Điểm lại những dự án khu công nghiệp, sản xuất, điện năng... nổi bật ở các địa phương làm tăng năng lực của nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm
Nhờ có những động lực mới này, một số địa phương như Bình Dương, Đồng Nai, Bạc Liêu... mặc dù phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 nhưng IIP 7 tháng năm 2021 vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước.
- 14-08-2021Lộ diện top địa phương có doanh nghiệp làm ăn lãi lớn nhất và lỗ nặng nhất
- 13-07-2021Lộ diện top 5 tỉnh, thành xuất khẩu lớn nhất 6 tháng đầu năm
Theo Tổng cục Thống kê, năng lực mới tăng của nền kinh tế là kết quả của hoạt động đầu tư tạo ra từ việc xây mới nhà cửa, vật kiến trúc, đầu tư tài sản cố định không qua xây dựng cơ bản và đầu tư cho sửa chữa tài sản cố định (mở rộng, khôi phục, nâng cấp năng lực sản xuất của tài sản cố định) biểu hiện dưới hình thái hiện vật là các công trình xây dựng, các phương tiện, thiết bị máy móc và các loại tài sản cố định khác dùng cho sản xuất được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng trong kỳ nghiên cứu.
Nhờ có những năng lực mới tăng trong từng giai đoạn, nền kinh tế được tăng cường nguồn lực thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sản xuất công nghiệp ở một số địa phương vẫn duy trì tốc độ tăng của 7 tháng năm nay so với 7 tháng năm trước.
Những năng lực mới tăng ở một số địa phương (hoàn thành trong quý IV/2020) được bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2021 như sau:
(1) Hưng Yên: Nhà máy TPTech với năng lực thiết kế 32 nghìn tấn/năm; nhà máy sản xuất khuôn đúc, sản phẩm đúc của TSUKUBA Việt nam tại Khu công nghiệp Phố Nối A với năng lực thiết kế 1.800 tấn/năm; Nhà máy Nikkiso Việt Nam II với năng lực thiết kế 4.200 sản phẩm/năm; dự án Texco Việt Nam giai đoạn I với 400 nghìn sản phẩm/năm.
(2) Sơn La: Nhà máy may xuất khẩu Mường La với 2 triệu sản phẩm/năm.
(3) Lai Châu: Công trình thủy điện Nậm So 2 với 0,3 MW/năm.
(4) Thanh Hóa: Trang trại bò sữa Organic Vinamilk – Thanh Hóa với năng lực thiết kế 2000 con bò sữa/năm; Trung tâm chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao Lam Sơn 100 nghìn tấn sản phẩm/năm; Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn 2 triệu tấn phôi thép/năm.
(5) Nghệ An: Xây dựng nhà máy gỗ MDF của công ty cổ phần gỗ MDF Nghệ An với năng lực thiết kế 180 nghìn m3 sản phẩm/năm.
(6) Hà Tĩnh: Nhà máy may mặc xuất khẩu apparel tech Đức Thọ với năng lực thiết kế 100 nghìn sản phẩm/năm.
(7) Quảng Nam: Nhà xưởng sản xuất vải mành polyester của Cty TNHH HYOSUNG Quảng Nam với 19.200 tấn/năm; Nhà xưởng sản xuất túi khí công ty TNHH HYOSUNG Quảng Nam với 3.895 tấn/năm; Nhà xưởng sản xuất vải mành nylong công ty TNHH HYOSUNG Quảng Nam với 7.200 tấn/năm.
(8) Ninh Thuận: Điện gió Phước Minh với 27 MW/năm; trang trại điện mặt trời SP-infra Ninh Thuận với 50 MW/năm; dự án khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ 300 nghìn tấn/năm.
(9) Đắk Lắk: Dự án điện gió của Thổ Nhĩ Kỳ với năng lực 70 MW/năm; dự án điện Xuân Thiện EA Sup (giai đoạn 1) với 600 MW/năm
(10) Bình Dương bổ sung KCN Bàu Bàng; KCN Mỹ Phước 1,2,3; KCN Thới Hòa; nhà máy sản xuất vải lưới – Công ty TNHH Paihong Việt Nam; Nhà máy chế biến gỗ gia dụng – Công ty TNHH chế biến gỗ Mộc Xuyên; Công ty TNHH Ecco sản xuất giày với năng lực thiết kế 6 triệu sản phẩm/năm; Nhà xưởng sản xuất lưới (Công ty TNHH Jakob Sài Gòn) với năng lực thiết kế 65 nghìn m2/năm; …
(11) Đồng Nai: Nhà máy sản xuất bột ngọt VeDan với năng lực thiết kế 250 nghìn tấn/năm, xưởng sản xuất giày Changshin 27 triệu sản phẩm/năm, Công ty Kim Sơn Bảo xây dựng thêm nhà máy găng tay y tế với 6 nghìn tấn sản phẩm/năm, Xưởng luyện keo và kho nguyên liệu công ty cao su Kenda Việt Nam với 125 nghìn tấn sản phẩm/năm; Dây chuyền sản xuất công ty Tôn Phương Nam với 230 nghìn tấn sản phẩm/năm.
(12) Vĩnh Long: Nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm thủy sản Hải Đại Vĩnh Long với 7.200 nghìn tấn/năm; nhà máy sản xuất linh kiện ô tô Kyungshin Việt Nam với 5 nghìn tấn/năm.
(13) Cần Thơ: Bổ sung khu công nghiệp Hưng Phú 1.
(14) Bạc Liêu: Bổ sung Nhà máy điện gió Đông Hải 1 hòa lưới điện tháng 2/2021, Nhà máy điện gió Công Lý, Nhà máy điện gió Hòa Bình hòa lưới điện tháng 3/2021.
Dịch Covid-19 lần thứ tư với biến chủng mới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất công nghiệp trong tháng Bảy và 7 tháng năm nay. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ những năng lực mới tăng được bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 chỉ tăng 2,6%).
Có 59/63 số tỉnh, thành phố trong cả nước có chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó một số địa phương có tốc độ tăng sản xuất công nghiệp ở mức cao là:
Đắk Lắk tăng 39,1% (chủ yếu do ngành sản xuất điện tái tạo đầu tư mới tăng 110,9%); Ninh Thuận tăng 36,8% (chủ yếu do ngành sản xuất điện tái tạo đầu tư mới tăng 64,4%); Lai Châu tăng 30,5% (chủ yếu do sản xuất thủy điện tăng 31,7%); Nghệ An tăng 24,5%; Quảng Nam tăng 21,1%; Hà Tĩnh tăng 20,9%; Thanh Hóa tăng 16,8%; Sơn La tăng 15,1% (chủ yếu do sản xuất thủy điện tăng 20,3%); Hưng Yên tăng 8,1%; …
Ngoài ra, một số địa phương mặc dù phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 nhưng IIP 7 tháng năm 2021 vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước như:
Bạc Liêu tăng 13%; Vĩnh Long tăng 10,9%; Bình Dương tăng 7,4% do ngành sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 21,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 19,2%; Cần Thơ tăng 7,2% do ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 82,8%; sản xuất thuốc lá tăng 17,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 20,3%; Đồng Nai tăng 7,1% do ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11,2%; dệt tăng 8,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 8,5%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 12,7%.