MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 27/08 - 31/08] Chứng khoán Việt và TTCK thế giới cùng tăng điểm

Chứng khoán Việt Nam thận trọng trước ngưỡng 1.000 điểm, trong khi thị trường thế giới bùng nổ bất chấp dấu hiệu trở lại của chiến tranh thương mại.

1. Thận trọng trước ngưỡng cửa 1.000 điểm

Mặc dù quá nửa những phiên giao dịch trong tuần qua giữ được sắc xanh, song những gì diễn ra trên bảng điện tử cho thấy một phong cách chậm rãi khi VN-Index tiến dần tới mốc 1.000 điểm – mốc tâm lý quan trọng của thị trường.

Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8 đã kết thúc với sắc đỏ khi chỉ số này lần đầu trở lại mốc 1.000 điểm dù ngay sau đó đã bị dìm về dưới 990 điểm. Tuy nhiên chốt tuần giao dịch, VN-Index vẫn giữ được sắc xanh với mức tăng hơn 2 điểm (tương đương 0,25%) so với cuối tuần trước. HNX-Index cũng tương tự khi ghi nhận mức tăng hơn 1 điểm, tương đương 1,05%.

[Điểm nóng TTCK tuần 27/08 - 31/08] Chứng khoán Việt và TTCK thế giới cùng tăng điểm - Ảnh 1.

Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây

Những phiên giao dịch tăng giảm đan xen trong tuần với biên độ hẹp, cùng thanh khoản tăng dần khi VN-Index tiến gần mốc 1.000 điểm là những nét đặc trưng dễ thấy trong tuần vừa qua. Tuy trong tuần cuối cùng của tháng chỉ số đại diện cho HSX đã không chinh phục thành công ngưỡng tâm lý quan trọng nhưng tháng 8 vẫn ghi nhận sự trở lại mạnh mẽ của kênh đầu tư này.

Tính trung bình cả tháng, VN-Index tăng gần 3,5% với hơn 70% số phiên giao dịch giữ được sắc xanh. Cả tháng chỉ có 7 phiên VN-Index kết thúc trong sắc đỏ. Dòng tiền cũng có dấu hiệu trở lại khi thanh khoản những phiên cuối tháng dễ dàng vượt mốc 5.000 tỷ đồng. Tính chung cả tháng sàn HSX giao dịch với quy mô gần 83.000 tỷ đồng, đây cũng là mức cao nhất trong ba tháng gần đây và cũng là lần đầu tiên, thanh khoản của tháng chấm dứt đà giảm kéo dài từ khi VN-Index mất đỉnh 1.200 điểm.

Tâm điểm của thị trường, vẫn nằm ở nhóm tài chính, dầu khí, bất động sản, tuy nhiên có sự phân hóa khá mạnh ngay trong từng nhóm ngành.

Sự phân hóa trong dòng Bank có thể thấy rõ qua mức độ tăng của một số cổ phiếu chủ chốt. Trong khi VPBank, TPBank, SHB hay Techcombank vẫn giao dịch không mấy nổi trội, thì BID và CTG chứng kiến đà tăng mạnh. Trên thị trường xuất hiện nhiều đồn đoán về thương vụ phát hành riêng lẻ giữa BID và một ngân hàng của Hàn Quốc. Mặc dù tin đồn này đã xuất hiện từ cuối năm trước nhưng tính xác thực lần này có phần cao hơn.

Ở phân khúc dưới, nhóm peny hay midcap cũng có một số cái tên đáng chú ý. Cổ phiếu SRA của CTCP Sara Việt Nam là cái tên đáng chú ý nhất thị trường khi cổ phiếu này tăng hơn 5,5 lần trong tháng 8. Đầu tháng, thị giá cổ phiếu SRA chỉ hơn 11.000 đồng thì đến cuối tháng đã tăng lên gần 64.000 đồng. Thanh khoản của cổ phiếu này cũng tăng mạnh với hơn 1,6 triệu cổ phiếu được sang tay. Tuy nhiên, không nhiều lý do từ yếu tố nội tại ủng hộ đợt tăng giá này.

Trên thị trường phái sinh, sau những giai đoạn đáng chú ý hồi tháng 5 và 6, thị trường phái sinh hiện đã có sự chững lại đáng kể. Là một thị trường hoạt động dựa trên sự chênh lệch từ thị trường cơ sở, thị trường phái sinh sẽ giảm dần sức hút khi biên độ giao động trong phiên không quá cao. Bên cạnh đó, dấu hiệu cho sự phục hồi trở lại của VN-Index khiến thị trường cơ sở trở nên sôi động hơn. Nhà đầu tư đã chờ đợi đủ lâu để một lần nữa nhìn thấy VN-Index trở lại mốc 4 con số và không ai muốn là người nhỡ tàu.

2. Chứng khoán thế giới tăng điểm bất chấp chiến tranh thương mại

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm vững chắc trong tuần, với hầu hết các chỉ số chính tăng lên mức cao nhất mọi thời đại. Chỉ số Nasdaq Composite tăng tốt nhất và vượt qua ngưỡng 8.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử, và kết thúc tuần ở mức 8.109 điểm (tăng 1,5%). Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.901 điểm (tăng 0,59%), và chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.964 điểm (tăng 0,32%). Nhóm các cổ phiếu công nghệ tăng mạnh trong khi nhóm cổ phiếu tài chính tụt dốc.

Trong khi đó, các nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán châu Âu tuần qua dành mối quan tâm tới tiến trình Brexit khi các quan chức nói rằng EU sẵn sàng giữ mối quan hệ gần gũi chưa từng thấy với Anh sau khi quá trình Brexit hoàn tất. Các vấn đề chưa được giải quyết bao gồm sở hữu trí tuệ, bảo vệ dữ liệu và vai trò của Tòa án Tư pháp châu Âu được kỳ vọng sẽ được giải quyết sớm.

Kết thúc tuần, chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.432 điểm (giảm 1,73%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.364 điểm (giảm 0,79%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.406 điểm (giảm 0,9%).

Cùng chiều với thị trường thế giới, thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng điểm tích cực trong tuần qua. Kết thúc tuần, chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 22.865 điểm (tăng 0,76%). Chỉ số TOPIX Index đóng cửa ở 1.735 điểm (tăng 1,11%). Đồng Yên kết thúc tuần ở mức 110,8 yên/ USD.

Doanh số bán lẻ của Nhật Bản đã tăng lên trong tháng qua, đánh dấu tháng tăng thứ 9 liên tiếp. Sự gia tăng tiêu dùng cá nhân đã làm tăng hy vọng của giới đầu tư về tỷ lệ lạm phát mục tiêu 2% của Ngân hàng Nhật Bản (BoJ). Về mặt tiêu cực, tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản tăng lên trong tháng thứ 2 liên tiếp, ở mức 2,5%. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cũng có dấu hiệu chậm lại.

Đi ngược lại với những thị trường chính, thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm điểm trong tuần qua. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.725 điểm (giảm 0,4%) và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 27.888 điểm (giảm 0,46%).

Tình hình chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể trở nên căng thẳng hơn sau khi chính quyền Mỹ đang ráo riết chuẩn bị áp thuế nhập khẩu đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đồng thời, tổng thống Trump lặp lại tuyên bố của mình rằng Trung Quốc đã phá giá tiền tệ của mình để bù đắp cho việc phải trả thuế quan của Mỹ.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên