[Điểm nóng TTCK tuần 12/08 – 18/08] Chứng khoán Việt Nam nỗ lực hồi phục, thế giới đồng loạt giảm điểm
Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần giao dịch tích cực khi chỉ số VN-Index đã nỗ lực hồi phục giữa sóng gió thị trường thế giới…
1.TTCK Việt Nam nỗ lực đảo chiều tăng điểm giữa sóng gió thị trường thế giới
Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần giao dịch tích cực khi chỉ số VN-Index đã nỗ lực hồi phục. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa tăng nhẹ ở 980 điểm (+0,6%) và HNX-Index chốt phiên ở 102,35 điểm, (-0,43%) so với tuần liền trước đó.
Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây
VN-Index đã có một tuần hồi phục so với tuần liền kề trước đó. Cùng với sự khởi sắc của nhóm ngân hang chung, các Bluechips như FPT, REE, VIC, PNJ, MWG,…cũng đồng loạt hồi phục giúp đà tăng thị trường được củng cố vững chắc. Thị trường mặc dù sụt giảm mạnh trong những phiên đầu tuần do ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến tranh thương mại tuy nhiên VN-Index đã có những phiên đảo chiều tích cực vào gần cuối tuần.
Theo các chuyên gia VDSC, VN30-Index tạm thời chưa thể khẳng định được dấu hiệu thoát khỏi mô hình tam giác và tạo xu hướng tăng mới. Do đó đối với chiến lược đầu tư xu hướng, Quý nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ dấu hiệu xu hướng của VN30-Index được khẳng định.
Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều có sự đồng thuận tăng "tích cực" về thanh khoản trong các phiên giao dịch trong tuần hơn so với tuần trước. Tuần qua cả 4 HĐTL đều biến động khá mạnh trong phiên ngày đáo hạn hợp đồng tháng 8 với biên độ dao động khá lớn, cũng như basis đang ở mức chênh cao từ 14-21 điểm, tạo ra khó khăn trong các quyết định đẩy lệnh Long/Short của nhà đầu tư. Nhiều khả năng basis hợp đồng tháng 9 sẽ tiếp tục được thu hẹp trong tuần tới đây. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt mức trung bình khá, tương ứng đạt 74.406 hợp đồng.
2. TTCK Thế giới đồng loạt giảm điểm
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong tuần thứ ba liên tiếp khi các nhà đầu tư thể hiện sự lo lắng về vấn đề thương mại và tăng trưởng. Phần lớn sự sụt giảm trong tuần diễn ra vào thứ Tư, với các chỉ số chính chịu một phiên giảm điểm tồi tệ nhất trong năm 2019. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.886 điểm (giảm 1,53%). Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.888 điểm (giảm 1,03%) và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.895 điểm (giảm 0,8%).
Các nhóm ngành phòng thủ như dịch vụ tiện ích và hàng tiêu dùng thiết yếu hoạt động tích cực hơn so với các nhóm ngành khác như cổ phiếu năng lượng. Một điểm đáng chú ý của tuần giao dịch vừa qua là sự sụt giảm lợi suất trái phiếu dài hạn gây nên phản ứng tiêu cực về niềm tin của nhà đầu tư với sức khỏe của nền kinh Mỹ. Vào thứ Tư, lợi tức của trái kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống dưới mức lợi suất trai phiếu của kỳ hạn 2 năm, một tín hiệu thường xảy ra trước nhiều cuộc suy thoái kinh tế của Mỹ.
Tuy nhiên, đến thứ năm, đường cong lợi suất đã trở lại độ dốc dương như bình thường. Một số nhà kinh tế cho rằng một số yếu tố có thể làm cho đường cong lợi suất trở nên ít tin cậy hơn trong môi trường hiện tại do hậu quả của các khoản nợ lớn của ngân hàng trung ương. Ngoài ra, trong quá khứ hiện tượng này thường xuất phát từ lợi suất ngắn hạn tăng nhanh hơn lợi suất dài hạn, chứ không phải do lợi suất trái phiếu dài hạn giảm mạnh hơn lợi suất trái phiếu ngắn hạn như hiện nay.
Thị trường chứng khoán châu Âu đã chịu áp lực bán trong suốt cả tuần do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và các dấu hiệu suy thoái của kinh tế toàn cầu. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.117 điểm (giảm 1,8%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 11.562 điểm (giảm 1,12%) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.300 điểm (giảm 0,51%).
Eurostat báo cáo rằng nền kinh tế Euro zone hầu như không tăng trưởng trong quý II năm 2019. Nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức đã giảm 0,1% trong quý II. Giao thương giữa các quốc gia thuộc khu vực đồng euro đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn sáu năm do các tranh chấp thương mại bắt đầu ảnh hưởng đến xuất khẩu của châu Âu. Giá trị thương mại nội khối euro giảm 6,6% trong tháng 6 so với năm ngoái. Xuất khẩu Euro zone sang phần còn lại của thế giới đã giảm 4,7% và xuất khẩu của châu Âu sang Trung Quốc giảm 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm trong tuần thứ ba liên tiếp. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 29.418 điểm (giảm 1,3%). Đồng yên với vai trò trú ẩn an toàn đã tăng cao hơn so với đô la Mỹ và đóng cửa ở mức trên 106 yên / đô la Mỹ. Trong khi đó, có báo cáo rằng Nhật Bản đã leo lên vị trí nước nắm giữ nhiều trái phiếu kho bạc Mỹ nhất, soán ngôi của Trung Quốc.
Có nhiều mối lo ngại rằng nền kinh tế Nhật Bản không đủ mạnh để vượt qua đợt tăng thuế giá trị gia tăng dự kiến vào tháng 10 tới đây. Sản xuất đang suy yếu, các đơn đặt hàng máy móc ở nước ngoài đang chậm lại do bất ổn thương mại, tăng trưởng tiêu dùng trong nước vẫn còn ảm đạm, và tăng trưởng kinh tế bị cản trở bởi các xung đột địa chính trị trong khu vực. Những yếu tố này khiến một số nhà kinh tế lo ngại một cuộc suy thoái tiềm năng có thể sẽ xảy ra.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục tăng điểm trong tuần sau khi các quan chức Bắc Kinh cam kết đưa ra các biện pháp tăng thu nhập khả dụng trong hai năm tới để bù đắp cho nền kinh tế đang chậm lại. Trong tuần, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.823 điểm (tăng 1,77%). Trong khi đó căng thẳng chính trị tại Hồng Kông khiến chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 25.734 điểm (giảm 0,79%).
Các kế hoạch được công bố từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan kế hoạch nhà nước Trung Quốc, đã làm tăng hy vọng rằng chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường nỗ lực kích thích nhu cầu trong nước để giảm bớt tác động của cuộc chiến thương mại. Một loạt các báo cáo thu nhập vững chắc từ một số công ty lớn nhất của Trung Quốc cũng giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư.