[Điểm nóng TTCK tuần 18-22/4] VN-Index thử thách ngưỡng 1.000 điểm, chứng khoán thế giới đồng loạt giảm trừ Trung Quốc
Thị trường vừa trải qua một tuần giao dịch nhiều cảm xúc với những biến động tăng/giảm đan xen trong biên độ cao. Trạng thái rung lắc quanh mốc 1.000 điểm vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi dòng tiền trên thị trường thể hiện sự phân hóa cao độ.
1. Chứng khoán Việt Nam trồi sụt quanh mốc 1.000
Những gì diễn ra trên bảng điện trong tuần vừa qua đã minh chứng cho một tuần giao dịch nhiều biến động. Chốt tuần, VN-Index đóng cửa ở mức 988,71 điểm, giảm gần 2% so với cuối tuần trước. HNX-Index chốt tuần ở mức 108,09 điểm, giảm hơn 2%.
Dấu ấn trong tuần vừa qua nằm ở những cây nến xanh đỏ đan xen với biên độ cao.
Thị trường mở cửa trong sắc xanh ngay phiên đầu tuần tạo tâm lý tích cực cho thị trường. Dòng tiền tiếp tục tập trung vào những mã vốn hóa lớn (bluechip) trong nhóm VN30, những dòng cổ phiếu "nóng" gần đây như tài chính, bất động sản, dầu khí, và đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ (penny). Chốt phiên đầu tuần, VN-Index vượt qua ngưỡng 1.010 điểm. Dù biên độ không cao, song chỉ số đang dần tạo khoảng cách so với ngưỡng quan trọng 1.000 điểm.
Tuy nhiên, trạng thái tích cực không được duy trì lâu. Ngay phiên giao dịch sau đó, dù mở cửa với mức giá cao hơn, song thị trường đã ghi nhận một cây nến đỏ với độ rộng của thân nến bao trùm hoàn toàn cây nến xanh đầu tuần. Một Bulltrap được hình thành với những nhà đầu tư xuống tiền sau khi VN-Index vượt 1.010 điểm. Điều này tiếp tục được xác nhận thông qua hai phiên giao dịch tiếp theo.
Phiên ngày thứ 4 (20/3) là một dấu hiệu nguy hiểm rõ rệt khi chỉ số đại diện cho HoSE bị đánh sập về dưới mốc 1.000 điểm dù đến cuối phiên đã được lực cầu kéo lại. Đà giảm mạnh trong phiên cho thấy bên cầm cổ phiếu đã không còn đủ sức kiên nhẫn, trong khi lực cầu không đủ mạnh để lấp khoảng trống để lại so với thân nến phiên hôm trước.
Sự nguy hiểm được hiện thực hóa vào phiên giao dịch ngày thứ Năm, cũng là ngay chốt hợp đồng phái sinh tháng 3, thị trường giao dịch trong biên độ hẹp trong hầu hết phiên giao dịch nhưng bất ngờ giảm mạnh chỉ trong 45 phút cuối phiên, VN-Index chỉ trong thời gian ngắn ngủi đã rớt hơn 20 điểm, kéo chỉ số đại diện cho HoSE về dưới 990 điểm. Trạng thái hồi phục xuất hiện trong phiên cuối tuần nhưng chỉ mang tính kỹ thuật khi VN-Index vẫn chưa thể trở lại ngưỡng 990 điểm.
Điểm nhấn trong tuần qua cũng có thể kể đến cổ phiếu YEG của Yeah1. Sau chuỗi phiên lau sàn, cổ phiếu này đã trở lại với chuỗi phiên tăng trần liên tiếp sau khi YEG thủng mốc 100.000 đồng. Tuy nhiên, sự hưởng ứng của nhà đầu tư với Yeah1 không quá lớn bởi mô hình kinh doanh mới, mang tính rủi ro cao.
Một tuần giao dịch nhiều biến động vừa qua, cũng để lại những rủi ro tiềm ẩn cho giai đoạn sắp tới. Theo báo cáo mới đây của BVSC, thị trường có thể sẽ tiếp tục hồi phục tăng điểm trong những phiên đầu tuần tới. Hoạt động mua ròng của khối ngoại, đặc biệt là ở chứng chỉ quỹ E1VFVN30 nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn. Bên cạnh đó, thông tin về kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng sẽ bắt đầu được hé lộ dần từ tuần tới. Đó có thể sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho diễn biến thị trường. Dù vậy, đà hồi phục của VnIndex sẽ phải đối mặt với lực cản đáng kể đến từ vùng 995-1000 điểm.
Theo nhóm phân tích của công ty chứng khoán này, nếu không thể vượt lên trở lại vùng kháng cự 1.000 điểm, nhiều khả năng xu hướng tăng ngắn hạn của thị trường có thể sẽ kết thúc nếu vùng 975-980 điểm bị phá vỡ sau đó.
2. Chứng khoán thế giới đảo chiều, ngoại trừ Trung Quốc
Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa thấp hơn trong tuần sau khi bị bán tháo vào thứ Sáu. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.502 điểm (giảm 1,16%), chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.642 điểm (giảm 0,7%), và chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.800 điểm (giảm 0,78%).
Chính sự sụt giảm lãi suất dài hạn dường như là nguyên nhân chính của thị trường và gây tổn thất nặng nề cho cổ phiếu ngành tài chính. Ngược lại, triển vọng lãi suất thấp hơn đã giúp một số cổ phiếu bất động sản nhỏ có diễn biến tích cực. Trước đó trong tuần, trong cuộc họp chính sách vào ngày thứ Tư, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất. Có tới 11 trong 17 quan chức của Fed đang có quan điểm không tăng lãi suất trong năm 2019. Trong cuộc họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận rằng sự tăng trưởng trong chi tiêu tiêu dùng và kinh doanh của Mỹ đã chậm lại trong những tháng gần đây.
Các chỉ số chứng khoán châu Âu không có nhiều biến động trong tuần trước khi các dữ liệu sản xuất gây thất vọng vào ngày thứ Sáu. Chỉ số quản lý mua hàng sản xuất của Đức gây chú ý đặc biệt đối với các nhà đầu tư khi giảm xuống mức thấp nhất trong sáu năm là 44,7.
Lợi suất trái phiếu 10 năm của Đức, Pháp và Ý đều giảm, và đồng Euro giảm hơn 0,5% so với USD. Kết thúc tuần, chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.207 điểm (giảm 0,29%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 11.364 điểm (giảm 2,75%), và CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.269 điểm (giảm 2,48%).
Chỉ số Nikkei 225 tăng điểm trong tuần và đóng cửa vào thứ Sáu ở mức 21.627 điểm (tăng 1,17%). Đồng Yên đứng ở mức 110,25 yên/đô la Mỹ, mạnh hơn một chút trong tuần. Tuần qua số liệu mới nhất cho thấy số lượng các đơn đặt hàng máy móc cốt lõi của Nhật Bản đã giảm 2,9% trong tháng trước.
Đây là kết quả tồi tệ hơn đáng kể so với hầu hết các nhà kinh tế dự báo. Các chỉ số về niềm tin sản xuất tại Nhật Bản đã trải qua sự sụt giảm mạnh trong những tháng gần đây, phần lớn là do sự yếu kém trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bộ Tài chính báo cáo rằng xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp và nhập khẩu giảm nhiều nhất trong hơn hai năm qua.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng điểm trong tuần thứ hai liên tiếp khi các nhà đầu tư trong nước tin tưởng rằng chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nới lỏng để chống lại sự giảm tốc của nền kinh tế. Kết thúc tuần, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3.104 điểm (tăng 2,54%) và Hang Seng Index đóng cửa ở 29.113 điểm (không thay đổi so với tuần trước).
Khả năng đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ trong những tuần tới cũng giúp ích cho tâm lý nhà đầu tư. Hôm thứ Sáu, Tổng thống Trump đã nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc đã ở rất gần, mặc dù các báo cáo khác cho rằng cả hai nước vẫn cách xa nhau về nhiều vấn đề. Trong thời gian tới, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin sẽ tới Bắc Kinh để tham dự vòng đàm phán tiếp theo vào ngày 28 tháng 3.