MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 02/04 - 06/04]: Chứng khoán Việt giữ vững mốc 1.000 điểm, TTCK thế giới bình ổn

Thị trường chứng khoán Việt Nam giữ vững cột mốc 1.000 điểm. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán thế giới đi qua một tuần lễ giao dịch bình ổn…

1.TTCK Việt Nam "giữ vững" cột mốc 1.000 điểm

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần lễ giao dịch khó khăn khi chỉ số VN-Index đã có sự điều chỉnh đáng kể tiếp nối tuần giao dịch liền kề trước đó. Tuy nhiên, chốt tuần VN-Index vẫn giữ vững được cột mốc 1.000 điểm lịch sử.

Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 1.026,80 điểm (giảm 2,22%) và HNX-Index chốt phiên ở 122,57 điểm (giảm 0,06%). Đi theo xu hướng tuần liền trước, thị trường trong tuần qua đã trải qua khá nhiều khó khăn khi các chỉ số đều đồng loạt giảm điểm trong những phiên giao dịch trong tuần. Tuần qua cũng chứng kiến sự sụt giảm thanh khoản đồng đều trên cả 2 sàn.

Ngay trong những phiên mở cửa sau kì nghỉ lễ, thị trường trở lại không mấy khả quan khi VN-Index đã để rơi mất gần 21 điểm. Toàn bộ cổ phiếu ngành ngân hàng và chứng khoán đã thể hiện sự "đồng thuận" khi cùng chịu sự điều chỉnh sâu.

[Điểm nóng TTCK tuần 02/04 - 06/04]: Chứng khoán Việt giữ vững mốc 1.000 điểm, TTCK thế giới bình ổn - Ảnh 1.

Đà giảm của thị trường đã chậm lại khi về sát mức 1.000 điểm

Tuy có hồi phục nhẹ trong phiên nhưng chính lực bắt đáy yếu trong khi lực cung thì luôn cao đã khiến cho VN-Index quay đầu giảm điểm rất nhanh sau đó. Thanh khoản thị trường thấp, giá trị giao dịch chỉ đạt 5.747 tỷ đồng và tăng mạnh vào cuối phiên cùng đà rơi của VNIndex.

Trong khi đó, bên cạnh sự suy yếu của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, sắc đỏ cũng lan tỏa rộng và đồng đều ở cả các nhóm MidCap .Dường như tâm lý hoảng loạn trong những phiên tuần trước đó vẫn còn dư âm khá lớn. Điểm sáng trong những phiên đầu tiên sau kì nghỉ lễ lại chính là nhóm bán lẻ, FRT trong phiên ngày thứ tư vẫn giữ được sắc xanh nhờ lực cầu từ khối ngoại trong khi MWG và PNJ đều giao dịch khá tốt và không bị ảnh hưởng nhiều từ thị trường.

Theo các chuyên gia VDSC nhận định, VN-Index đã ghi nhận tuần giảm điểm thứ tư liên tiếp, và đây cũng là một trong hai giai đoạn điều chỉnh rõ ràng nhất của chỉ số kể từ đầu năm đến nay. Những tín hiệu hiện tại cho thấy thị trường cần nhiều thời gian hơn để phục hồi so với giai đoạn điều chỉnh trước đó. Tuy nhiên rủi ro giảm sâu đã dược hạn chế nhiều khi các chỉ số đang ở gần các ngưỡng hỗ trợ mạnh (trong tuần qua là tại cột mốc 1000 điểm). Ở vùng này, nhà đầu tư có thể quan sát để lên một chiến lược hợp lí cho mục tiêu trung dài hạn.

Bên cạnh đó, tuần qua cũng là tuần giao dịch mà thị trường nhiều lần chứng kiến các cố phiếu vốn hóa lớn bị "kéo xả". Phiên cuối tuần là một ngày khá hiếm hoi mà bảng điện lấy lại được sắc xanh đến cuối phiên. Xu hướng hồi phục được thể hiện rõ nét hơn. Thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm trong tuần qua. Đồng thời kết hợp với những phiên điều chỉnh những tuần trước, VN-Index đã đánh rơi gần 174 điểm kể từ khi chạm tới cột mốc 1.200 điểm.

Đối với thị trường CK phái sinh, tuần qua đã ghi nhận một tuần giao dịch khá sôi động, mang tâm lý hứng khởi với các hoạt động trading chủ yếu đến từ các vị thế short mạnh mẽ. Trước sự điều chỉnh của VN30-Index từ thị trường cơ sở, đã thúc đẩy rất nhiều lệnh short với khối lượng cực lớn . So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự tăng cao đáng kể. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 62.177 hợp đồng (tăng gần 17% so với tuần liền trước).

2. TTCK thế giới đi qua một tuần lễ bình ổn

Tuần qua, các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã tăng vào cuối tuần để bù đắp cho sự khởi đầu kém vào đầu tuần. Lo ngại về căng thẳng thương mại với Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến thị trường khởi đầu chậm chạp. Nhưng tâm lý nhà đầu tư được cải thiện vào giữa tuần khi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết đã có những tiến triển trong quá trình đàm phán.

Chỉ số S&P500 đóng cửa ở 2.663 điểm (giảm 0,45%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 24.262 điểm (giảm 0,6%). Đặc biệt chỉ số Nasdaq Composite tăng điểm tốt nhất nhờ sự tăng giá mạnh mẽ của Apple và đóng cửa ở 7.209 điểm (tăng 1,07%). Trong khi nhóm các cổ phiếu ngành y tế bị tụt hậu do kết quả kinh doanh kém cùng với mối lo ngại rằng chính quyền Trump có thể công bố các biện pháp điều chỉnh giá thuốc.

Các thị trường lớn ở Châu Âu như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, và Ý không giao dịch vào ngày Quốc tế Lao động 1/5. Trong tuần giao dịch ngắn ngủi, các chỉ số chứng khoán châu Âu chủ chốt đều có kết quả khả quan, nhờ báo cáo thu nhập doanh nghiệp tích cực và đồng euro yếu hơn hỗ trợ các công ty xuất khẩu hàng hóa.

Kết thúc tuần, chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.567 điểm (tăng 0,87%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.819 điểm (tăng 1,96%), chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.516 điểm (tăng 1,14%), và chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha đóng cửa ở 10.104 điểm (tăng 2,1%).

Bên cạnh đó, thị trường Nhật Bản chỉ mở cửa giao dịch trong 2 ngày và hầu như không có biến động lớn đối với các chỉ số chứng khoán của nước này. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở mức 22.472 điểm (tăng 0,08%), và TOPIX Index đóng cửa ở 1.771 điểm (giảm 0,17%).

Về vĩ mô, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Nhật Bản đã tăng lên 53,8 trong tháng trước, cho thấy vẫn có sự mở rộng trong hoạt động sản xuất. Tuy nhiên mối quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư là sự suy giảm trong xuất khẩu vì đồng Yên mạnh lên đầu năm nay. Theo báo cáo triển vọng của Ngân hàng Nhật Bản (BoJ), GDP của Nhật Bản sẽ tăng trưởng trong năm tài chính 2018. Con số dự kiến ​​tăng lên là 1,6% so với ước tính trước đó là 1,4%. Ước tính chỉ số giá tiêu dùng CPI cho tài khóa 2018 đã được hạ xuống còn 1,3% từ mức 1,4%.

Thị trường Trung Quốc cũng đóng cửa nghỉ lễ vào ngày 1/5 và chỉ giao dịch 4 ngày trong tuần. Kết thúc tuần, chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 29.926 điểm (giảm 1,23%) và chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3.091 điểm (giảm 0,9%).

Các chỉ số kinh tế cho thấy các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc vẫn ổn định trong tháng 4 mặc dù trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ. Chỉ số quản lý mua hàng PMI giảm ít hơn dự kiến, xuống còn 51,4 điểm. Trong khi đó, PMI phi sản xuất đã tăng lên 54,8 điểm, cho thấy tình hình kinh doanh vẫn đang mở rộng vững chắc và cho thấy sức mạnh ngày càng tăng của ngành dịch vụ Trung Quốc.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên