ĐHĐCĐ Masan Resources (MSR): Đã chi hơn 1.097 tỷ để mua nền tảng vonfram của H.C. Starck, trình đổi tên thành Masan High-Tech Materials
Masan Resources (MSR) cho biết chi khoảng 41 triệu euro, tương đương hơn 1.097 tỷ đồng. Việc sáp nhập có thể thúc đẩy MSR tăng gấp đôi doanh thu hiện tại, tuy nhiên vẫn chưa chắc chắn do còn nhiều tác động bởi Covid-19 trên toàn cầu. Thương vụ theo kế hoạch sẽ được hoàn tất vào ngày 9/6, sau đó tiến hành tích hợp hệ thống kinh doanh của HCS vào Công ty.
Ngày 29/6/2020, Masan Resources đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020, thông qua kế hoạch kinh doanh với 2 kịch bản. Bao gồm:
+ Kịch bản 1: Doanh thu 8.000 tỷ và LNST phân bổ cho cổ đông 200 tỷ đồng - giảm 43% so với năm 2019;
+ Kịch bản 2: Doanh thu 9.000 tỷ đồng, LNST tăng 42% lên 500 tỷ đồng.
Năm nay, với mảng khoáng sản, Tập đoàn Masan dự tập trung hoàn thành việc tích hợp nền tảng kinh doanh vonfram của H.C.Stark (HCS) để trở thành nhà chế biến cận sâu (midstream) giá trị gia tăng trên toàn cầu, qua đó, giảm bớt rủi ro biến động giá theo chu kỳ hàng hóa.
Thông tin đáng chú ý trong năm 2019, Vonfram Masan - công ty con do CTCP Tài nguyên Masan (Masan Resources, MSR) sở hữu 100% vốn - đã ký hợp đồng mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck GmbH (HSC). Thông qua giao dịch, MSR kỳ vọng tạo ra dòng tiền ổn định qua các chu kỳ thị trường, đồng thời mở rộng quy mô thị trường đầu ra lên 3,5 lần, từ 1,3 tỷ USD lên 4,6 tỷ USD.
Báo cáo với cổ đông tại Đại hội, Công ty cho biết chi khoảng 41 triệu euro, tương đương hơn 1.097 tỷ đồng. Việc sáp nhập có thể thúc đẩy MSR tăng gấp đôi doanh thu hiện tại, tuy nhiên vẫn chưa chắc chắn do còn nhiều tác động bởi Covid-19 trên toàn cầu. Thương vụ theo kế hoạch sẽ được hoàn tất vào ngày 9/6, sau đó tiến hành tích hợp hệ thống kinh doanh của HCS vào Công ty.
"Đại dịch đã ảnh hưởng rất nhiều đến cộng đồng công nghiệp, một số ngành nghề đã phải đóng cửa và trì trệ trong thời gian dài. Nhưng, chúng ta có thấy gì tích cực từ Covid-19 không? Đó là quá trình chuyển đổi mà thế giới phải làm quen. Những gì chúng ta thấy là sự thay đổi, chiến dịch kêu gọi tái đầu tư vào hạ tầng ở các nước khác nhau. Rất nhiều quốc gia hồi phục sau Covid-19 thì họ vẫn có nhu cầu với các sản phẩm chúng ta bán. Chúng tôi kỳ vọng họ sẽ có những yêu cầu cụ thể với các vật liệu công nghệ cao. Trong đó, Covid-19 có thể khiến mọi thứ trì trệ nhưng trước sau thị trường cũng hồi phục lại, nhu cầu tiêu thụ các vật liệu công nghệ cao sẽ trở lại. Kế hoạch 2020 chắc chắn sẽ đạt được, dù có thể sẽ có nhiều thách thức", đại diện MSR nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc Craig Eichard Bradshaw nói thêm, diễn biến chiến tranh thương mại trong năm 2019 đã gây ra khó khăn đối với nhiều ngành nghề, trong đó có lĩnh vực nguyên liệu, bao gồm Vonfram. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra trong năm 2020 đã càng gây ra nhiều khó khăn hơn nữa. Tuy nhiên, MSR đã tìm ra hướng giải quyết và ngay lúc này đã quyết định "Go global" (vươn ra toàn cầu) sau khi mua lại thành công nền tảng Vonfram của H.C.Starch. Tính đến nay, MSR đã sở hữu tổ hợp chế biến tại Đức, Canada, Trung Quốc. Khi có những cơ sở này, Công ty có nhiều cơ hội hơn để mở rộng danh mục sản phẩm công nghệ cao, nhằm phục vụ các ngành công nghiệp như: Hàng không, quốc phòng, hàng không vũ trụ, hóa chất, khai khoáng, xây dựng, robot, năng lượng, ô tô…
Cổ đông cũng thông qua phương án chào bán cổ phần mới bằng hình thức riêng lẻ, tổng khối lượng phát hành dự kiến tối đa 9,99% số cổ phần đang lưu hành. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2020-2021. Giá phát hành không thấp hơn giá trị sổ sách, cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.
Về ban lãnh đạo, đáng chú ý MSR muốn xin phê duyệt việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Đăng Quang và số lượng thành viên còn lại là 4 người cho nhiệm kỳ 2016-2021. Đại hội lần này cũng trình cổ đông chấp thuận việc thay đổi tên công ty thành CTCP Masan High-Tech Materials.
Trí Thức Trẻ