[Điểm nóng chứng khoán tuần 20-24/5] Thị trường Việt Nam giao dịch trầm lắng, thế giới ngập trong sắc đỏ
Điểm cộng là dòng tiền vẫn tỏ ra khá tích cực ở nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ. Theo VDSC nhận định, nếu thị trường không nhanh chóng có sự phục hồi trong 1-2 phiên sắp tới thì NĐT nên cân nhắc giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.
1. Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một tuần giao dịch trầm lắng
Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần giao dịch trầm lắng khi chỉ số VN-Index đã mất đi nỗ lực hồi phục trong phiên cuối cùng của tuần lễ. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 970,03 điểm (-0,7%) và HNX-Index chốt phiên ở 105,39 điểm, (-0,4%) so với tuần liền trước đó.
Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây
Mở đầu tuần mới, thị trường bước vào phiên giao dịch đầu tuần ngày 20/5 với trạng thái khá thận trọng. Vụ việc Google chấm dứt cung cấp cho Huawei các nền tảng Android và sản phẩm của mình theo lệnh cấm từ Washington phát đi những tín hiệu tiêu cực về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý giới đầu tư và khiến thị trường chứng khoán thế giới diễn biến theo chiều hướng xấu.
Trở về thị trường trong nước, sau khoảng thời gian đầu phiên ngày thứ 2 loay hoay quanh mốc tham chiếu, chỉ số VN-Index bất ngờ chuyển biến tích cực. Với những nỗ lực tăng điểm của các cổ phiếu vốn hóa lớn (GAS, VCB, SAB, BID, MSN, VNM,…), đà tăng của thị trường được nới rộng đáng kể theo thời gian. Hoạt động giao dịch diễn ra sôi động ở hầu khắp các nhóm ngành, trong đó tập trung mạnh nhất vào nhóm dầu khí và ngân hàng. Bên cạnh đó, nhóm khu công nghiệp (NTC, D2D, LHG, KBC,…) cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư nhờ kỳ vọng vào làn sóng FDI dịch chuyển mạnh về Việt Nam.
Nối tiếp tâm lý hưng phấn phiên trước, thị trường bước vào ngày giao dịch tiếp theo với sắc xanh bao phủ. Các chỉ số nhanh chóng có được đà tăng tốt nhờ sự dẫn dắt của bộ ba cổ phiếu nhóm Vingroup cùng nhóm ngân hàng và nhóm ngành hàng không. Trái ngược với bối cảnh giá dầu tăng do căng thẳng Trung Đông leo thang ảnh hưởng đến nguồn cung dầu toàn cầu, nhóm cổ phiếu dầu khí đã có sự điều chỉnh với hầu hết các mã chìm trong sắc đỏ sau khi đóng vai trò dẫn dắt thị trường trong phiên trước. Sau khi vượt ngưỡng 992 điểm, chỉ số VN-Index dần chững lại khi nhiều vốn hóa lớn đồng loạt giảm điểm trở lại và gây áp lực lớn lên thị trường.
Ngày tiếp theo đó, thị trường bước vào phiên giao dịch giữa tuần với sắc xanh hiện hữu ngay từ phút đầu khi đón nhận những tín hiệu khả quan từ thị trường chứng khoán quốc tế. Nhóm cổ phiếu ngân hàng và bluechips giao dịch sôi động đưa chỉ số VN-Index tăng vượt ngưỡng 990 điểm. Thế nhưng một lần nữa thị trường cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt khi đà tăng của các chỉ số bị thu hẹp. Nguyên nhân vẫn đến từ áp lực chốt lời gia tăng, đặc biệt bán mạnh ở nhóm dầu khí, dệt may và đông đảo các cổ phiếu vốn hóa lớn. Qua đó lần thứ 2 liên tiếp thị trường dừng lại trong sắc đỏ bất chấp nỗ lực tăng điểm trong phiên.
Những nỗ lực phục hồi cuối phiên giao dịch trước đã bị bị xóa bỏ hoàn toàn. Phiên giao dịch cuối cùng của tuần lễ với áp lực bán tăng vọt ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khiến VN-Index giảm mạnh 12,68 điểm (1,29%), đóng cửa tại 970,03 điểm. HNX-Index cũng đánh mất 0,91 điểm (0,86%), kết thúc ngày tại 105,39 điểm. Thanh khoản có sự gia tăng trên cả hai sàn, lên mức trên trung bình. Số cổ phiếu giảm điểm hoàn toàn áp đảo số cổ phiếu tăng điểm.
Dường như thị trường giảm sâu trong bối cảnh chứng khoán thế giới đỏ lửa và khối ngoại bán ròng mạnh. Các chỉ số nhanh chóng trở nên tiêu cực. Điểm cộng là dòng tiền vẫn tỏ ra khá tích cực ở nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ. Theo VDSC nhận định, nếu thị trường không nhanh chóng có sự phục hồi trong 1-2 phiên sắp tới thì NĐT nên cân nhắc giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.
2. Chứng khoán thế giới ngập chìm trong sắc đỏ
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong tuần, với chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.585 điểm (giảm 0,69%), chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.637 điểm (giảm 2,29%), và chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.826 điểm (giảm 1,15%).
Nhóm ngành công nghệ giảm mạnh nhất do các nhà đầu tư lo lắng về tác động của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Các cổ phiếu năng lượng cũng suy giảm do giá dầu chịu sự sụt giảm mạnh kể từ đầu năm. Dòng tiền tìm đến những nhóm ngành phòng thủ như ngành tiện ích và chăm sóc sức khỏe. Cuộc xung đột thương mại với Trung Quốc tiếp tục đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư. Thị trường đặc biệt lo lắng về khả năng của một cuộc chiến tranh lạnh mới về công nghệ. Một số chỉ số kinh tế vĩ mô của Mỹ như đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền, doanh số bán nhà cũng cho thấy dấu hiệu suy giảm trở lại.
Chứng khoán châu Âu cũng giảm điểm trong tuần, do tiếp tục bị chi phối bởi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và dữ liệu kinh tế Trung Quốc suy yếu. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.277 điểm (giảm 0,97%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.011 điểm (giảm 1,85%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.316 điểm (giảm 2,24%). Đồng bảng Anh tiếp tục sụt giảm so với đồng đô la Mỹ nhưng đã hồi phục nhẹ sau khi Thủ tướng Theresa May tuyên bố sẽ từ chức vào ngày 7/6 vì không thể có thuyết phục Quốc hội Anh phê chuẩn thỏa thuận Brexit.
Chỉ số PMI của khối Euro zone giảm, tiếp tục vẽ lên một bức tranh ảm đạm về hoạt động sản xuất và dịch vụ trong khu vực. Về mặt chính trị, các cử tri từ tất cả 28 quốc gia EU đã tham gia các bầu 751 ghế Nghị viện châu Âu tại Strasbourg, Pháp. Kết quả bầu cử, dự kiến công bố vào thứ Hai tuần sau, được dự đoán sẽ có sự gia tăng đáng kể của các đảng dân túy trên toàn khu vực. Một kết quả như vậy có thể tạo ra thêm sự chia rẽ, khiến cho nhiều vấn để trở nên khó khăn hơn để đạt được sự đồng thuận giữa các nước.
Chứng khoán Nhật Bản nối tiếp đà giảm điểm trong tuần qua. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 21.117 điểm (giảm 0,63%). Xuất khẩu của Nhật Bản giảm trong tháng thứ năm liên tiếp, một phần do sự chậm lại trong các lô hàng thiết bị sản xuất chip bán dẫn đến Trung Quốc.
Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, xuất khẩu của nước này đã giảm 2,4% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh hơn so với mức 1,8% theo một cuộc thăm dò gần đây của Reuters. Nhập khẩu tăng 6,4% so với năm trước, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 11, cao hơn nhiều so với dự báo của các nhà phân tích. Tuy nhiên chính phủ Nhật Bản đã báo cáo ước tính đầu tiên về tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong ba tháng đầu năm. Dữ liệu cho thấy sự mạnh lên đáng ngạc nhiên của nền kinh tế với tỷ lệ tăng trưởng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt kỳ vọng của thị trường.
Chứng khoán Trung Quốc đã tiếp tục giảm điểm trong tuần qua khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang và lan sang lĩnh vực công nghệ. Thị trường phản ứng tiêu cực sau khi có các báo cáo rằng chính quyền Trump đang xem xét trừng phạt thêm nhiều công ty công nghệ Trung Quốc sau khi đưa công ty viễn thông Huawei Technologies vào danh sách đen.
Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.852 điểm (giảm 1,04%) và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 27.353 điểm (giảm 2,12%). Các nhà phân tích tin rằng sự leo thang thuế quan mới có thể làm giảm 0,3% tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng có thể sẽ đáp trả bằng các biện pháp nới lỏng tiền tệ khác nhau trong những tháng tới khi chính phủ Trung Quốc cố gắng ngăn chặn tác động của cuộc chiến thương mại đối với tăng trưởng trong nước.