiện quyền năng cũng như khả năng xử lý của VAMC chưa đạt được như mong muốn do đó, năm nay chúng tôi chưa có kế hoạch bán nợ cho VAMC. Ngân hàng sẽ có trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo thu nợ. Năm nay dự kiến trích dự phòng rủi ro cho VAMC là 4.000 tỷ đồng.

Cổ đông: Tỷ lệ an toàn vốn cụ thể của BIDV hiện tại là bao nhiêu? Liệu ngân hàng còn dư địa để tăng vốn cấp 2 trong năm 2016?

Tại thời điểm ngày 31/12/2015, hệ số CAR hợp nhất của ngân hàng là 9,81%, hệ số CAR của ngân hàng riêng lẻ là 9,01%. Nếu tăng vốn thêm 9 nghìn tỷ, ngân hàng vẫn đảm bảo giữ CAR trên 9%. Hiện nay vốn cấp 1 của BIDV đạt hơn 34 nghìn tỷ đồng, dư địa vốn cấp 2 ngân hàng đã gần như đã sử dụng hết. Tuy nhiên, nếu năm nay tăng được vốn thêm 9.400 tỷ thì ngân hàng có thể tăng được vốn cấp 2 hơn 4.500 tỷ nữa.

Cổ đông: Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là bao nhiêu?

Hiện nay Thông tư 36 quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 60%, dự kiến sẽ giảm xuống 40%, trong khi đó tỷ lệ này tại BIDV là 37,1% thấp hơn ngưỡng trên. Nếu Dự thảo trên có hiệu lực ngay thì BIDV cũng không vi phạm.

11h48: Đại hội thông qua tất cả các tờ trình

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên