MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ lần 2 của OGC bất thành do HĐQT không chấp thuận yêu cầu bổ sung chương trình họp của nhóm cổ đông sở hữu 51% cổ phần

Sáng ngày 29/10, CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 lần 2. Tổng cộng có các cổ đông và người được ủy quyền đại diện cho hơn 262 triệu cổ phiếu, tương ứng 87,6% cổ phần của công ty đã có mặt.

Tuy nhiên, việc phê duyệt chương trình đại hội đã không được thông qua với 59,5% biểu quyết tại đại hội không tán thành, điều này đồng nghĩa với việc đại hội lần 2 không thể tiến hành.

Nguyên nhân dẫn đến việc đa số phản đối chương trình đại hội là do HĐQT công ty đã không đưa vào chương trình họp các kiến nghị theo đề xuất của nhóm cổ đông lớn được đại diện bởi IDS Equity Holdings.

Hiện OGC có vốn điều lệ 3000 tỷ đồng, tương ứng với 300 triệu cổ phiếu. Có 16 cổ đông sở hữu hơn 153 triệu cổ phiếu, tương đương 51,02% cổ phần đã ủy quyền cho IDS Equity Holdings. Đáng chú ý trước đó vào cuộc họp báo ngày1 tháng 12 năm 2020 do ông Mai Hữu Đạt và Nguyễn Thành Trung tổ chức lại phủ nhận thông tin nhóm cổ đông IDS Equity Holdings đã sở hữu chi phối OGC.

Trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần 2 của Tập đoàn Đại Dương, ngày 20/10/2021, IDS Equity Holdings đã có văn bản đề nghị bổ sung vào chương trình họp theo đúng và chính xác toàn bộ các nội dung đã được kiến nghị bổ sung từ ngày 22/04/2021 trước đó, đồng thời yêu cầu bãi nhiệm 02 thành viên Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Thành Trung và bà Nguyễn Mai Phương.

Tuy nhiên, OGC đã có văn bản chính thức gửi IDS Equity Holdings, phản hồi rằng: "đại đa số thành viên HĐQT không tán thành thông qua việc bổ sung nội dung nói trên vào chương trình Đại hội đồng cổ đông". OGC không cung cấp thêm các lý do hay dẫn chiếu các quy định khi chính các thành viên HĐQT quyết định không đưa nội dung miễn nhiệm mình vào để bổ sung họp vào theo yêu cầu của cổ đông 51%.

Việc HĐQT của OGC không thực hiện bổ sung nội dung được đa số cổ đông đề nghị vào chương trình họp cho thấy quyết định đi ngược lại của các thành viên hội đồng quản trị với quyết định của đa số những chủ sở hữu thật sự của công ty. Đây cũng là một trong các bất cập của Luật Doanh Nghiệp hiện hành, đã xảy ra các trường hợp tương tự như các kỳ đại hội của Eximbank, khi mà người đại diện cổ đông để điều hành một công ty đại chúng, mặc dù không còn được tín nhiệm thì có rất nhiều lỗ hổng để tiếp tục tại vị.

Trường An

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên