Điểm danh những doanh nghiệp "vớ bẫm" nhờ cổ phiếu quỹ: Hàng nghìn tỷ đồng "tiền tươi thóc thật" sắp đổ vào TTCK sẽ mang lại lợi ích kép?
Rất nhiều doanh nghiệp đang sử dụng "lá bùa" cổ phiếu quỹ để bình ổn giá cổ phiếu giai đoạn này.
- 24-03-2020Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu quỹ
- 24-03-2020Dabaco tăng trần sau khi HĐQT thông qua phương án mua 5 triệu cổ phiếu quỹ
- 24-03-2020Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) thông qua phương án mua 2 triệu cổ phiếu quỹ
- 24-03-2020Hoàng Huy (HHS) đăng ký bán 25 triệu cổ phiếu quỹ
- 23-03-2020Nhà đầu tư chú ý: Hàng nghìn tỷ đồng "tiền tươi thóc thật" sắp được rót vào thị trường chứng khoán qua kênh cổ phiếu quỹ
Danh sách mua cổ phiếu quỹ ngày càng dài, tổng tiền mua dự kiến đã lên đến gần 4.000 tỷ
Trong những ngày qua, danh sách các doanh nghiệp dự kiến mua cổ phiếu quỹ đang ngày một nối dài ra với hơn hai chục doanh nghiệp. Cứ mỗi ngày trôi qua, danh sách đó lại dài hơn nữa. Nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn như Gemadept (GMD), Vicostone (VCS), Gelex (GEX), GTNfoods (GTN), Đạt Phương (DPG), PAN Group (PAN), PVI, TPBank (TPB), Hòa Bình Group (HBC), Dabaco (DBC)...đều đã có phương án đăng ký mua cổ phiếu quỹ.
Hành động mua cổ phiếu quỹ lần này dường như không phải là lời "nói suông" khi mà thủ tục mua cổ phiếu quỹ đang được nhiều doanh nghiệp gấp rút hoàn thành.
Thống kê của chúng tôi cho thấy, nếu tính theo mức giá quanh vùng giá hiện tại thì doanh nghiệp đã dự chi khoảng 3.800-4.000 tỷ để mua lại cổ phiếu quỹ.
Nhìn lại những "thương vụ vớ bẫm" từ cổ phiếu quỹ
Nhìn về quá khứ một chút, hẳn nhà đầu tư sẽ không thể quên được vụ "vớ bẫm" từ cổ phiếu quỹ của Ngân hàng Techcombank hồi năm 2018. Techcombank từng mạnh tay chi hơn 4.000 tỷ mua lại hơn 172 triệu cổ phần của cổ đông lớn nhất HSBC làm cổ phiếu quỹ. Hơn 1 năm sau khi rót khoản tiền khổng lồ kể trên, Techcombank đã 2 lần bán ra lượng cổ phiếu đó và, vì, lúc này giá trị của Techcombank đã lên cao nên khoản thặng dư vốn mà thu về được hơn 12.000 tỷ đồng!
Hay như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex (PLX). Tháng 9/2016, Petrolimex đã mua lại hơn 155 triệu cổ phiếu quỹ với giá 10.600 đồng/cổ phần, chủ yếu lượng cổ phiếu quỹ này là Petrolimex mua lại cổ phần ưu đãi hoàn lại đã phát hành cho CBCNV. Lên sàn niêm yết vào tháng 4/2017, cổ phiếu PLX nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng nhà đầu tư và giá cổ phiếu tăng vọt lên ~60.000 đồng/cổ phiếu. Và, PLX đã chốt bán 20 triệu cổ phiếu quỹ. Không cần phải tính toán nhiều, nhà đầu tư cũng dễ dàng mường tượng được PLX "vớ bẫm" ra sao từ cổ phiếu quỹ khi giá bán chênh với giá mua đến gần 6 lần!
Hay mới tháng 10 năm ngoái, ngân hàng ACB cũng đã bán ra 35,2 triệu cổ phiếu quỹ "trao tay chỉ trong một ngày". Giá giao dịch cổ phiếu là 23.800 đồng/cp trong khi lúc mua vào giá chỉ loanh quanh hơn 16.000 đồng. Theo đó, ACB đã thu về gần 838 tỷ đồng thặng dư vốn!
Trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, không ít doanh nghiệp đã thực sự đạt lợi ích kép khi chi tiền mua cổ phiếu quỹ. Những ví dụ trên, suy cho cùng, cũng chỉ bởi vì số lượng cổ phiếu và số tiền lớn nên gợi nhớ nhanh cho nhà đầu tư.
Hàng nghìn tỷ đồng "tiền tươi thóc thật" sắp đổ vào TTCK sẽ mang lại lợi ích kép?
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đặc biệt ưa thích những công ty mua lại cổ phiếu vì chiến lược đầu tư của ông là dài hạn, khoảng thời gian nắm giữ lên tới hàng chục năm.
Thực tế, chênh lệch khi mua bán cổ phiếu quỹ sẽ được ghi nhận vào thặng dư vốn cổ phần trên Bảng cân đối kế toán chứ không ghi nhận vào lợi nhuận trên Báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, lợi ích của việc mua lại cổ phiếu quỹ là rất nhiều. Đặc biệt, trong những sự kiện "thiên nga đen" khiến giá trị cổ phiếu bị hạ thấp hơn giá trị thật của doanh nghiệp rất nhiều thì việc mua lại cổ phiếu quỹ nhiều khả năng sẽ tạo ra lợi ích kép.
Lợi ích dễ thấy nhất đó là: Sự kiện nào rồi cũng phải kết thúc dù nó xấu thế nào chăng nữa. Nếu doanh nghiệp vẫn làm ăn bình thường mà bỗng nhiên giá trị cổ phiếu lại giảm 25%-30%-50%-thậm chí hơn- thì rõ ràng "ngài thị trường" đã không phản ánh đúng giá trị của doanh nghiệp. Sẵn tiền nhàn rỗi, doanh nghiệp có thể mua vào để minh chứng cho "ngài thị trường" rằng thị trường đang định giá sai. Khi thị trường bình ổn và có những định giá phù hợp hơn thì doanh nghiệp sẽ như Techcombank, Petrolimex, ACB..., bán ra cổ phiếu và tăng giá trị thặng dư cho mình, cho cổ đông.
Còn đối với nhà đầu tư, hành động mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp bây giờ sẽ giống như ai đó đã quẳng cái phao cứu sinh cho nhà đầu tư vậy. Khi lực bán cứ ồ ạt không ngừng và cổ phiếu không ngừng rơi thì lực cầu từ cổ phiếu quỹ sẽ giúp "cung-cầu" ổn định hơn, giá cổ phiếu có thể sẽ sớm ngừng rơi. Còn trên bình diện thị trường chung, tiền mua cổ phiếu quỹ là "tiền tươi thóc thật", "tiền mới" từ ngoài đổ vào thị trường chứng khoán. Dòng tiền mới này sẽ giúp thị trường cân đối cung-cầu tốt hơn.
Trí Thức Trẻ