MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dịch cúm A lan rộng, thuốc Tamiflu tăng giá gấp 10 lần, 5 triệu đồng 1 hộp không có mua

20-12-2019 - 08:08 AM | Thị trường

Trước tình trạng dịch cúm A đang có chiều hướng lan rộng do thời tiết thất thường, thuốc Tamiflu trị cúm cũng rơi vào cảnh 'cháy hàng' và tăng giá gấp 10 lần, 5 triệu đồng 1 hộp không có mua.


Thuốc trị cúm đắt gấp 10 lần

Với giá 45 nghìn đồng/viên đã được Cục Quản lý Dược Bộ Y tế kê khai nhưng hiện tại thuốc Tamiflu đang tăng giá gấp 10 lần người bệnh muốn mua cũng không có.

Chị Đào Bích Phương – 34 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội kể cả gia đình chị mắc cúm A. Kết quả xét nghiệm bác sĩ kê đơn uống Tamiflu. Vì sợ cúm biến chứng nên vợ chồng chị mang đơn thuốc đi mua. Mang đơn thuốc đến đâu nhân viên nhà thuốc cũng báo hết thuốc phải sang tuần mới có.

Chị Phương kể ra gần nhà thuốc khu vực Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, nhân viên nhà thuốc cũng nói khó mua được và muốn mua phải chờ. Trong khi bệnh của cả gia đình không chờ được.

Chị Hoàng Thái – 45 tuổi, Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội kể đầu tháng gia đình chị bị cúm, cả nhà cũng mua mất cả chục triệu tiền thuốc Tamiflu mới hết được bệnh nhưng chị thấy mình may mắn ở thời điểm đó còn mua thuốc thuốc với giá chỉ 130 nghìn đồng/viên.

Trong vai người đi tìm mua Tamiflu, chúng tôi đến nhà thuốc Phương Mai, Hà Nội thì được nhân viên nhà thuốc tư vấn Tamiflu hết trên toàn thị trường. Nếu muốn mua phải đặt cọc và giá hiện nay có thể lên tới 5 triệu đồng/hộp. Nếu so với giá niêm yết của Bộ Y tế là tăng khoảng 11 lần.

Không chỉ ở phố Phương Mai, Tamiflu trở nên cháy hàng và được hỏi nhiều mà tại chợ thuốc Halupico, các nhà thuốc đều lắc đầu không còn thuốc này để bán và hiện tại nếu có tiền cũng không mua được.

Thuốc Tamiflu trở nên cháy hàng bởi vì khi bị cúm A bắt buộc phải sử dụng nó không thay thế được thuốc khác nên nhân viên bán thuốc cũng không thể tư vấn người mua thuốc chuyển sang dùng thuốc khác có cùng công dụng, tá dược. Có lẽ vì thế, Tamiflu được rao bán với giá siêu đắt.

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới trung ương có nhiều bệnh nhi bị cúm A. Các bác sĩ cho biết hiện trong khoa có đủ lượng Tamiflu nhưng chỉ được dùng cho bệnh nhân nội trú.

Anh Vũ Văn Toản, Hoàng Văn Thụ, Hà Đông, Hà Nội cho biết con gái 6 tuổi của anh bị cúm A. Anh cho đi khám và bác sĩ kê đơn có Tamiflu. Anh Toản mang đơn đi hỏi 10 hiệu thuốc thì cả 10 đều lắc đầu, ngay trong nhà thuốc BV Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai cũng không thể mua.

Dịch cúm A lan rộng, thuốc Tamiflu tăng giá gấp 10 lần, 5 triệu đồng 1 hộp không có mua - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.


Theo bảng giá kê khai tại Cục Quản lý dược – Bộ Y tế, giá thuốc Tamiflu 75 mg có giá gần 45.000 đồng/viên. Nhưng thời điểm hiện tại Tamiflu thuốc này bán với giá lên tới 1,8 đến 2 triệu đồng/ hộp, và nhiều nơi bán 5 triệu đồng/hộp mà thuốc vẫn chưa có ngay để bán người mua vẫn phải chờ.

Khi nào nên dùng Tamiflu

Trước cơn sốt thuốc Tamiflu cháy hàng và tăng giá gấp cả chục lần, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế đã có thông báo thuốc Tamiflu không thuộc diện kiểm soát đặc biệt, nhập khẩu theo nhu cầu thị trường. Hiện đơn vị cung ứng vẫn còn một lượng nhỏ đảm bảo cung cấp theo hợp đồng đã trúng thầu vào các bệnh viện, cho các bệnh nhân nội trú.

Cục Quản lý dược cũng cảnh báo, thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của bác sĩ thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết thời tiết “ẩm ương” như hiện nay là điều kiện tạo thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn phát triển. Chính vì thế, vi rút cúm cũng dễ dàng lan rộng hơn.

Cúm mùa A là bệnh cúm hay gặp nhất và những người bình thường cúm có thể tự khỏi trong 4, 5 ngày. Những người có bệnh mãn tính như đái tháo đường, tim mạch, hen, phổi, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi thì dễ tiến triển nặng hơn.

Chính vì thế, khi có dấu hiệu của cúm điều đầu tiên người bệnh nên tìm đến bác sĩ để được thăm khám và kiểm tra. Nếu bệnh do cúm A và tuyp, chủng loại nào bác sĩ mới kê đơn thuốc điều trị.

Không phải ai bị cúm cũng uống Tamiflu và không phải cứ dự trữ thuốc này trong nhà để điều trị cúm là tốt. Khi sử dụng thuốc nào cũng cần có sự tư vấn và kê đơn của bác sĩ.

Để đảm bảo nguy cơ không mắc bệnh cúm, theo bác sĩ Dũng cách tốt nhất là đảm bảo vệ sinh cá nhân, tránh nơi đông người, khi hắt hơi che miệng, thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch, vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối.

Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Có thể tiêm vắc xin cúm mùa, đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

Theo Khánh Ngọc

Infonet

Trở lên trên