ĐHĐCĐ Kido Foods (KDF): Cùng quy tụ về Kido – định hướng sớm quay về vị thứ 2 ngành bánh kẹo, mở rộng thị trường từ kem đến Snacking, nước giải khát, sữa…
"KDF thời gian gần đây lợi nhuận có tăng trưởng, tuy nhiên doanh thu không đạt được mục tiêu mà ban lãnh đạo mong muốn. Theo đó, Công ty chưa đủ nguồn lực về tài chính để nắm bắt cũng như tham gia mở rộng ngành hàng mới, dù KDF có đủ kinh nghiệm. Theo đó, KDF cần hỗ trợ từ Tập đoàn, đồng thời thị giá cổ phiếu KDF trên sàn hiện không cao, thanh khoản thấp", đại diện Kido Foods (KDF) chia sẻ tại Đại hội.
Sáng ngày 9/6/2020, Tập đoàn Kido Foods (KDF) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 nhằm thông qua chiến lược kinh doanh thời gian tới. Năm 2020, KDF đặt kế hoạch doanh thu thuần 1.600 tỷ đồng, LNTT 200 tỷ đồng, lần lượt tăng 15,7% và 7,9% so với năm 2019. Công ty dự kiến chia cổ tức đặc biệt 2020 với tỷ lệ 30%/mệnh giá, tương đương 3.000 đồng/cp.
Đáng chú ý, Công ty cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch sáp nhập vào Tập đoàn Kido (KDC), mục tiêu mở rộng ngành hàng, gia tăng vị thế, củng cố giá trị cổ phiếu… Theo đó, Tập đoàn mẹ KDC sẽ phát hành thêm 23 triệu cổ phần để hoán đổi hơn 17,76 triệu cổ phần phổ thông của KDF, tỷ lệ hoán đổi 1:1,3 (1 cổ phiếu KDF đổi lấy được 1,3 cổ phiếu KDC). Sau hoán đổi, KDF chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ CTCP sang công ty TNHH MTV do công ty mẹ sở hữu 100% vốn. Công ty dự kiến lộ trình phương án sáp nhập sẽ kết thúc vào tháng 10, cổ phiếu KDC phát hành thêm chính thức được niêm yết.
"KDF thời gian gần đây lợi nhuận có tăng trưởng, tuy nhiên doanh thu không đạt được mục tiêu mà ban lãnh đạo mong muốn. Theo đó, Công ty chưa đủ nguồn lực về tài chính để nắm bắt cũng như tham gia mở rộng ngành hàng mới, dù KDF có đủ kinh nghiệm. Theo đó, KDF cần hỗ trợ từ Tập đoàn, đồng thời thị giá cổ phiếu KDF trên sàn hiện không cao, thanh khoản thấp", đại diện KDF chia sẻ tại Đại hội.
Năm 2019, KDF đạt 1.383 tỷ doanh thu và 142,5 tỷ LNST. Tại tháng 8/2019, Công ty đã tạm ứng cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 14%/mệnh giá. Năm qua, KDF tiếp tục tái cấu trúc hoạt động, quy hoạch danh mục sản phẩm ở phân khúc cao trung cấp, tập trung sản phẩm cốt lõi với thị phần ngành kem tiếp tục dẫn đầu với tỷ trọng 41,4%.
KDC sẽ tiến hành sáp nhập cả Vocarimex khi Nhà nước thoái vốn xong
Mặt khác, về lộ trình sáp nhập các đơn vị thành viên về KDC. Thứ nhất, KDF sẽ là đơn vị đầu tiên trong chiến lược, sau đó đến Tường An (TAC). Riêng Vocarimex (VOC), Công ty sẽ tiến hành sáp nhập sau khi Nhà nước thoái vốn. Tập đoàn hợp nhất sẽ được củng cố về quản trị, logistics, thanh khoản cổ phiếu, quy mô vốn, hệ thống phân phối cũng được mở rộng hơn.
Chiến lược phát triển của KDC sau sáp nhập sẽ không thay đổi đáng kể, các công ty vẫn tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh bình thường như trước khi sáp nhập. Mới đây, KDC cũng vừa công bố thông tin hợp tác liên doanh với Vinamilk. Trong đó, hai bên sẽ thành lập liên doanh với tỷ lệ vốn góp của VNM là 51%, và KDC là 49%, chuyên sản xuất kinh doanh nước giải khát, (bao gồm các loại nước có lợi cho sức khoẻ, trà, trà sữa….không bao gồm các loại có ga), sản xuất và kinh doanh các loại kem và thực phẩm đông lạnh.
"Không phải tự nhiên mà hai doanh nghiệp nội địa nghĩ đến chuyện bắt tay với nhau. Nhìn Thaibev qua Việt Nam, cũng như nhiều Tập đoàn nước ngoài khác dần thâu tóm chiếm đóng thị trường, VNM và KDC muốn bắt tay để tạo thành một đơn vị lớn mạnh – và điều này cũng được Chính phủ hỗ trợ", đại diện KDC phân trần. Sau đó, VNM vẫn sẽ làm những gì họ đang làm, KDC cũng sẽ làm những gì họ làm; tương lai tới liên doanh sẽ hỗ trợ nhau, đồng thời cho ra thương hiệu riêng Vibev với các dòng sản phẩm từ nước giải khát, sữa đến kem.
KDC sẽ nhanh chóng quay về vị thứ 2 trong ngành bánh kẹo, đồng thời mở rộng sang ngành Snacking
Với những chuyển biến trên, KDC đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 2020 vào mức 8.234 tỷ đồng, LNST hợp nhất 252 tỷ đồng, cổ tức 16%. Sang năm 2021, doanh thu Tập đoàn dự tăng hơn 64% lên 13.523 tỷ đồng, LNST hợp nhất vào mức 657,5 tỷ đồng, cổ tức 16%.
Chia sẻ về ngành dầu ăn, theo ông Trần Lệ Nguyên cho hay trong ngành dầu ăn, KDC đang sở hữu cổ phần tại 3 công ty VOC, TAC và Golden Hope (liên doanh nước ngoài đã đổi tên thành Kido Nhà Bè). Trong đó, TAC sau 3 năm tiếp nhận thì đến nay thị phần và biên lợi nhuận đều tăng tốt. Ghi nhận 5 tháng đầu năm nay, TAC có tăng trưởng mạnh 20% doanh số, biên lợi nhuận tiếp đà cải tiến chủ yếu nhờ đẩy mạnh nhóm sản phẩm cao cấp.
Đáng chú ý, trong chia sẻ về chiến lược toàn Tập đoàn thời gian tới, ông Nguyên tiết lộ Công ty sẽ quay về ngành cốt lõi trước đây là mảng bánh kẹo trong quý 3, tuy nhiên sẽ tiếp cận theo hướng năng động hơn, hướng đến bắt kịp những xu hướng của giới trẻ thông qua ngành hàng Snacking (món ăn vặt).
"Dung lượng của ngành này hiện đang ở mức 51.000 tỷ đồng, một thị trường khá hấp dẫn, trung bình tăng trưởng 8-10%/năm. Đây là ngành cốt lõi KDC xem xét. Nếu, tập trung từ quý 3/2020 để khởi động ngành này thì khoảng 2 năm sau, KDC sẽ về quay về vị trí thứ 2 của thị trường bánh kẹo. Chưa kể tính cả ngành Snacking thì quy mô lớn hơn nhiều", đại diện KDC nhấn mạnh.
Trí Thức Trẻ