MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ Masan Group: Quý 1 đạt 816 tỷ lợi nhuận, nửa sau năm nay sẽ tung mì gói cao cấp

24-04-2018 - 09:54 AM | Doanh nghiệp

Giá heo thấp tiếp tục ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Masan Nutri-Science.

Lợi nhuận 2018 sẽ tăng trưởng hơn 50%

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 tổ chức sáng ngày 24/4, CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, HOSE: MSN) đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 20% về doanh thu thuần, đạt từ 45.000-47.000 tỷ đồng; lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông dự tính đạt 3.400-4.000 tỷ đồng, tăng từ 10-30% so với năm 2017.

Thậm chí, nếu loại trừ các khoản thu nhập bất thường và khoản lợi nhuận 933 tỷ đồng từ việc mua bán trái phiếu chuyển đổi của Techcombank (TCB) trong năm 2017 thì lợi nhuận của MSN dự tăng trưởng hơn 50%.

ĐHĐCĐ Masan Group: Quý 1 đạt 816 tỷ lợi nhuận, nửa sau năm nay sẽ tung mì gói cao cấp - Ảnh 1.

Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2018 MSN.

Nói về năm 2018, MSN xác định tăng trưởng so với năm qua có thể bị thách thức bởi một số yếu tố, trong đó việc giá heo đang thấp tiếp tục thấp sẽ làm giảm nhu cầu với sản phẩm thức ăn gia súc, đồng thời giá nguyên liệu đầu vào tăng lên sẽ tạo áp lực lên lợi nhuận biên. Đáng chú ý, MSN đang cho thấy sự trở lại của dòng sản phẩm cao cấp những năm 2014-2015.

Đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, việc phát triển các sản phẩm mới và thành công của việc đưa ra các phát kiến mới vào sản phẩm cũng được xem là một phần rủi ro đối với tăng trưởng. Song, Masan Nutri-Science (MNS) vẫn kế hoạch ra mắt thị trường sản phẩm thịt mát "fresh chilled meat" vào cuối năm nay, đây là yếu tố kỳ vọng mang về những con số kinh doanh đề ra. Tại đây, MSN cho biết bức tranh 2020 đang lộ dần, tức Tập đoàn hướng đến cung cấp dòng sản phẩm cao cấp với 50/50 tỷ lệ thực phẩm/đồ uống.

Riêng mảng mỳ, nửa năm 2018 Tập đoàn dự ra mắt dòng sản phẩm cao cấp hơn, sau sự thành công của Omachi mới ra mắt tháng 4 năm ngoái. 

Còn tại Masan Resources (MSR), sau 1 năm khả quan Tập đoàn sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội để tham gia vào chế biến sâu các sản phẩm gia tăng vonfram công nghiệp trên quy mô toàn cầu.

Quý 1/2018 thực hiện 24% chỉ tiêu lợi nhuận, mảng MNS giảm mạnh do giá heo thấp

Kết thúc quý 1, doanh thu Tập đoàn đạt 8.274 tỷ đồng, trong đó mảng MCH thu về 3.586 tỷ (tăng hơn 78%), MSR đạt 1.487 tỷ (tăng 26,5%) nhờ giá vonfram tiếp tục cải thiện. Theo đó, lợi nhuận gộp MSN ghi nhận 2.762 tỷ, tăng 12%.

Ở chiều ngược lại, mảng MNS giảm mạnh 40% về 3.201 tỷ, lợi nhuận gộp giảm 57% chỉ còn 551 tỷ do thiếu hụt nguồn cung dẫn đến giá heo thấp trong kỳ. Tuy nhiên theo Tập đoàn việc so sánh với cùng kỳ năm 2017 là khập khiễng do giá heo bắt đầu khủng hoảng kể từ quý 2 năm ngoái. Đồng thời, MSN vẫn giữ nguyên kỳ vọng thị trường heo sẽ cải thiện vào giữa năm, cùng với sản phẩm mới Bio-zeem sẽ giúp MNS ghi nhận kết quả khả quan cho cả năm 2018.

Về mảng tài chính, 3 tháng đầu năm Techcombank (TCB) đóng góp 517 tỷ đồng lợi nhuận cho Tập đoàn, tăng mạnh 59% so với mức 325 tỷ cùng kỳ. Được biết, TCB vừa nộp đơn niêm yết lên HoSE, kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo đà tăng trưởng cho Tập đoàn cũng như cổ phiếu MSN – chất xúc tác tăng trưởng chính của MSN theo giới phân tích trong năm nay.

Tựu trung lại, tính đến ngày 31/3/2018, MSN đã lần lượt thực hiện được 17-19% chỉ tiêu doanh thu và 20-24% chỉ tiêu lãi sau thuế cổ đông công ty. Cũng nhấn mạnh, việc quý 1 tăng trưởng mạnh đã được MSN công bố trước đó, và MSN cũng đã căn cứ vào tình hình này để tăng kế hoạch 2018. Tuy nhiên, Tập đoàn vẫn dự trù những rủi ro về giá vonfram, giá heo khó phục hồi mạnh, hay sản phẩm mới có biên lợi nhuận thấp… đồng thời khẳng định sẽ không để áp lực ngắn hạn ảnh hưởng đến đường đi lâu dài.

Không để áp lực ngắn hạn ảnh hưởng dài hạn

Điểm lại năm 2017, doanh thu và lợi nhuận của Masan Consumer Holdings (MCH) giảm 8.8% về  13,526 tỷ đồng do thực hiện chính sách giảm tồn kho (giảm 1.000 tỷ đồng) tại nhà phân phối. Ngược lại, MCH khá thành công trong việc giới thiệu các sản phẩm mới ra thị trường, điển hình nước tăng lực tăng trưởng 54.9% và thịt chế biến tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ.

Về phía Masan Nutri-Science (MNS), MNS cũng chịu giảm doanh thu do giá heo giảm mạnh, khi mà sản lượng cám heo cũng từ đó giảm từ 6.3 triệu tấn xuống còn 3.4 triệu tấn trong vòng 12 tháng, làm cho doanh thu của riêng MNS giảm 23.5%, chỉ còn 18,690 tỷ đồng.

Là lĩnh vực duy nhất tăng trưởng năm qua, giá và sản lượng sản phẩm hóa chất tăng cao hơn đã giúp cho Masan Resources (MSR) đạt được mức tăng trưởng cao, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông Công ty mẹ tăng 88% lên 206 tỷ đồng, góp phần phù đắp phần giảm doanh thu của cả Tập đoàn.

Xét về tổng thể, hoạt động cốt lõi toàn Tập đoàn suy giảm, nếu trừ phần lợi nhuận bán trái phiếu chuyển đổi TCB là 932 tỷ thì lợi nhuận của MSN trong năm 2017 chỉ còn 2,170 tỷ đồng, tức giảm 22.35% so với năm 2016.

Chính điều này khiến giới đầu tư nghi ngờ vào sự tập trung của MSN. Không phủ nhận điều này, Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang từng cho biết: "Ở bên ngoài nhìn vào, Masan gần như trở nên rất phức tạp với quá nhiều lĩnh vực kinh doanh, chưa kể Tập đoàn đang giảm đà tăng trưởng và có lẽ chưa rõ ràng chiến lược dài hạn trong tương lai. Tuy nhiên, MSN vẫn đang đi đúng chiến lược, và sẽ không để áp lực ngắn hạn ảnh hưởng dài hạn".

Không chia cổ tức 2017, cuối năm 2018 sẽ phát hành ESOP

Được biết, MSN sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2017. Hiện MSN vẫn chưa có kế hoạch phân phối lợi nhuận cụ thể cho năm 2018. HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên sắp tới thông qua việc ủy quyền cho HĐQT quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến việc tạm ứng cổ tức năm 2018, dựa vào kết quả kinh doanh, kế hoạch kinh doanh và đảm bảo tối ưu hóa dòng tiền.

Một thông tin đáng quan tâm khác, dự kiến trong năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, MSN sẽ phát hành cổ phiếu ESOP với khối lượng tối đa không vượt quá 0.5% tổng số vốn điều lệ. Số tiền thu được từ việc phát hành sẽ được sử dụng để tăng vốn điều lệ, phục vụ cho nhu cầu hoạt động kinh doanh và bổ sung vốn lưu động của Công ty.

Trên thị trường, cổ phiếu MSN một năm qua tăng đột biến, tuy nhiên những phiên gần đây đã điều chỉnh nhẹ về mức 95.000 đồng/cp (chốt phiên 24/4).

ĐHĐCĐ Masan Group: Quý 1 đạt 816 tỷ lợi nhuận, nửa sau năm nay sẽ tung mì gói cao cấp - Ảnh 2.

Biến động cổ phiếu MSN 1 năm qua.

Về nhân sự, được biết ông Hồ Hùng Anh – Phó Chủ tịch HĐQT MSN đã nộp đơn xin từ nhiệm vị trí này nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định mới của pháp luật áp dụng đối với các tổ chức tín dụng. Ông Hồ Hùng Anh đang đương nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của Techcombank.

Hiếu Nguyễn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên