Dịch xâm nhập doanh nghiệp: Ngành chức năng xử lý chậm, công nhân khổ vì ‘giấy thông hành’
Trong số 1.628 ca mắc COVID-19 tại Bình Dương có đến 1.054 ca là công nhân lao động. Dịch xâm nhập vào doanh nghiệp khiến người lao động hoang mang, trong khi đó, cơ quan chức năng lại xử lý tình huống chậm càng tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.
- 12-07-2021Doanh nghiệp chung tay đẩy lùi Covid-19 giữa tâm dịch Tp.HCM: THACO trao tặng 126 xe chuyên dụng, DHL Express hỗ trợ đưa về lô vắc xin Pfizer
- 09-07-2021Dịch vụ giao hàng nào được hoạt động trong 15 ngày TP HCM giãn cách?
- 08-07-2021Lối thoát táo bạo cho các startup trong đại dịch thay vì gọi vốn: “Về chung nhà” với các đàn anh, như Base & FPT hay Pique & MoMo
Tính trong đợt dịch thứ tư này, hiện Bình Dương có 1.628 ca mắc COVID-19, trong đó có 2 người tử vong. Dịch bệnh đã xuất hiện ở 48 công ty, xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân.
Theo thông tin từ Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, tính đến sáng nay (13/7), trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 387 đơn vị, doanh nghiệp với tổng số gần 42 nghìn công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Có 1.054 công nhân lao động là F0; có 7.380 công nhân lao động là F1 và có 8.759 công nhân lao động là F2.
Trong đó, tại một số doanh nghiệp có ca F0, F1 cơ quan chức năng chậm đưa đi cách ly tập trung. Cụ thể, Công ty Sơn Hung Tah (KCN Đồng An) có tổng số 120 công nhân vào sáng 8/7 test nhanh phát hiện 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, công ty truy vết có 16 người là F1. Tuy nhiên, đến ngày 10/7, công ty vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng khiến người lao động hoang mang.
Tại Công ty TNHH Hansoll Vina (KCN Sóng Thần 1) có tổng số 4.000 công nhân, hàng nghìn công nhân làm việc tại đây đã phản ứng vẫn tiếp tục sản xuất khi chưa có phương án phân luồng cách ly F1, F2. Người lao động tại công ty này phải ở lại công ty suốt 1 tuần. Hiện, công ty này đã có hơn 80 trường hợp mắc COVID-19. Hiện, tất cả người liên quan (1.600 người) ở công ty này đã được đưa đi cách ly tập trung sau khi ngành chức năng đến hỗ trợ.
Tương tự, tối 11/7, tại Công ty TNHH Premier Global Việt Nam (KCN Đồng An) có 2.300 người lao động (hiện đã xác định 30 ca F0). Tuy nhiên, ngành y tế vẫn chưa bố trí phân luồng điều trị, đưa đi cách ly. Do lo sợ lây chéo, công nhân hoang mang.
Hàng hóa chi viện cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho hay, ngay khi nắm được thông tin, Công đoàn đã đề xuất và chủ động phối hợp với ngành chức năng địa phương giải quyết vụ việc, đáp ứng nguyện vọng của công nhân. Qua đó, đến nay đã ổn định tình hình, đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Phía Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho hay, hiện người lao động đang gặp phải khó khăn khi phải có "giấy thông hành" xét nghiệm âm tính khi đi làm cả trong và ngoài tỉnh, bởi chi phí test COVID-19 khá cao (300 nghìn đồng/lượt), trong khi thời hạn sử dụng kết quả chỉ được 3 ngày.
Doanh nghiệp chi trả chi phí test cho công nhân nhưng có nhiều nơi người lao động tự bỏ chi phí test khiến đời sống thêm khó khăn. Hơn nữa việc tụ tập để test COVID-19 nguy cơ cao lây nhiễm chéo. Từ đó, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương kiến nghị cần ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động để làm thông hành. Người lao động chỉ cần có xác nhận làm việc tại công ty và tuân thủ 5K được xem là giấy thông hành để công nhân ổn định đời sống và hạn chế lây lan dịch bệnh.
Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, đã hỗ trợ tiền và nhu yếu phẩm trị giá gần 900 triệu đồng cho người lao động bị ảnh hưởng. Thăm hỏi hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Đơn vị đã thành lập đội hỗ trợ các doanh nghiệp có dịch với 20 thành viên chuyên trách. Lực lượng này sẽ chủ động hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong công tác phòng, chống dịch và cầu nối thông tin với cơ quan chức năng để xử lý kịp thời mọi tình huống .
Tiền phong