MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đi đánh giày gần 10 năm để có tiền đi học, chàng trai 9X bỏ nghề báo về mở xưởng đồ da ‘tút lại nhan sắc’ cho những bộ sofa tiền tỷ, cùng anh em đường phố viết lại cuộc đời

10-10-2023 - 11:18 AM | Sống

Đi đánh giày gần 10 năm để có tiền đi học, chàng trai 9X bỏ nghề báo về mở xưởng đồ da ‘tút lại nhan sắc’ cho những bộ sofa tiền tỷ, cùng anh em đường phố viết lại cuộc đời

“Khi thoát được những ngày tháng cơ cực nhất của cuộc đời, tôi mong muốn những người anh em của mình cũng có được cơ hội đó”, chủ Bệnh viện đồ da chia sẻ.

Gặp ông chủ Bệnh viện đồ da - Nguyễn Văn Phúc tại chính xưởng làm việc của anh trong một con ngõ nhỏ, tôi không thấy có khoảng cách nào giữa chính anh và các nhân sự của mình. Trong khu xưởng rộng khoảng 100m2, mọi người liên tục có những câu bông đùa với nhau suốt cả buổi.

Dẫu là chủ của cơ sở chuyên chăm sóc đồ da có đến 4 cơ sở tại Hà Nội, song anh Phúc nói rằng ở xưởng không có khái niệm giữa sếp và nhân viên. “Tất cả chúng tôi từng kiếm sống trên hè phố. Về đây, anh em cùng làm việc với nhau và coi như người một nhà. Tôi cũng chỉ xem mình là người anh lớn dạy bảo các em”, anh Phúc vừa nói, tay vừa thoăn thoắt bạy ghim từ chiếc ghế sofa.

Đi đánh giày gần 10 năm để có tiền đi học, chàng trai 9X bỏ nghề báo về mở xưởng đồ da ‘tút lại nhan sắc’ cho những bộ sofa tiền tỷ, cùng anh em đường phố viết lại cuộc đời - Ảnh 2.

Bố mất sớm, gia đình lại khó khăn. Ngay từ năm lớp 6, Phúc đã phải đi đánh giày ở khu vực Phùng Khoang. Khác với phần đông những đứa trẻ trong làng bỏ dở việc học để lo chuyện cơm áo gạo tiền, cậu bé Phúc ngày đó vẫn tìm mọi cách để học hành đến nơi đến chốn. “Thường đi qua cổng trường ĐH Kiến trúc hay HV An Ninh, tôi đã có một khát khao là trở thành sinh viên. Nhờ mong ước đó, tôi hiểu rằng dù bằng giá nào cũng phải học để đỗ ĐH”, anh bộc bạch.

Ở thời điểm đầu, mẹ không hề biết chuyện Phúc ra đường đánh giày để kiếm sống. Chỉ học buổi sáng ở trường, chiều anh lại mang đồ nghề đi đánh giày nhưng nói dối mẹ là đi học. Mãi cho đến 1 năm sau, mẹ mới phát hiện.

“Kể từ đó, mỗi ngày kiếm được 20.000-30.000 đồng từ đánh giày, tôi đều mang về đưa cho mẹ. Khoản tiền này đã giúp tôi lo tiền sách vở trên trường và đỡ mẹ một phần chi phí sinh hoạt hàng ngày”, Phúc tâm sự.

Đi đánh giày gần 10 năm để có tiền đi học, chàng trai 9X bỏ nghề báo về mở xưởng đồ da ‘tút lại nhan sắc’ cho những bộ sofa tiền tỷ, cùng anh em đường phố viết lại cuộc đời - Ảnh 3.

Vừa đi làm, vừa đi học, anh kể rằng một ngày thường bắt đầu từ 5h30 sáng để lên phố đánh giày. Buổi trưa, anh trở về nhà ăn cơm và đi học. 5 rưỡi chiều về nhà, Phúc lại cơm nước và ngồi bàn học lúc 7 rưỡi cho đến 3-4 sáng. “1 năm ôn thi vào Học viện Báo chí & Tuyên truyền, ngày nào tôi cũng chỉ được ngủ 4 tiếng/ngày”, anh kể lại.

Như việc trồng cái cây phải tốn rất nhiều công chăm sóc. Đến ngày bói được quả đầu tiên và bạn lại chính là người thưởng thức nó thì không có gì hạnh phúc bằng. Đó chính cảm xúc của anh Phúc tại thời điểm nhận được giấy báo trúng tuyển vào ngôi trường mơ ước. “Lúc đó tôi thực sự hiểu được thành quả của lao động. Mọi nỗ lực trong gần 10 năm cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng”, anh nói.

Trong suốt 4 năm ở giảng đường, chàng sinh viên Phúc đã có cơ hội cộng tác với nhiều cơ quan báo chí. Sau khi ra trường, anh công tác tại một đài truyền hình.

Đi đánh giày gần 10 năm để có tiền đi học, chàng trai 9X bỏ nghề báo về mở xưởng đồ da ‘tút lại nhan sắc’ cho những bộ sofa tiền tỷ, cùng anh em đường phố viết lại cuộc đời - Ảnh 4.

Với nhiều người, đánh giày chỉ là công việc. Song với Phúc đó là niềm vui, hạnh phúc. Kể cả sau khi học đại học và đến khi đi làm ở đài, anh vẫn duy trì công việc đánh giày vào mỗi cuối tuần. “Khi làm ở đài truyền hình, công việc đang rất tốt. Tuy nhiên, cái ‘nghiệp’ đánh giày trong tôi quá lớn. Thêm nữa, ngày trước, tôi được làm chương trình Sinh ra từ làng . Những nhân vật trong chương trình đã đem đến cho tôi sự ngưỡng mộ rất lớn. Bản thân tôi lại muốn giúp đỡ những cá nhân có hoàn cảnh như mình. Năm 2018, tôi quyết định mở Bệnh viện đồ da”, anh Phúc bộc bạch.

Ở thời điểm đầu anh cùng với người bạn tên Chiến vẫn đang đi đánh giày góp vốn mỗi người 50 triệu đồng để nhập vật tư nhằm mở cơ sở chuyên sửa chữa chăm sóc các phụ kiện như ví, túi, giày, dép… Anh cho biết khi đó hai anh em cũng chẳng có tiền để thuê mặt bằng. Căn phòng ngủ của nhà anh Phúc được tận dụng làm không gian làm việc của cả 2 người.

Chủ Bệnh viện đồ da kể rằng khi đi vào hoạt động, thương hiệu mới, không có nhiều vốn, cũng chẳng có tiền chạy quảng cáo. Anh đã vận dụng hết các kỹ năng làm báo của mình để xây dựng kênh truyền thông. Phúc đi đến từng cơ sở giặt là cao cấp để xin hợp tác. “Họ có mặt bằng, tệp khách hàng ổn định. Tôi hợp tác để được đặt bảng hiệu tại quán của họ nhằm giới thiệu cho khách hàng có nhu cầu. Tất nhiên, lợi nhuận được chia đều”, anh chia sẻ.

Sau 6 tháng vận hành, lượng đơn hàng ổn định và tăng lên. Từ đây, anh Phúc bắt đầu tuyển thêm nhân sự đều là những anh em có hoàn cảnh khó khăn đến để đào tạo và làm việc.

Đi đánh giày gần 10 năm để có tiền đi học, chàng trai 9X bỏ nghề báo về mở xưởng đồ da ‘tút lại nhan sắc’ cho những bộ sofa tiền tỷ, cùng anh em đường phố viết lại cuộc đời - Ảnh 5.

Để phục vụ lượng khách của 4 chi nhánh chăm sóc đồ da, hiện nay, xưởng của anh Phúc gồm 8 nhân sự. Tất cả mọi người đều có bố hoặc mẹ đã mất. Vì hoàn cảnh, các bạn phải ra đường kiếm sống từ rất sớm. Thậm chí, có nhân sự là nạn nhân của buôn người.

Vì thường phải xử lý những chiếc túi xách có giá đến 400 triệu đồng hay những bộ sofa giá cả tỷ đồng, tất cả các bạn về đây đều được anh Phúc đào tạo từ 6 tháng cho đến 1 năm. “Các bạn sẽ được đào tạo từ thành phần, cấu tạo, công dụng của các loại vật tư. Khi đã quen, tôi tiếp tục hướng dẫn những quy trình chăm sóc một sản phẩm từ đơn giản cho đến phức tạp. Cuối cùng là nâng cao kỹ năng sử dụng màu sắc. Sau quá trình đào tạo, các bạn sẽ phải lên thuyết trình như một cách để kiểm tra kiến thức”, anh nói.

Chia sẻ thêm, ông chủ của Bệnh viện đồ da cho biết tại xưởng, những đóng góp của các bạn đều được trả mức lương xứng đáng. Chính bản thân anh hiểu rằng đối với nhiều người tiền lương chỉ để trang trải cuộc sống cá nhân, cùng lắm là trích ra một phần để giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên, với các nhân sự ở xưởng, khoản tiền này giải quyết rất nhiều thứ như thay đổi cuộc sống gia đình ở quê, nâng cao chất lượng cuộc sống của chính các bạn.

“Về làm việc tại Bệnh viện đồ da, ngoài tiền lương, tôi nghĩ chính bản thân các bạn ấy đã tốt hơn mình của ngày hôm qua. Ở đây, không chỉ tốt về mặt kinh tế, đó còn suy nghĩ bên trong mỗi bạn. Khát vọng lớn hơn, suy nghĩ và tầm nhìn tốt hơn, ngay cả cách giao tiếp của các bạn cũng được rèn luyện để tự tin giao tiếp, tư vấn cho khách hàng”, anh Phúc bộc bạch.

Đi đánh giày gần 10 năm để có tiền đi học, chàng trai 9X bỏ nghề báo về mở xưởng đồ da ‘tút lại nhan sắc’ cho những bộ sofa tiền tỷ, cùng anh em đường phố viết lại cuộc đời - Ảnh 6.

Anh Phúc cũng làm các công việc trong xưởng như bao anh em khác, không có khoảng cách giữa chủ và nhân viên.

Anh cho biết chỉ có duy nhất một điểm khó khăn khi đào tạo các bạn này là do bản thân họ đã quen với phong cách đường phố thích làm tự do. Đôi khi, họ sử dụng một loại xi cho tất cả các sản phẩm. Nhưng về xưởng, các bạn sẽ phải học một cách bài bản và nghiêm túc. Cùng là xi nhưng có đến 10 loại khác nhau. Các bạn sẽ học để sử dụng loại xi đúng với mỗi sản phẩm.

Tuy nhiên, anh Phúc cho rằng có một điểm mạnh mà những bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn hẳn người thường đó là khát vọng vươn lên. “Các bạn ấy có niềm tin vào cuộc sống, niềm tin vào sự thay đổi ở ngày mai lớn hơn người thường rất nhiều. Bởi hơn ai hết chính các bạn ấy thấu hiểu được những gian khổ, khó khăn đã trải qua, thậm chí là những nguy hiểm. Vì thế, khi được trao cơ hội, các bạn ấy biết nắm lấy và vươn lên”, anh Phúc tâm sự.

Hiện nay, Bệnh viện đồ da của anh Phúc chủ yếu nhận chăm sóc sofa. Trung bình mỗi tháng, xưởng nhận sửa khoảng 20-30 bộ. Mức giá chăm sóc dao động từ vài trăm cho đến hàng chục triệu đồng.

"Giải thưởng hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.

Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.

Rất mong giải thưởng có thể nhận thêm nhiều sự quan tâm cũng như đóng góp của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org/

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

Đi đánh giày gần 10 năm để có tiền đi học, chàng trai 9X bỏ nghề báo về mở xưởng đồ da ‘tút lại nhan sắc’ cho những bộ sofa tiền tỷ, cùng anh em đường phố viết lại cuộc đời - Ảnh 7.

Đinh Anh - TK: Hải An - Ảnh: NVCC

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên