Di dời trụ sở Bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội: Ôm giữ đất vàng!
Bắt đầu khởi động từ năm 2012 đến nay việc di dời trụ sở các Bộ, ngành Trung ương trên địa bàn TP Hà Nội vẫn trong tình trạng “dậm chân tại chỗ”. Thậm chí, nhiều Bộ đã có trụ sở mới nhưng vẫn “bám” đất vàng…
- 17-08-2017Những dự án trên đất vàng trung tâm TPHCM của Bitexco hiện nay ra sao?
- 16-08-2017Di dời trụ sở bộ ngành khỏi nội đô Hà Nội: Đua nhau bám trụ “đất vàng” Xã hội
- 06-08-2017Đại gia 'ôm' đất vàng ngàn tỷ: Những ông lớn trong tầm ngắm
Gần 15 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng, nhưng đến nay Hà Nội vẫn chưa thu hồi được một khu đất nào từ các Bộ, ngành để xây dựng các công trình công cộng.
Có thể thấy, rất nhiều cơ quan được bố trí đất để chuyển trụ sở như: Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc… Tuy nhiên, phần lớn trong số các cơ quan này vẫn giữ trụ sở cũ hoặc bàn giao cơ quan Trung ương quản lý.
Trụ sở mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường (ảnh dưới) chuyển về phố Tôn Thất Thuyết nhưng trụ sở cũ (ảnh trên) ở 83 Nguyễn Chí Thanh vẫn được Bộ này sử dụng.
Đơn cử, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuyển về trụ sở mới rộng rãi 1,38ha trên phố Tôn Thất Thuyết (Cầu Giấy) nhưng Bộ này vẫn giữ lại khu đất trụ sở cũ ở 83 Nguyễn Chí Thanh để một đơn vị trực thuộc của Bộ sử dụng.
Cùng được chuyển về phố Tôn Thất Thuyết còn có Bộ Nội Vụ, khu đất trụ sở cũ tại số 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hai Bà Trưng được Bộ này tiếp tục giữ và đến tháng 5/2017 mới được chuyển giao cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Bộ Ngoại giao được chuyển đến trụ sở mới trên Đại lộ Thăng Long, khu đất hiện tại của Bộ dự kiến thành Nhà làm việc của Đảng, Quốc hội, Chính phủ (theo quy hoạch Khu trung tâm chính trị hành chính Ba Đình).
Thậm chí, Bộ Xây dựng là một trong nhiều bộ có tên trong danh sách phải di dời khỏi nội đô tới khu Tây Hồ Tây nhưng chưa thấy Bộ này triển khai xây dựng trụ sở mới, mà lại cải tạo để tiếp tục sử dụng trụ sở ở 37 Lê Đại Hành.
Ngày 23/1/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và sử dụng quỹ đất sau khi di dời bệnh viện, cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị thuộc các quận nội thành Hà Nội.
Theo đó, Quyết định nói rõ: Việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm quá tải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.
Đặc biệt, Quyết định 130 cũng quy định trách nhiệm các cơ quan thực hiện như, Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với Hà Nội và các bộ, ngành liên quan lập danh mục, cụ thể hóa tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ quan, đơn vị (các bộ, ngành, cơ quan Trung ương) cần di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội; giám sát việc tổ chức thực hiện, quản lý và xây dựng theo quy hoạch, phối hợp với Hà Nội, các bộ, ngành có liên quan trong quá trình thực hiện việc di dời… UBND TP Hà Nội giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất phương án sử dụng quỹ đất sau khi di dời được cụ thể hóa trong quy hoạch được duyệt; đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ khuyến khích thực hiện di dời, khai thác sử dụng quỹ đất tạo nguồn vốn tái đầu tư cho các cơ sở phải di dời.
Tuy nhiên, kết quả di dời các cơ sở ra khỏi nội đô theo Quyết định 130 được đánh giá là nhiều hạn chế. Chẳng hạn như, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã đầu tư cơ sở mới nhưng vẫn tiếp tục sử dụng cơ sở cũ trong nội đô. Hay khu đất của Trường Đại học Y tế Công cộng ở 138 Giảng Võ (Ba Đình) sau khi di dời, khu đất này đã được chấp thuận chuyển nhượng quyền sử dụng cho một tổ hợp dự án nhà cao tầng.
Trước thực trạng này, đại biểu quốc hội đã đặt câu hỏi chất vấn tới Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà tại phiên họp thứ 13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 16/8.
Ông Phạm Hồng Hà cho hay: Hà Nội đã có quy định chi tiết về mục tiêu di dời, nguyên tắc và trách nhiệm các bộ ngành. Tuy nhiên, tiến độ công việc trên rất chậm do bố trí đất quy hoạch để di dời không đơn giản. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành liên quan cũng chưa có đề án cụ thể về kế hoạch di dời.
Theo ông Hà, qua rà soát có 13 Bộ, ngành phải di dời từ nội đô ra khu vực Mễ Trì, Tây Hồ Tây và mọi phương án đã được tính toán, chỉ còn vấn đề nguồn lực rất khó, "trừ một số trường hợp rất đặc biệt, còn lại không thể dùng ngân sách đầu tư công để di dời”.
“Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục trao đổi với Hà Nội, báo cáo Chính phủ phương án địa điểm mới, đảm bảo đủ điều kiện nhưng cũng không cần ở vị trí đất sinh lợi quá cao”, ông Hà cho hay.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, việc di dời trụ sở Bộ, ngành ở nội đô sẽ được áp dụng cơ chế khuyến khích sử dụng nguồn lực xã hội, do vậy nếu có cơ chế giá đất tốt thì đủ sức làm.
Infonet