Dịch vụ nghỉ việc hộ ở Nhật Bản dành cho người muốn ra đi nhưng khó mở lời
Dịch vụ xoá bỏ ngại ngùng khi không biết xin nghỉ việc với sếp như thế nào.
- 15-03-2023Chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ, Dow Jones có lúc mất tới hơn 700 điểm khi thị trường đón thêm "tin dữ" từ Credit Suisse
- 15-03-2023Lạm phát Argentina vượt 100% sau 30 năm: Giá cả tăng khó kiểm soát khi tiền mặt tiếp tục được in ra
- 15-03-2023Với khoản đầu tư khủng 230 tỷ USD, quốc gia châu Á này có thể sẽ trở thành trung tâm sản xuất chip lớn nhất thế giới
Trong năm qua, Toshiyuki Niino và Yuichiro Okazaki đã đột ngột từ bỏ gần 1.500 công việc trong đủ mọi lĩnh vực từ bán lẻ, nhà hàng, công nghệ thông tin, sản xuất cho đến chăm sóc sức khoẻ. Tuy nhiên, không có vị trí nào vốn là việc của họ.
Họ là những người sáng lập công ty Exit vào thời kỳ trỗi dậy của ngành công nghiệp uỷ quyền nghỉ việc ở Nhật Bản. Một dịch vụ có giá 50.000 yên (440 USD) cho mỗi giao dịch, được thiết kế riêng cho lực lượng lao động cảm thấy ngại ngùng, vốn chỉ quen chấp hành nhiệm vụ hoặc cảm thấy hoảng loạn khi phải nộp đơn nghỉ việc.
Dịch vụ này ngày càng được ưa chuộng trong bối cảnh thái độ của người Nhật đối với công việc gần như không thay đổi so với trước đây trong khi dân hoá dân số đang thắt chặt thị trường việc làm, người lao động dễ nhảy việc hơn còn người sử dụng lao động trở nên tuyệt vọng để giữ chân nhân viên.
Okazaki nói: “Rất nhiều người đi làm ở các công ty Nhật Bản cho rằng nghỉ việc là một điều sai trái hoặc đáng xấu hổ nên bản thân sẽ làm mọi người thất vọng hoặc bị sếp la mắng nếu chọn ra đi. Với ý nghĩ đó, bọn họ cứ cố gắng làm những công việc tồi tệ mà chính họ cũng ghét cay ghét đắng. Họ đã tiếp tục làm như thế cho đến khi chúng tôi xuất hiện.”
Okazaki cho biết nhiều người trong số đó đã kể lại những câu chuyện đau khổ về việc bị bắt nạt, buồn chán hoặc những kỳ vọng ngầm rằng họ phải làm việc ngoài giờ thêm hàng trăm tiếng mà không được trả lương. Thế nhưng, không có ai can đảm để thực sự nghỉ việc cả.
Hầu hết những khách hàng tìm đến Exit nói muốn từ chức luôn vào ngày hôm sau. Vào ngày đã hẹn, Exit gọi điện cho công ty và giải thích rằng khách hàng của mình sẽ không đi làm nữa, cũng không nhận bất kỳ cuộc điện thoại nào nữa và họ đang gửi thông báo trước 2 tuần theo yêu cầu của luật pháp Nhật Bản.
Đa số khách hàng đều có đủ thời gian nghỉ phép có lương được tích lại để trang trải cho khoảng thời gian đó. Cũng có những người khác vui vẻ coi đó là ngày nghỉ không lương chỉ để kết thúc quá trình một cách gọn gàng. Exit nói với các công ty rằng thủ tục giấy tờ sẽ được gửi qua đường bưu điện.
Niino cho biết thường sẽ có một số công ty lớn tiếng và yêu cầu nói chuyện với người bỏ việc. Tuy nhiên, nếu có tranh chấp pháp lý phát sinh thì Exit sẽ không tham gia.
Rủi ro lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh của Exit chính là việc có những đối thủ cạnh tranh gay gắt và có khả năng thành công hơn họ. Nếu các công ty như Exit giúp thay đổi văn hoá xin nghỉ việc ở Nhật Bản, thị trường lao động có thể phát triển linh hoạt hơn và mọi người gần như sẽ chẳng còn lý do gì để tìm đến các dịch vụ nghỉ việc hộ nữa.
Okazaki là người từng làm việc trong ngành giải trí và Niino trước đây đã làm việc cho Softbank. Họ thừa nhận bản thân cảm thấy rất ngạc nhiên khi nhu cầu bị dồn nén cần đến dịch vụ của Exit có quy mô lớn.
Hiện họ xử lý trung bình 3.000 đơn xin nghỉ việc mỗi tháng, trong đó có những người đã làm việc hàng chục năm trong cùng một công ty hoặc những người quá căng thẳng đến mức muốn tự tử vì không biết phải nghỉ việc như thế nào.
Niino nói rằng công ty ông không cung cấp dịch vụ thông báo về việc từ chức của khách hàng cho bố mẹ của họ biết. Đây là một nhiệm vụ khó chịu ngang với việc từ chức.
Niino chia sẻ chính ông cũng vẫn chưa đủ can đảm để nói với mẹ mình rằng ông không còn làm việc tại Softbank nữa.
Tham khảo FT
Nhịp Sống Thị Trường