MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đi tìm hình dáng "kỷ nguyên Donald Trump"

23-01-2017 - 13:17 PM | Tài chính quốc tế

Cho đến thời điểm này, chỉ có 1 điều duy nhất mà ai cũng phải đồng ý: Trump sẽ là một Tổng thống hoàn toàn mới. Nhưng câu hỏi là mới như thế nào?

Học giả người Anh David Runciman từng nói rằng phần lớn thời gian hầu như sẽ chẳng có ai quan tâm đến chính trị nhưng đột nhiên sẽ có thời điểm họ nhận ra rằng đó là thứ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của mình. Và có lẽ hôm 20/1 vừa qua, khi nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ thứ 45, Donald John Trump, chính thức bắt đầu chính là một trong những khoảnh khắc ấy.

Trước đó, người Mỹ nói riêng và người dân trên toàn thế giới nói chung biết rất ít về dự định của Trump. Những người ủng hộ ông đang chờ đón sự thay đổi lớn nhất trong 50 năm trở lại đây ở Washington, DC. Nhưng sự lạc quan ấy cũng chỉ là niềm tin. Còn những người phản đối ông và tin rằng vị Tổng thống có tính cách khác biệt này sẽ gây nên nhiều bất ổn cũng chỉ đang phán đoán mà thôi.

Cho đến thời điểm này, chỉ có 1 điều duy nhất mà ai cũng phải đồng ý: Trump sẽ là một Tổng thống hoàn toàn mới. Nhưng câu hỏi là mới như thế nào?

Để trả lời cho câu hỏi này, có thể dựa vào một số thông tin - từ chiến dịch tranh cử Tổng thống, từ những động thái của Trump kể từ khi đắc cử đến nay và từ những thông tin về ông trên cương vị một tỷ phú bất động sản và ngôi sao giải trí – để có cái nhìn ban đầu về con người Trump. Ngoài ra cũng có thể nhìn vào đội ngũ mà ông chọn vào nội các, và không ít trong số đó là những doanh nhân giàu có hay các nhà hoạt động của đảng Cộng hòa.

Nhưng Trump cũng là con người dễ thay đổi. Ở câu trước, ông có thể nói với New York Times rằng biến đổi khí hậu là do con người tạo ra nhưng ở câu sau ông cũng có thể sẵn sàng tuyên bố sẽ khôi phục ngành than đá và mở cửa trở lại nhiều hầm mỏ.

Nhưng bạn sẽ sai lầm nếu nghĩ rằng đừng để ý đến lời nói của Tổng thống Donald Trump mà hãy đợi xem ông ấy hành động như thế nào.

Giờ đây, khi Trump đã trở thành Tổng thống, sẽ không có sự khác biệt quá lớn như vậy giữa lời nói và hành động. Tuần trước, khi ông nói rằng NATO đã lỗi thời, ông chẳng cần thêm hành động nào nhưng đã có thể khiến vẻ lỗi thời của tổ chức này tăng lên.

Niềm lạc quan ăn theo Trump của giới kinh doanh Mỹ sẽ chịu sự thử thách từ nỗi sợ hãi về xu hướng bảo hộ thương mại cũng như lo ngại về rủi ro địa chính trị.

Bắt đầu với sự lạc quan. Kể từ 8/11 là ngày Donald Trump giành chiến thắng trước bà Clinton, chỉ số S&P 500 đã tăng 6%, lên mức cao kỷ lục. Kết quả khảo sát cho thấy niềm tin của giới doanh nghiệp đã tăng lên. Điều này phản ánh niềm hi vọng rằng dưới thời Trump, thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm mạnh và các công ty hào hứng mang lợi nhuận ở nước ngoài trở lại quê nhà. Hơn nữa theo sau những khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chương trình giảm thiểu luật lệ, tiêu dùng nội địa sẽ bật tăng mạnh mẽ, giúp nền kinh tế cũng như tiền lương tăng trưởng tốt.

Nhưng tất cả những hi vọng này chỉ có thể trở thành hiện thực nếu các chính sách được triển khai tốt. Ngược lại, chính những kế hoạch này sẽ khiến kinh tế Mỹ gặp rắc rối bởi một lượng vốn khổng lồ được đổ vào những cơ hội không đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng phải cẩn thận với nguy cơ lạm phát. Khi giá cả bắt đầu tăng nhanh, Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ đối mặt với áp lực tăng lãi suất. Đồng USD tăng giá và các nước đang gánh những khoản nợ bằng đồng USD sẽ gặp rắc rối. Bằng cách này hay cách khác, nền kinh tế cũng sẽ rơi vào trạng thái bất ổn và càng rung lắc mạnh hơn nếu như nội các của ông Trump phản ứng lại bằng cách tăng thâm hụt thương mại. Và nếu ngay từ đầu Trump quyết định phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Đức và Mexico, ông sẽ làm tổn hại đến mạng lưới thương mại toàn cầu, thứ mà chính người Mỹ đã xây dựng sau thế chiến thứ hai và hưởng lợi rất nhiều từ đó.

Không chỉ trên khía cạnh kinh tế, tân Tổng thống Donald Trump còn có nhiều động thái được dự đoán sẽ tạo ra nhiều thay đổi về mặt địa chính trị. Ngay cả trước khi nhậm chức, Trump đã đe dọa sẽ khiến các chính sách ngoại giao mà Mỹ duy trì suốt mấy chục năm nay bị đe dọa. Ông thẳng thắn chê bai những giá trị của Liên minh châu Âu – điều mà những người tiền nhiệm luôn ca ngợi là một gốc rễ giúp thế giới ổn định. Trái ngược với ông Obama, Trump chỉ trích Thủ tướng Đức Angela Merkel (cũng là đồng minh thân cận nhất của Mỹ) trong khi ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông cũng khiến mối quan hệ Mỹ - Mexico trở nên căng thẳng. Và đáng chú ý hơn cả là ông đã không ít lần chỉ trích Trung Quốc, thậm chí còn phá lệ điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan.

Nhiều người nhìn vào chính sách ngoại giao của Donald Trump và nhận thấy dường như ông đang áp dụng nghệ thuật bán hàng vào chính sách ngoại giao. Nhưng đây là hai phạm trù hoàn toàn khác biệt. Nếu Tổng thống Mỹ làm đảo lộn trật tự do chính người Mỹ tạo ra và hưởng lợi từ đó, nước Mỹ sẽ có một thương vụ tồi.

Dưới thời Trump, Nhà Trắng sẽ hoạt động như thế nào? Một mặt, chúng ta có những con người mạnh mẽ, kiên quyết và khá bảo thủ như Phó Tổng thống Mike Pence, Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus, hay những nghị sĩ của đảng Cộng hòa như Paul Ryan và Mitch McConnell. Mặt khác, Trump có trong đội ngũ của mình Steve Bannon, Peter Navarro và Michael Flynn - những nhân vật muốn thay đổi hoàn toàn thực trạng hiện nay. Nội các của Trump khó có thể tránh khỏi xung đột giữa một bên là chính trị truyền thống và một bên là những người muốn đổi mới. Đứng giữa hai bên sẽ là con gái Ivanka và con rể Jared Kushner.

Vị Tổng thống của nước Mỹ nhậm chức trong bối cảnh thế giới đang ở trong giai đoạn được dự đoán sẽ có nhiều biến động. Từ phòng Bầu dục, Donald Trump sẽ điều hành nước Mỹ như thế nào? Những chính sách của ông sẽ tác động ra sao đến thế giới? Chỉ thời gian mới có thể cho chúng ta câu trả lời chính xác nhất.

Thu Hương

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên