MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 25/02 – 03/03] Chứng khoán Việt và TTCK thế giới đan xen nhiều cung bậc cảm xúc

Sau phiên sụt giảm mạnh trong tuần, thị trường hồi phục trở lại mức cân bằng nhưng vẫn thể hiện sự lưỡng lự và khó đoán định xu hướng trong ngắn hạn…

1. TTCK Việt Nam trải qua một tuần giằng co và rung lắc

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần giao dịch khá nhiều cảm xúc. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 979,63 điểm (giảm 1%) và HNX-Index chốt phiên ở 107,26 điểm (tăng 0,04%) so với tuần liền trước đó.

[Điểm nóng TTCK tuần 25/02 – 03/03] Chứng khoán Việt và TTCK thế giới đan xen nhiều cung bậc cảm xúc - Ảnh 1.

Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây


Mở đầu phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới, thị trường đón nhận nhiều thông tin tích cực từ thế giới. Cuộc đàm phán Mỹ - Trung diễn ra cuối tuần trước mang lại những diễn biến khả quan cho thị trường chứng khoán Mỹ và châu Á. Thị trường trong nước cũng không ngoại lệ khi sắc xanh nhanh chóng bao phủ các nhóm ngành nhóm cổ phiếu ngay từ đầu phiên.

Tuy nhiên mức tăng của các chỉ số không nhiều, bởi áp lực chốt lời tiềm ẩn đang khiến thị trường có dấu hiệu hạ nhiệt. Chỉ khi dòng tiền trở lại mạnh mẽ vào cuối phiên chiều và lan tỏa ở các nhóm ngành lớn như ngân hàng, dầu khí và các cổ phiếu vốn hóa lớn giúp thị trường lấy lại trạng thái giao dịch tích cực

Thị trường bước vào phiên giao dịch ngày thứ ba với sự thận trọng nhất định khi chỉ số VN-Index tiếp cận mức 1000 điểm. Sau ít phút giằng co, nhóm cổ phiếu vốn hóa xuất hiện nhiều cổ phiếu giảm mạnh gây áp lực lên điểm số. Sắc đỏ dần bao phủ các nhóm ngành dầu khí, ngân hàng kéo thị trường giao dịch trùng xuống. Trong phiên chiều, đã có lúc VN-Index giảm tới 15 điểm nhưng đến cuối phiên đà giảm đã bị thu hẹp nhờ một phần cung lớn từ việc cổ phiếu VHM phục hồi về mức tham chiếu

Phiên giao dịch cuối tháng 2/2019 mở ra với diễn biến thận trọng. Áp lực bán dần dâng cao trong bối cảnh không có trụ cột nâng đỡ thị trường khiến VN-Index nhanh chóng giảm xuống ngưỡng 985 điểm. Mặc dù thị trường có nhịp hồi phục trở lại nhờ các cổ phiếu nhóm dầu khí, tuy nhiên sau thông tin về cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ - Triều không đạt được thỏa thuận chung, thị trường chứng khoán Việt Nam đã lao dốc mạnh đồng thuận với các thị trường chứng khoán châu Á khác.

Các cổ phiếu đầu ngành VHM, VNM, VIC, SAB đều sụp gãy trên 3% từ đó lan tỏa tín hiệu tiêu cực ra các cổ phiếu trong ngành. Lực bán xối xả ngay khi bước vào phiên ATC đã khiến VN-Index đóng cửa đánh mất đến 2,5% rơi xuống mức là 965,47 điểm. Áp lực bán tập trung vào các cổ phiếu bluechips đã khiến nhóm này đồng loạt chìm trong sắc đỏ và tác động lớn nhất đến sự giảm điểm mạnh của chỉ số.

Cá biệt trên thị trường tuần qua là cổ phiếu GTN của GTNfoods. Với việc sở hữu chi phối công ty sữa Mộc Châu, Vinatea với lợi thế nông nghiệp sạch, đất rộng, thổ nhưỡng tốt, GTN từ lâu nay vẫn là tâm điểm thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Tuy vậy, quá trình tái cơ cấu GTN đã khiến cổ phiếu này giảm sâu. Tuy nhiên giai đoạn tăng giá thần tốc trong 1 tuần trở lại đây đã khiến nhiều NĐT trên thị trường ngỡ ngàng.

Trái với những diễn biến ảm đạm trong phiên trước, phiên giao dịch đầu tháng 3 khép lại với sắc xanh bao phủ trên toàn thị trường. VN Index tăng sau khi mở cửa với động lực chính từ SAB, VIC và VHM. Nhóm ngân hàng không tăng quá mạnh nhưng lực mua được duy trì tốt đối với VCB và STB. Sự cân bằng của nhóm ngân hàng trong khi nhóm dầu khí giữ vững xu hướng là các yếu tố góp phần hỗ trợ chỉ số. VN Index tăng hơn 8 điểm lúc kết thúc thời gian giao dịch buổi sáng và lấy lại phần nào số điểm mất đi ở phiên trước. Quan trọng hơn, thị trường có phần bình ổn trở lại sau khi lực bán bất ngờ gia tăng.

Theo quan điểm của các chuyên gia VDSC nhận định, sau phiên sụt giảm mạnh, thị trường hồi phục trở lại mức cân bằng nhưng vẫn thể hiện sự lưỡng lự và khó đoán định xu hướng trong ngắn hạn. Ngoài ra, sự phân hóa giữa các cổ phiếu vẫn đang tiếp diễn. Do dó, nhà đầu tư nên xem xét chốt lời và giảm tỷ trọng danh mục tại các cổ phiếu đã tăng cao nhưng vẫn có thể xem xét lướt tại những cổ phiếu có mô hình kỹ thuật tốt.

Đối với thị trường CK phái sinh, tuần qua đã ghi nhận một tuần giao dịch trầm lặng hơn mang tâm lý do dự. Điểm nhấn đặc biệt là basis tuần qua tiếp tục thu hẹp trong những phiên giao dịch gần hết tuần lễ. Điểm nhấn tuần qua là dường như cả bên mua và bên bán đều không thể giành được quyền kiểm soát thị trường khi hiện tượng đảo trụ trong VN30 liên tục luân phiên và khá co giật. So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua không có nhiều xáo trộn. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đang ở ngưỡng trung bình khá, đạt 139.729 hợp đồng.

2. Chứng khoán thế giới đan xen nhiều màu sắc

Thị trường chứng khoán Mỹ biến động khá nhiều trong tuần qua. Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.903 điểm (tăng 0,39%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 26.026 điểm (giảm 0,02%), và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.595 điểm (tăng 0,9%).

[Điểm nóng TTCK tuần 25/02 – 03/03] Chứng khoán Việt và TTCK thế giới đan xen nhiều cung bậc cảm xúc - Ảnh 2.

Khối lượng giao dịch của cả thị trường cũng có phần tăng lên. Các dấu hiệu tiến triển trong đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã cải thiện được tâm lý các nhà đầu tư trong lớn tuần. Các cổ phiếu đã tăng vọt sau các tweet của Tổng thống Donald Trump khi ông tuyên bố rằng ông sẽ trì hoãn việc tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc vào ngày 1 tháng 3.

Tuy nhiên, trưởng đoàn đàm phán thương mại Robert Lighthizer cho biết rằng còn nhiều điều vẫn cần phải được thực hiện trước khi có thể đạt được thỏa thuận. Bloomberg đã đưa tin vào chiều thứ Năm, rằng các quan chức Mỹ đang soạn thảo một thỏa thuận mà Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể ký sớm nhất là vào giữa tháng Ba.

Tại châu Âu, thị trường chứng khoán tăng điểm bất chấp các căng thẳng địa chính trị leo thang, ngoại trừ thị trường chứng khoán của Anh giảm điểm do những diễn biến phức tạp của tiến trình Brexit. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.106 điểm (giảm 1%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 11.601 điểm (tăng 1,26%) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.265 điểm (tăng 0,96%).

Tuần qua dữ liệu vĩ mô cho thấy hoạt động sản xuất của khu vực châu Âu tiếp tục yếu đi. Theo IHS Markit, chỉ số các nhà quản lý mua hàng sản xuất của khu vực đồng euro (PMI) trong tháng 2 đã giảm trong tháng thứ bảy liên tiếp và ở dưới mức 50 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 6 năm 2013. Đặc biệt PMI của Tây Ban Nha giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ với chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ởowr21.602 điểm (tăng 0,8%) trong tuần. Đồng yên cũng yếu đi và đứng ở mức 111,71 yên/đô la Mỹ. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong quý 4 tăng 1,4% so với cùng kỳ. Chi tiêu tiêu dùng và kinh doanh tăng lên bất chấp áp lực từ các yếu tố bất lợi như kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và tranh chấp thương mại Mỹ-Trung Quốc. Tuy nhiên một thông tin đáng lưu ý trong tuần qua là khoản nợ của chính phủ Nhật Bản đã vượt quá 1.100 nghìn tỷ Yên (khoảng 10 nghìn tỷ USD), mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc tuần qua tăng điểm khá tích cực vào đầu tuần nhờ các thông tin tích cực từ đàm phán thương mại với Mỹ. Mặc dù sau đó thị trường bị giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ 5 nhưng cũng không gây ảnh hưởng quá nhiều.

Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.994 điểm (tăng 6,78%) và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 28.812 điểm (giảm 0,01%). MSCI tuần qua cũng tuyên bố sẽ tăng gấp bốn lần trọng số của cổ phiếu Trung Quốc trong các rổ chỉ số chứng khoán toàn cầu. Quyết định của MSCI, dự kiến ​​sẽ tăng cường dòng vốn đầu tư vào Trung Quốc thêm hàng chục tỷ đô la Mỹ.


Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên