Dịch Covid-19 sẽ tác động ra sao đến nợ xấu các ngân hàng?
Ngành ngân hàng được cho là sẽ chịu tác động gián tiếp của dịch Covid-19, trong đó ngoài giảm tốc tộ tăng trưởng tín dụng thì cũng gia tăng nguy cơ nợ xấu.
- 19-02-2020Ứng phó Covid-19: Ngân hàng linh hoạt hỗ trợ doanh nghiệp
- 18-02-2020Đề xuất giải pháp thuế, phí hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng Covid-19
- 18-02-2020Tiếp xúc hàng trăm người/ngày nhưng ATM không có nước sát khuẩn, cồn rửa tay phòng Covid-19
Nguy cơ gia tăng nợ xấu
Theo đánh giá từ các ngân hàng, những khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) là các doanh nghiệp trong các lĩnh vực vận tải, kho bãi; lưu trú; du lịch, nhà hàng - ăn uống…
Cùng với đó là các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc (điển hình là doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản, thủy sản); các khách hàng có nguồn nguyên liệu nhập khẩu chính từ Trung Quốc…
Những doanh nghiệp trong các lĩnh vực này chiếm lượng khá lớn trong số các khách hàng của các ngân hàng, do đó nguy cơ gia tăng nợ xấu là khó tránh khỏi.
Theo ước tính của Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), tổng số khách hàng của VPBank bị tác động trong đợt dịch bệnh Covid-19 này lên tới gần 1.000 doanh nghiệp và có thể sẽ gia tăng nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Còn ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, Ngân hàng chưa đánh giá được có bao nhiêu khách hàng bị thiệt hại và số lượng thiệt hại, song chắc chắn dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ của khách hàng với Ngân hàng. Theo đó, việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi trong cơ cấu cho vay của Agribank, nông nghiệp chiếm tới 70%. Điều này cũng có thể tác động làm gia tăng nguy cơ nợ xấu tại ngân hàng này.
Dù vậy, với Agribank, việc xử lý nguy cơ nợ xấu trong trường hợp này sẽ dễ dàng hơn các ngân hàng khác, bởi theo Nghị định 116/NĐ-CP ngày 7/9/2018 (sửa đổi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP) đã quy định việc cơ cấu nợ hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, khách hàng được cơ cấu lại nợ mà không bị chuyển nhóm nợ.
Lượng lớn khách hàng của các ngân hàng đang chịu tác động của dịch Covid-19
Tuy nhiên, với khách hàng của nhiều lĩnh vực khác như vận tải, du lịch… lại chưa có quy định. Theo đánh giá của ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank, ước tính, đợt dịch bệnh này sẽ ảnh hưởng tới phân nửa hàng hóa của Việt Nam, do đó ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy định về cơ cấu lại nợ hiện nay chỉ áp dụng cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp các lĩnh vực khác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh có nguy cơ chuyển nhóm xấu hơn, bất lợi không chỉ với doanh nghiệp, mà còn khiến ngân hàng có nguy cơ tăng nợ xấu.
Do đó, lãnh đạo Vietcombank kiến nghị, cần có các chính sách, hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để các ngân hàng thuận tiện trong việc cơ cấu lại nợ, hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại.
Giảm thiểu tác động tiêu cực
Về ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đến tăng trưởng cũng như nợ xấu của ngành ngân hàng, Chuyên gia tài chính, TS. Cấn Văn Lực cho rằng có 3 tác động chính đến lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Thứ nhất là tiềm ẩn nợ xấu, bởi số doanh nghiệp và hộ kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực đương nhiên sẽ khó khăn về sản xuất kinh doan. Vì vậy, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát đánh giá và nghiên cứu phương án hỗ trợ cho họ.
Tác động thứ hai là do tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến khá phức tạp, Trung Quốc và Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực nên tổng cầu giảm, nhu cầu tín dụng giảm so với năm ngoái, điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng.
Thứ ba, dịch cúm lần này sẽ là cơ hội thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Liên quan đến nguy cơ về nợ xấu, TS Cấn Văn Lực đánh giá, hiện, quy mô dự tính tác động không quá lớn, ngoài ra, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho phép nếu hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp đó khó khăn sẽ không đưa vào nợ xấu trong năm nay mà đưa vào nợ tái cơ cấu. “Rõ ràng đây là tiềm ẩn nợ xấu về lâu dài chứ không phải đẩy nợ xấu năm nay lên ngay lập tức” – vị chuyên gia nhận định.
Còn TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện Trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) thì cho rằng nền kinh tế đang điều chỉnh theo chu kỳ, có một số ngành đang tăng trưởng chậm lại sau một giai đoạn tăng trưởng rất cao, hàng tồn kho nhiều nên doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất; bất động sản chững lại, tốc độ tăng trưởng tín dụng chững lại… Vì vậy, theo vị chuyên gia, kể cả nếu không có bệnh dịch thì khả năng triển vọng ngành ngân hàng cũng không sáng sủa bằng năm 2019, nên khi có bệnh dịch bùng phát thì có tác động tiêu cực hơn, nợ xấu đáng lo ngại hơn.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản chỉ đạo các ngân hàng tăng cường hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, xuất khẩu…
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đang chỉ đạo các đơn vị chức năng sớm xây dựng dự thảo cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn ngân hàng bị tác động bởi dịch bệnh, ngoài các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ngay sau chỉ đạo của ngân hàng, hầu hết các ngân hàng đã vào cuộc tích cực bằng việc đưa ra các chính sách giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
An ninh Thủ đô