MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ PAN Group: Không chia cổ tức 2017, chi tiếp 1.000 tỷ đồng cho M&A

21-04-2018 - 20:00 PM | Doanh nghiệp

Với mục tiêu bán những gì thị trường cần một cách chất lượng nhất, PAN năm nay sẽ tiếp đà tham vọng M&A nhằm "đầy đủ" hóa chuỗi giá trị. Tuy nhiên lãnh đạo công ty không thể tiết lộ chi tiết.

Chi 1.000 tỷ đồng cho chiến lược M&A 2018, hướng đến mốc 1 tỷ USD vốn hóa vào năm 2022

Chiều 21/4, CTCP Tập đoàn Pan (The Pan Group, HOSE: PAN) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2018 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh cả năm, đáng chú ý là chiến lược M&A mạnh mẽ tiếp diễn từ nhiều năm nay. Trước tò mò của nhiều cổ đông, ông Hưng cho biết hiện chưa thể cung cấp thông tin chi tiết được, tuy nhiên nếu có thể tiết lộ thì chỉ cho biết được tổng ngân sách cho chiến lược này đâu đó đạt 1.000 tỷ đồng.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết M&A là hướng đi tốt  nhất nhằm hoàn thiện hóa chuỗi giá trị, và đây cũng là bước đi nhanh nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được, mà phải có tiền và phải có chiến lược rõ ràng, "thế giới nói về M&A thì tỷ lệ thành công chỉ 25%, nhưng PAN từ trước đến nay chưa thất bại bao giờ, tỷ lệ chốt deal luôn đạt 100%", ông Hưng tự hào nói.

Về công tác M&A như thế nào để hoàn thiện chuỗi giá trị, vị này cũng không thể lý giải rõ ràng, chỉ có thể nói nôm na "đối với mảng có phân phối, điều PAN cần là tìm sản phẩm chất lượng cho khách hàng. Còn đối với lĩnh vực PAN có sản phẩm tốt muốn tung ra thị trường, thì Tập đoàn sẽ tìm kiếm đối tác có kênh phân phối tốt nhất để thực hiện điều này".

Thậm chí, báo cáo tại đại hội, bà Nguyễn Thị Trà My - Phó chủ tịch HĐQT kỳ vọng PAN sẽ đạt quy mô 1 tỷ USD vốn hóa vào 2022 và mức lợi nhuận sau thuế 95-100 triệu USD.

Điểm lại năm 2017, với trọng tâm phát triển lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, mục tiêu trở thành đơn vị dẫn đầu khu vực, PAN đã chi mạnh cho những thương vụ M&A đình đám nhằm thâu tóm các công ty có thế mạnh của ngành, từ đó "đầy đủ" hóa chuỗi giá trị Farm, Food, Family.

Điển hình, tháng 9 Pan Food đã tăng tỷ lệ sở hữu tại Bibica từ 43,73% lên 50,07%, biến Bibica từ công ty liên kết trở thành công ty con; đồng thời tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Thủy sản 584 Nha Trang lên 31.86%. Bước sang đầu năm 2018, đứa con cưng của Hùng Vương (HVG) làThực phẩm Sao Ta (FMC) cũng về tay PAN với tỷ lệ sở hữu trên 54%. Trong lĩnh vực nông nghiệp, NSC, một thành viên của Pan Farm, đã thực hiện tăng tỷ lệ sở hữu tại SSC từ 68,34% lên 74,9%.

Kết thúc năm 2017, PAN ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 4.075 và 503 tỷ đồng; lần lượt vượt 32% và 80% kế hoạch năm. So với kết quả năm 2016, PAN đạt mức tăng trưởng 48% doanh thu thuần và 45% lợi nhuận sau thuế công ty mẹ. Riêng mảng thực phẩm tăng trưởng vượt bậc về doanh thu với 88%, nhờ hoạt động kinh doanh nhân điều từ LAF, hợp nhất doanh thu BBC từ quý 3; mảng nông nghiệp tăng trưởng 15%.

Bất cân xứng doanh thu và lợi nhuận năm 2018?

Mặc dù đạt kết quả ấn tượng, tuy nhiên nhằm phục vụ tối đa cho công tác thâu tóm, PAN trình cổ đông không chia cổ tức 2017 nhằm giữ lại lợi nhuận tái đầu tư. Đồng thời, kế hoạch cho năm 2018, Công ty dự kiến doanh thu thuần hợp nhất đạt 8.786 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 538 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 293 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến 10% mệnh giá (nếu đạt kế hoạch kinh doanh đề ra).

ĐHĐCĐ PAN Group: Không chia cổ tức 2017, ông Nguyễn Duy Hưng tiết lộ dự chi 1.000 tỷ đồng tiếp đà M&A - Ảnh 1.

ĐHĐCĐ PAN diễn ra ngày 21/4/2018.

Trước kế hoạch trên, cổ đông thắc mắc tại sao lợi nhuận không tăng tương xứng với doanh thu trong năm 2018? Giải thích điều này, đại diện Tập đoàn đưa ra 2 vấn đề:

Thứ nhất trong cơ cấu lợi nhuận tăng trưởng mạnh năm 2017 có phần đầu tư tài chính nhờ M&A, trong cơ cấu kế hoạch năm 2018 chỉ có từ phần hiện có mà không có những lợi thế khi M&A.

Thứ hai là với hệ thống phân phối của BBC thì PAN sẽ xây dựng và mở rộng nhà máy. Hiện nay, PAN đã có nhà máy 2ha ở Long An, thời gian tới sẽ mở rộng lên 10ha, điều này đẩy doanh số gia tăng mà lợi nhuận giảm.

Vì sao mua lại FMC?

Nói về thương vụ M&A đình đám năm qua, thương vụ FMC gây nhiều tranh cãi bởi đây là công ty hiệu quả nhất của ông vua cá tra một thời HVG. Được biết, hiện Pan đang đưa người vào ban lãnh đạo FMC, việc này mục đích để PAN có thể kết nối chuyên gia với công ty, đưa ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ tiếp thị, quảng cáo. Bởi, các công ty mà PAN sở hữu trên 50% thì tất cả đều là nhân sự của PAN không có sự phân biệt và tài sản quan trọng nhất khi hợp nhất là con người.

Chia sẻ bên lề đại hội lần này, ông Hưng cho biết lý do mua lại FMC vì nó là một đơn vị khá hiệu quả, chưa từng thua lỗ. Điều này phù hợp với PAN và khẩu vị của PAN. Như vậy, về một nhà FMC dự kiến sẽ hỗ trợ cho PAN phát triển mạnh mảng tôm, song song với đó PAN cam kết sẽ giúp FMC giải quyết ổn thỏa vụ kiện chống bán phá giá tôn từ nhiều năm liền.

"FMC không thể đối thoại với Mỹ, nhưng PAN thì khác. Với quy mô và tiềm lực hiện có, PAN sẽ hỗ trợ FMC một cách tốt nhất về khoản này", ông Hưng khẳng định.

"Tôi buồn vì Việt Nam chỉ bán những gì mình có tốt nhất"

Là một đơn vị đầu ngành, khi nói về thị trường nông nghiệp và thực phẩm, ông Hưng phân trần rất buồn. Vì hiện nước ngoài sang Việt Nam để mua những gì tốt nhất, thì nước ta lại đang bán những gì tốt nhất.

Và, một điều khiến ông Hưng trăn trở nữa là tư duy chú trọng sản lượng của đa số người dân, nhưng PAN khác sẽ chú trọng chất lượng. Nói là vậy, nhưng khi được hỏi về thời hạn bao lâu để PAN thực hiện hóa được mục tieau này, ông Hưng chỉ nói "không thể đong đếm bằng mốc, mà là cái tỷ lệ phát triển. Tức, PAN sẽ cố gắng để phát triển và duy trì mức 45% như năm 2017, theo đó các đơn vị khác sẽ học theo và thị trường tất yếu đi lên". Bởi theo ông Hưng PAN hiện không có đối thủ, và thị trường hiện nay không thể gọi là cạnh tranh, chỉ có thể hợp tác để cùng phát triển.

Mặt khác, theo người cầm cương PAN thì với bán lẻ không thể mở rộng nhanh được vì rất dễ không thành công, PAN đang trong quá trình nghiên cứu và tập trung vào bán lẻ theo kiểu khác. Đối với PAN, thị trường 90 triệu dân trong nước vẫn là thị trường mà tập đoàn chú trọng.

Cũng tại đại hội, HĐQT đã trình cổ đông việc phát hành 2,5 triệu cổ phiếu cho thành viên HĐQT, nhân sự chủ chốt của PAN và các công ty con, công ty liên kết. Giá phát hành dự kiến 10.000 đồng/cp, thời gian thực hiện trong năm, số lượng cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng 100%  trong 2 năm đầu và 50% năm tiếp theo.

Đồng thời, Đại hội đồng cổ đông cũng tiến hành bầu cử HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2018-2022. Danh sách ứng cử vào HĐQT gồm ông Nguyễn Duy Hưng, bà Nguyễn Vũ Thùy Hương, ông Nguyễn Duy Khánh, bà Nguyễn Thị Trà My, ông Phạm Viết Muôn, ông Michael Sgn Beng Hock, ông Đặng Kim Sơn và bà Hà Thị Thanh Vân. Danh sách ứng của vào BKS gồm bà Phạm Thị Hồng Nhung, ông Nguyễn Duy Hưng và bà Nguyễn Thị Thanh Hà. Trong đó có thành viên mới là bà Hồng Nhung, chức vụ gần nhất là Kế toán trưởng CTCP CSC Việt Nam (cổ đông lớn) và Chuyên viên hành chính PAN.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên