MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm danh những cổ phiếu tăng bằng lần trong nửa đầu 2019

Nửa đầu năm nay ghi nhận đến 51 cổ phiếu tăng giá trên 100% thậm chí, trong số đó có cổ phiếu còn tăng gần 65 lần.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, VN-Index dừng ở mức 949,94 điểm, tương ứng tăng 6,43% so với cuối năm 2018. Trái ngược với VN-Index, HNX-Index giảm nhẹ 0,69% xuống 104,09 điểm. UPCoM-Index tăng 5,33% lên 55,65 điểm.

Giao dịch trên thị trường trong 6 tháng đầu năm ảm đạm so với năm 2017, 2018. Ở sàn HoSE, tổng khối lượng giao dịch trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 20 tỷ cổ phiếu, trị giá 443.418 tỷ đồng, giảm 14% về khối lượng và 17,5% về giá trị so với 6 tháng cuối năm 2018. Tương tự, tổng khối lượng trên sàn HNX trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 4 tỷ cổ phiếu (giảm 28%), trị giá 53.163 tỷ đồng (giảm 32%).

Nửa đầu năm nay ghi nhận đến 51 cổ phiếu tăng giá trên 100% thậm chí, trong số đó có cổ phiếu còn tăng đến hơn 6.000%. Tuy nhiên, danh sách này có đến 38 cổ phiếu thuộc sàn UPCoM, trong khi đó sàn HoSE chỉ góp mặt 3 cổ phiếu. Điều này do biên độ giao dịch sàn UPCoM là lớn nhất (+/-15%), đây cũng là nơi tập hợp rất nhiều cổ phiếu có yếu tố cô đặc, vốn hóa bé và thanh khoản thấp.

Cổ phiếu VNX của Quảng cáo và Hội chợ Thương mại - Vinexad (UPCoM) dẫn đầu với mức tăng đến 6.460% (gấp 66 lần) chỉ sau 6 tháng giao dịch. Giá cổ phiếu VNX tăng từ 777 đồng/cp vào thời điểm cuối năm 2018 lên thành 51.000 đồng/cp sau khi kết thúc phiên giao dịch 28/6.

Điểm danh những cổ phiếu tăng bằng lần trong nửa đầu 2019 - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu VNX trong 6 tháng đầu năm

Vinexad tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước được ra đời từ năm 1975 với vốn 7 tỷ đồng. Công ty thực hiện cổ phần hóa năm 2006 để tăng vốn lên 10,5 tỷ. Đến nay, VNX có vốn hơn 12,2 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo và hội chợ triển lãm thương mại; du lịch kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, thiết bị máy văn phòng… Doanh nghiệp này từng tổ chức Hội chợ Quốc tế Du lịch Việt Nam - VITFA, VIETNAM EXPO, Hội chợ thương mại Quốc tế ASEAN...

4 cổ đông lớn đều nằm trong ban điều hành gồm Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khắc Luận nắm 13,5% vốn, Phó Chủ tịch HĐQT Phạm Quỳnh Giang giữ 15% vốn, 2 Thành viên HĐQT Đinh Văn Khải và Trịnh Xuân Tuấn 12% và 4,2% vốn.

Năm 2018, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt 164,8 tỷ và 12,4 tỷ đồng, cao hơn 11% và 41% so với năm trước. EPS đạt 10.177 đồng. Đây là năm thứ 9 liên tiếp công ty ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng, con số lãi năm 2018 gấp 6 lần so với năm 2009.

Trước đợt tăng giá từ đầu năm, Vinexad được biết đến là một trong những doanh nghiệp có thị giá thấp nhưng thường xuyên chi trả cổ tức ở mức cao. Công ty đã chi trả cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 35%, năm 2016 là 25%, năm 2015 là 19%… đều bằng tiền mặt. Tháng 5 vừa qua, công ty cũng thực hiện trả cổ tức năm 2018 cho cổ đông bằng tiền tỷ lệ 50%.

Đứng sau VNX về mức tăng giá là cổ phiếu VCR của Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex - Vinaconex - ITC (HNX) với 605% từ 4.300 đồng/cp lên 30.300 đồng/cp. Đà tăng của cổ phiếu VCR xuất hiện khoảng giữa tháng 3 sau khi Chủ tịch và Tổng giám đốc Vinaconex về lãnh đạo tại doanh nghiệp và thúc đẩy thực hiện dự án Cái Giá tại Hải Phòng.

Điểm danh những cổ phiếu tăng bằng lần trong nửa đầu 2019 - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu VCR trong 6 tháng đầu năm

Về kết quả kinh doanh của công ty này, năm 2017, công ty chỉ ghi nhận 2,75 tỷ đồng doanh thu thuần và lỗ ròng hơn 15,8 tỷ đồng. Kết quả cải thiện trong 2018 nhưng công ty vẫn lỗ với hơn 11 tỷ đồng. Giai đoạn 2014-2016, công ty duy trì mức lãi chỉ 2-7,5 tỷ đồng.

Nguyên nhân dẫn đến sự sa sút này do từ năm 2017 UBND TP Hải Phòng đã yêu cầu tạm dừng các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Khu đô thị du lịch Cái Giá - dự án duy nhất mà công ty sở hữu và triển khai. Điều này dẫn đến sự đình trệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong khi công ty vẫn tiếp tục phải trả lãi vay cho các khoản nợ tài với nhà thầu, ngân hàng và các khoản chi phí để duy trì bộ máy hoạt động.

Trong khi đó, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HoSE trong 6 tháng đầu năm đó là CCL của Đầu tư và Phát triển Đô thị Dầu khí Cửu Long với 109%. Giá cổ phiếu CCL đã tăng từ 2.891 đồng/cp lên 6.040 đồng/cp. Giá cổ phiếu CCL tăng trong bối cảnh không có nhiều thông tin hỗ trợ, ngoại trừ việc KQKD quý I có cải thiện so với cùng kỳ. Công ty lãi sau thuế hơn 9 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ, nhưng giảm 20,8% so với quý trước. Nguyên nhân tăng trưởng theo CCL là do hoạt động kinh doanh bất động sản tại dự án 5A khởi sắc so 2018.

Điểm danh những cổ phiếu tăng bằng lần trong nửa đầu 2019 - Ảnh 3.

Diễn biến giá cổ phiếu CCL trong 6 tháng đầu năm

Thậm chí cổ phiếu CCL vẫn còn tiếp tục tăng giá vào tháng 6 bất chấp tin xấu được đưa ra là ông Trịnh Sướng bị miễn nhiệm chức danh Thành viên Hội đồng quản trị (kể từ ngày 6/6). Nguyên nhân chính được CCL đưa ra là ông Trịnh Sướng bị khởi tố điều tra vụ án kinh tế riêng của cá nhân ông. Tuy nhiên, theo lãnh đạo CCL, thông tin về ông Trịnh Sướng không liên quan và ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Ông Trịnh Sướng đang nắm giữ đến hơn 10% vốn của CCL.

Điểm danh những cổ phiếu tăng bằng lần trong nửa đầu 2019 - Ảnh 4.

Chi tiết 51 mã tăng giá trên 100% sau 6 tháng đầu năm.

Theo Bình An

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên