Điểm danh những doanh nghiệp vừa tạo nên "cú sốc" về cổ tức
Việc các doanh nghiệp liên tục thông báo trả cổ tức, cổ phiếu với tỷ lệ rất cao là một phần làm cho thị trường thêm sôi động.
Mùa Đại hội cổ đông đã qua, hầu hết các doanh nghiệp cũng đã hoàn tất công việc công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2019. Đây cũng là thời điểm các cổ đông chờ đợi thông tin trả, tạm ứng cổ tức, cổ phiếu thưởng từ các doanh nghiệp.
Vinacafe Biên Hòa (VCF) gây sốc với cổ tức 240%
Những ngày vừa qua, nhà đầu tư liên tục trải qua các cảm giác "sốc" trước hàng loạt thông tin trả cổ tức "khủng" của các doanh nghiệp. dẫn đầu trong số đó là Vinacafe Biên Hòa (VCF) với tỷ lệ trả cổ tức năm 2018 lên đến 240%. Như vậy Vinacafe Biên Hòa sẽ chi khoảng 638 tỷ đồng trả cổ tức lần này cho cổ đông. Danh sách cổ đông được chốt vào ngày 19/8 tới đây và tiền sẽ chi trả vào 30/8/2019.
Năm 2018, Vinacafé Biên Hòa đạt 3.435 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 6% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 637 tỷ đồng, tăng 72,5% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ là gần 640 tỷ đồng.
Đối với Vinacafe Biên Hòa, đặc thù cơ cấu cổ đông cô đọng. Đến 98,49% vốn điều lệ của Vinacafe Biên Hòa thuộc sở hữu của công ty mẹ Masan Beverage, nên phần lớn số cổ tức này sẽ "rót" trở lại về công ty mẹ.
Tuy nhiên, nhà đầu tư không hẳn không có "lợi". Trước thông tin cổ tức "khủng", giá cổ phiếu VCF đã liên tục tăng, xác lập đỉnh mới trong hơn 1 năm trở lại đây. VCF đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/8/2019 ở mức 213.000 đồng/cổ phiếu, tăng 46% so với thời điểm đầu năm 2019.
FPT Online tạm ứng cổ tức bằng tiền tỷ lệ 100%
FPT Online (FOC) vừa bất ngờ thông báo tạm ứng cổ tức đợt 1/2019 bằng tiền tỷ lệ 100%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 10.000 đồng. Danh sách cổ đông được chốt vào ngày 15/8 và tiền dự kiến chi trả vào 28/8/2019.
FPT Online được biết đến là doanh nghiệp thuộc "họ" nhà FPT tập trung vào các mảng hoạt động quảng cáo trực tuyến, game Online, âm nhạc trực tuyến, mạng xã hội và dịch vụ SMS và tham gia vào thị trường quảng cáo trực tuyến với sản phẩm chính là báo điện tử VnExpress.net.
FPT Online thường chi trả cổ tức khá cao bằng tiền. Tuy vậy, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 của FPT Online lại không quá nổi bật với tình trạng doanh thu, lợi nhuận đi ngang. Lũy kế 6 tháng năm 2019, doanh thu FPT Online đạt 272 tỷ đồng. LNST 110 tỷ đồng, tăng chưa đến 2% so với mức ghi nhận nửa đầu năm 2018 và mới chỉ hoàn thành 43% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm.
Cũng như Vinacafe Biên Hòa, cơ cấu cổ đông của FPT Online khá cô đặc khi "người nhà" Viễn thông FPT và Tập đoàn FPT đã nắm đến hơn 80% vốn. Trả cổ tức lần này, "người nhà" của FPT Online sẽ nhận được hàng trăm tỷ đồng.
FPT Online mới chính thức đưa cổ phiếu lên sàn từ tháng 12/2018 và tăng trần ngay 2 phiên đầu tiên, đạt đỉnh ở mức 175.500 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh). Sau hơn nửa năm, hiện FOC đang giao dịch quanh mức 139.000 đồng/cổ phiếu.
Nhựa Hà Nội (NHH) với cổ tức và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 110%
Nhựa Hà Nội (NHH) sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức bằng tiền và phát hành cổ phiếu thưởng tổng tỷ lệ 110% vào ngày 12/8 tới đây. Trong đó trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 10% và phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 100%. Nguồn vốn thực hiện lấy từ LNST chưa phân phối và quỹ đầu tư phát triển trên BCTC đã kiểm toán năm 2018.
Đây là phương án thay thế cho việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên gấp đôi đã được thông qua trước đó với giá chào bán dự kiến 30.000 đồng/cổ phiếu. Hiện tại An Phát Holdings đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ 50% VĐL công ty.
Đây không phải lần đầu tiên Nhựa Hà Nội phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ "khủng" 100%, mà trước đó cuối tháng 11/2018 Nhựa Hà Nội đã thực hiện phát hành cổ phiếu thưởng tăng vốn điều lệ lên gấp đôi do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Habeco trả cổ tức năm 2017 tỷ lệ 75%
Còn habeco (BHN) vừa thống nhất dành 1.752 tỷ đồng trả cổ tức năm 2017 cho cổ đông với tỷ lệ 75%. Nguồn vốn chia được lấy hơn 201 tỷ đồng từ LNST lũy kế đến 31/12/2017, lấy 17,6 tỷ đồng từ nguồn cổ tức được chia từ CTCP Bia Hà Nội Hải Dương theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và lấy 1.533 tỷ đồng từ nguồn quỹ đầu tư phát triển cũng theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.
Trên thị trường, cổ phiếu BHN đã tăng 16% kể từ đầu năm 2019 đến nay, từ vùng giá 81.000 đồng/cổ phiếu lên 94.500 đồng/cổ phiếu như hiện nay.
Các doanh nghiệp khác như Chăn nuôi Phú Sơn (PSL), Thiết bị y tế Việt Mỹ (AMV) hay Tư vấn xây dựng điện 2 (TV2) cũng vừa gây "sốc" với tỷ lệ chi trả cổ tức rất cao, từ 60% đến 75%.
Năm 2019 đã trôi qua hơn 1 nửa, và những cú "sốc" về cổ tức, cổ phiếu thưởng vẫn liên tục xảy ra từ đầu năm 2019 đến nay. Điển hình trong số đó có thể kể đến như MCH, TND, TAP, ICC, HAT, BKH, D2D, ACL…
KCN Nam Tân Uyên vừa trả cổ tức tỷ lệ 100%
Trước đó, ngày 3/8 KCN Nam Tân Uyên (NTC) vừa chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức năm 2018 bằng tiền tỷ lệ 100%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 10.000 đồng. Như vậy cổ đông KCN Nam Tân Uyên đã nhận tổng cộng 200% cổ tức cho năm 2018.
KCN Nam Tân Uyên là doanh nghiệp thường xuyên trả cổ tức tỷ lệ rất cao. Bên cạnh đó, cổ phiếu NTC cũng đang đà tăng mạnh với mức tăng hơn 140% so với thời điểm đầu năm, từ vùng giá 75.000 đồng/cổ phiếu lên 182.800 đồng/cổ phiếu như hiện nay.
Kết quả kinh doanh năm 2018 cũng tăng đột biến so với cùng kỳ cả về doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu gấp 3,6 lần, đạt trên 532 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng gấp 3,3 lần, đạt trên 469 tỷ đồng.
Những doanh nghiệp tạo "cú sốc" về cổ tức, cổ phiếu thưởng cuối năm 2018 giờ ra sao?
Nhìn lại giai đoạn cuối năm 2018, Yeah (YEG) gây sốc với tỷ lệ cổ tức 200%, thì năm giai đoạn vừa qua với cú sốc liên quan đến Youtube, giá cổ phiếu của Yeah đã liên tục giảm sâu, kinh doanh thua lỗ với số lỗ hơn 103 tỷ đồng nửa đầu năm.
Trong khi Yeah là một doanh nghiệp lớn, thì "bé hạt tiêu" Hóa chất Đà Nẵng lại tự gây được tiếng vang khi liên tục trả cổ tức cao. Tháng 5/2018 công ty trả cổ tức năm 2017 bằng tiền tỷ lệ 258%, thì đến đầu tháng 6 lại chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức 2018 tỷ lệ 100%.
Và mới đây nhất, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam mang 900.411 cổ phần Hóa chất đà Nẵng ra bán đấu giá với giá khởi điểm 113.700 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá cổ phiếu DCI trên thị trường chỉ 2.800 đồng/cổ phiếu. Những tưởng phiên đấu giá sẽ "ế", nhưng bất ngờ vẫn có 2 nhà đầu tư đăng ký mua với tổng lượng cổ phiếu đăng ký hơn 1,2 triệu đơn vị.
Trí Thức Trẻ