Đi ngược thị trường, George Soros tăng gấp đôi đặt cược chứng khoán sẽ lao dốc
Bất kỳ ai đi trên phố Wall bây giờ đều mang trong mình trạng thái hân hoan phấn khởi bởi sắc xanh đang tràn ngập thị trường. Tuy nhiên, không chạy theo xu hướng đám đông có lẽ là một tố chất dũng cảm và hiếm có của một tỷ phú đầu tư.
- 24-07-201613 câu nói tiết lộ bí quyết đầu tư của “thiên tài bán khống” George Soros
- 01-07-2016George Soros: “Brexit đã dọn đường cho khủng hoảng tài chính”
- 29-06-2016Không phải bảng Anh nhưng vẫn là bán khống đã giúp George Soros kiếm lời từ Brexit
Tỷ phú đầu tư George Soros, người đã trở nên nổi tiếng và giàu có bằng cách cá cược chống lại đồng bảng Anh vào năm 1992, bây giờ lại tiếp tục chống lại chỉ số S&P500 khi tăng gấp đôi mức đặt cược vào khả năng thị trường chứng khoán sẽ giảm điểm trong thời gian sắp tới.
Phiên 15/8, chứng khoán Mỹ đã lập kỷ lục do đồn đoán các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ và giá dầu lên cao nhất 5 tuần. Cả 3 chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ - S&P 500, Dow Jones và Nasdaq - đều lên cao nhất từ trước đến nay.
Đặc biệt, giá các cổ phiếu trong rổ S&P 500 mà có kết quả lợi nhuận vượt kỳ vọng đều chạm đỉnh kể từ năm 2002. Bất kỳ ai đi trên phố Wall bây giờ đều mang trong mình trạng thái hân hoan phấn khởi bởi sắc xanh đang tràn ngập thị trường. Tuy nhiên, không chạy theo xu hướng đám đông có lẽ là một tố chất dũng cảm và hiếm có của một tỷ phú đầu tư.
Trong khi mọi người tin rằng nền kinh tế đang tăng trưởng trở lại, thì nhà đầu cơ Soros lại liên tục cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tài chính sắp tới. Xuất thân là dân tị nạn từ Hungary qua Mỹ, Soros đang lèo lái quỹ đầu tư của mình dựa trên quan điểm bức tranh kinh tế toàn cầu sẽ diễn biến xấu trong tương lai, lặp lại như sự sụp đổ thị trường vào năm 2007. Vì vậy, ông đã đặt cược chống lại đà tăng của chỉ số S&P500.
Tại Mỹ, bất kể nhà đầu tư nào quản lý số tiền hơn 100 triệu USD đều phải nộp bản báo cáo (được gọi là hồ sơ 13F) cho biết số cổ phần nắm giữ và giá trị của mỗi cổ phần vào cuối quý lên Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái.
Hiện đã 86 tuổi, quỹ đầu cơ của Soros đã tiết lộ trong hồ sơ 13F rằng ông tăng mức đặt cược chống lại chỉ số S&P 500. Theo đó, quỹ của Soros đã đặt cược hợp đồng quyền chọn bán “put option” 4 triệu cổ phiếu trong quỹ giao dịch theo dõi các chỉ số tính đến ngày 30/6, tăng gần gấp đôi so với lần đặt cược gần nhất vào cuối tháng 3 là 2,1 triệu cổ phiếu. Ngoài ra, quỹ của Soros cũng cắt giảm mạnh vị thế của mình trong vàng, khi bán ra một lượng lớn cổ phần của Barrick Gold, nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới.
Trong quý đầu tiên, sau khi giá vàng giao ngay có sự khởi đầu tốt nhất trong bốn thập kỷ, các nhà sản xuất tăng cường khai thác để đáp ứng nhu cầu cực lớn đến từ phía nhà đầu tư.
Một khi thị trường biến động, NHTW trên thế giới tăng biện pháp kích thích kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng và Cục Dự trữ Liên bang vẫn giữ chi phí vay mượn ở mức thấp, nhà đầu tư sẽ đổ xô vào vàng như một nơi trú ẩn an toàn. Do đó, ba tháng đầu năm đã chứng kiến các quỹ đầu tư, bao gồm cả quỹ Soros, mua tổng cộng 58 triệu cổ phiếu của Barrick, tương đương 4,6 tỷ USD giá thị trường .
Sau khi Barrick công bố lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2013 trong quý II, giá cổ phiếu đạt đỉnh vào tháng 6, mức cao nhất trong vòng ba năm, Soros đã giảm cổ phần nắm giữ từ 18,35 triệu xuống còn 1,07 triệu cổ phiếu. Soros bán cổ phiếu này vào thời điểm mà giá đã tăng 56%.
Ông cũng mua thêm 240.000 cổ phiếu của SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch theo dõi giá vàng. Trong quý I, quỹ của ông cũng tiết lộ sở hữu hợp đồng quyền chọn mua “call options” 1,05 triệu cổ phiếu của quỹ ETF này.
Báo cáo lần này cũng tiết lộ Soros đã bán toàn bộ cổ phần tại đơn vị kinh doanh và sản xuất bạc Silver Wheaton.
Soros cũng tiếp tục bán đi các tài sản có liên quan đến Trung Quốc vì cho rằng nơi đây sẽ là trung tâm của cơn bão tài chính tiếp theo. Hàng hóa cũng là một mối lo ngại, do đó ông đã bán cổ phần trong Schlumberger, công ty dịch vụ dầu khí lớn nhất thế giới dựa trên giá trị thị trường.
Quyền chọn bán cho phép người mua có quyền bán chứng khoán tại một mức giá cố định đặt trong khoảng thời gian quy định. Nhà đầu tư sẽ có lại khi giá tài sản gốc giảm tương đối so với giá khớp quyền (strike price). Ngược lại, quyền chọn mua cho phép người mua quyền mua cổ phiếu ở mức giá mục tiêu trong một thời gian quy định và do đó nhà đầu tư sẽ hưởng lợi khi giá tài sản tăng mạnh so với giá khớp quyền đã được quy ước từ trước.