Điểm danh "đội quân" đang nuôi dưỡng tham vọng dẫn đầu cuộc cách mạng pin và xe điện của Trung Quốc
Các công ty Trung Quốc lại chính là những kẻ đang dẫn đầu cuộc đua trở thành nhà cung cấp các loại nguyên liệu được dự báo sẽ rất cần thiết khi nhu cầu pin bùng nổ.
- 19-10-2017Giá dầu sẽ chỉ còn... 10 USD/thùng vì xe điện và Trung Quốc?
- 11-10-2017Chẳng ở đâu xa, cuộc đua xe điện đang diễn ra ngay tại Đông Nam Á
- 04-10-2017Tesla bỏ hơn 10 tỷ USD chưa thu về nổi 10 cent, vì sao thế giới vẫn lên cơn sốt xe điện?
Vài năm trở lại đây, điện khí hóa, chuyển từ động cơ đốt trong sang các loại xe chạy bằng điện, là một trong những xu hướng được dự đoán sẽ làm thay đổi hoàn toàn ngành ô tô thế giới. Không chỉ dừng lại ở đó, xu hướng điện khí hóa còn đang khiến những nguyên liệu thô từng được coi là thị trường ngách như cobalt và lithium trở thành những hàng hóa "siêu hot" được săn lùng ráo riết.
Trong bối cảnh ấy, các công ty Trung Quốc lại chính là những kẻ đang dẫn đầu cuộc đua trở thành nhà cung cấp các loại nguyên liệu được dự báo sẽ rất cần thiết khi nhu cầu pin bùng nổ. Từ những mỏ khai thác ở châu Phi đến các nhà máy khổng lồ ở Trung Quốc, dưới đây là danh sách một số công ty Trung Quốc đang đóng vai trò quan trọng trong việc biến tham vọng xe điện của nước này trở thành hiện thực.
China Molybdenum Co.
Đây là công ty khai thác cobalt lớn thứ hai thế giới hiện nay, chỉ đứng sau tập đoàn khai mỏ nổi tiếng Glencore. Năm 2017, China Molybdenum sản xuất 6.800 tấn cobalt. Công ty có trụ sở ở Luoyang, tỉnh Hà Nam và niêm yết cổ phiếu ở sàn chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông với giá trị vốn hóa đạt 29,7 tỷ USD.
China Moly trở thành ông lớn trên thị trường từ năm 2016, sau khi mua lại mỏ cobalt Tenke Fungurume ở Congo. Hoàn tất một trong những thương vụ lớn nhất của ngành khai thác mỏ Trung Quốc trong 1 thập kỷ trở lại đây, China Moly từ 1 công ty không tiếng tăm chủ yếu hoạt động trong ngành thép trở thành ông lớn trên thị trường cobalt.
Đầu tháng 3, Chủ tịch Li Chaochun của China Moly đã sánh vai cùng ông chủ Ivan Glasenberg của Glencore tham dự buổi họp mặt các lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao do Tổng thống Congo tổ chức.
Zhejiang Huayou Cobalt Co.
Huayou là công ty xử lý cobalt lớn nhất thế giới, với công suất năm 2017 đạt 6.300 tấn cobalt thô và 17.800 tấn cobalt tinh chế. Công ty này niêm yết cổ phiếu trên sàn Thượng Hải, giá trị vốn hóa đạt 12 tỷ USD, đặt trụ sở ở Tongxiang, Chiết Giang.
Chỉ trong năm ngoái, sản lượng cobalt tinh chế của Huayou đã tăng hơn 35% với khoảng một nửa nguồn nguyên liệu được khai thác từ Congo. Mới đây Huayou vừa đầu tư 6,4 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 1 tỷ USD) xây dựng nhà máy nguyên liệu pin công suất 150.000 tấn trong 3 năm tới, đồng thời hợp tác với tập đoàn thép Posco của Hàn Quốc.
Tuần trước cổ phiếu Huayou lập kỷ lục sau khi giá cobalt tăng vọt và vượt mốc 40 USD/pound, cap nhất 1 thập kỷ.
Jiangxi Ganfeng Lithium Co.
Đây là công ty sản xuất hợp chất lithium lớn nhất ở Trung Quốc và lớn thứ 3 thế giới. Năm 2016 sản lượng của công ty đạt 10.275 tấn carbonate, 7.978 tấn hygroxide và 1.126 tấn lithium metal. Ganfeng đặt trụ sở ở tỉnh Giang Tây, niêm yết cổ phiếu trên sàn Thâm Quyến với giá trị vốn hóa 9,2 tỷ USD.
Ra đời năm 2010, Ganfeng Lithium được thành lập bởi Li Liangbin, người hiện đang là Chủ tịch của công ty. Ganfeng đang đầu tư vào các mỏ ở Australia, Argentina và Ireland.
Tianqi Lithium Corp.
Công ty có trụ sở ở tỉnh Tứ Xuyên đạt công suất 34.000 tấn lithium và mới đây đã đề nghị chi 4,3 tỷ USD mua cổ phần của 1 mỏ lớn ở Chile nhưng chưa thành công. Niêm yết cổ phiếu trên sàn Thâm Quyến, Tinaqi có giá trị vốn hóa đạt 11,1 tỷ USD.
Tinaqi đã có lịch sử hoạt động hơn 25 năm nhưng chỉ trở nên nổi tiếng từ năm 2014, sau khi giành quyền kiểm soát mỏ lithium khổng lồ Greenbushes của Australia. Công ty này còn có các mỏ ở Tứ Xuyên và Tây Tạng, đồng thời đang xây dựng thêm cơ sở ở Tây Úc.
CEO Wu Wei của Tinaqi là lãnh đạo nữ hiếm hoi trong ngành khai khoáng ở Trung Quốc.
Jinchuan Group
Jinchuan là nhà sản xuất cobalt tinh chế lớn thứ hai và sản xuất nickel lớn nhất ở Trung Quốc. Năm 2017 công ty này đạt sản lượng 12.600 tấn cobalt tinh chế, 50.000 tấn nickel sulphate.
Jinchuan niêm yết cổ phiếu ở sàn Hồng Kông, giá trị vốn hóa 1,2 tỷ USD. Công ty có trụ sở ở Jinchang, tỉnh Cam Túc.
Các nhà sản xuất nickel trên toàn thế giới đang rất hào hứng trước triển vọng nhu cầu về kim loại này sẽ tăng đột biến bởi nó được sử dụng rộng rãi để tạo ra nhiều thứ, từ pin đến thép không gỉ. Là nhà sản xuất nickel lớn nhát nước, Jinchuan đặt mục tiêu tăng sản lượng nickel sulphate (rất cần thiết đối với các nhà sản xuất pin) lên 70.000 tấn trong năm nay.
Jinchuan đang vận hành mỏ cobalt 100 năm tuổi ở Congo và có cả mỏ đồng ở Zambia.
GEM Co.
Đặt trụ sở ở Quảng Đông và niêm yết cổ phiếu trên sàn Thâm Quyến với giá trị vốn hóa 4,9 tỷ USD, GEM là nhà cung ứng lớn thứ hai cho Contemporary Amperex Technology – nhà sản xuất pin lớn nhất Trung Quốc. Công suất của GEM đạt 6.000 tấn cobalt, 4.000 tấn nickel và 44.000 tấn nguyên liệu pin.
Cho đến năm 2018, GEM vẫn lấy phần lớn nguyên liệu thô từ việc tái chế pin đã qua sử dụng và các rác thải điện tử từ ít nhất 10 thành phố trên khắp Trung Quốc. Tuy nhiên thỏa thuận với Glencore đã thay đổi tất cả, theo đó GEM sẽ mua 1/3 sản lượng cobalt hàng năm của Glencore.
Ningbo Shanshan Co.
Vốn là 1 công ty sản xuất quần áo, Ningbo nay đã chuyển mình trở thành nhà sản xuất nguyên liệu pin hàng đầu Trung Quốc. Theo website của hãng, Ningbo có thể sản xuất 43.000 tấn anode, 50.000 tấn cathode và 30.000 tấn electrolyte.
Công ty này niêm yết cổ phiếu ở sàn Thượng Hải, giá trị vốn hóa đạt 3,5 tỷ USD.