MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 28/01– 04/02] Thị trường chứng khoán Việt Nam bình ổn cận tết nguyên đán, chứng khoán thế giới tăng đồng thuận

Các cổ phiếu lớn tăng/giảm đan xen, trong khi nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ tăng điểm tốt. Nhà đầu tư tiếp tục tận dụng sự phân hóa để tìm kiếm lợi nhuận từ các cổ phiếu cụ thể, thay vì quá quan tâm đến các chỉ số chung…

1. Chứng khoán Việt Nam bình ổn tuần cận tết nguyên đán

Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua chứng kiến sự đan xen tăng giảm nhịp nhàng, tuy nhiên biến động là không đáng kể. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 908,7 điểm (+0,01%) và HNX-Index chốt phiên ở 103,3 điểm, (+0,05%) so với tuần liền trước.

Với bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới tiếp tục duy trì đà tăng điểm tích cực trong bối cảnh kỳ vọng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ kết thúc cùng việc đón nhận nhiều KQKD khả quan của quý IV/2018. Điều này đã tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư khi thị trường mở cửa các phiên giao dịch đầu tuần trong sắc xanh. Dường như thị trường mở cửa phiên giao dịch đầu tuần trong sắc xanh nhờ lực kéo đến từ các cổ phiếu vốn hóa lớn. Sự dẫn dắt của các cổ phiếu VHM, VIC, MSN đã lan tỏa tích cực ra nhiều cổ phiếu đầu ngành như nhóm ngân hàng, bất động sản – xây dựng, dầu khí… giúp đà tăng của VN-Index được củng cố vững chắc.

Tuy vậy, thị trường vẫn chưa cho thấy sự bứt phá khi dòng tiền ngày càng có dấu hiệu rút dần những ngày cận Tết Nguyên đán khiến chỉ số VN-Index có lúc suy yếu chạm về mốc tham chiếu trong phiên chiều. Những nỗ lực nâng đỡ thị trường của một số cổ phiếu trụ VHM, BVH, MSN, HPG,… đã giúp thị trường đóng cửa giữ được sắc xanh tăng điểm.

Trong những phiên giao dịch tiếp theo, thị trường mở cửa phiên giao dịch với sắc xanh tiếp tục được duy trì. Nhóm ngành ngân hàng vẫn là nòng cốt giúp các chỉ số tăng điểm. Bên cạnh đó sự trở lại của các cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD, PVS, PVB,… cũng là nhân tố thúc đẩy thị trường giao dịch bớt ảm đạm vào những ngày giáp Tết. Tuy nhiên bởi tác động xấu tới từ các bluechips như HPG, VNM,… khiến thị trường không thể bứt phá qua ngưỡng 910 điểm.

Càng về gần cuối tuần, thị trường bước chân vào phiên giao dịch cuối cùng trước khi đón kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán trong tâm lý khá thận trọng. Tương đồng với phiên trước, VN-Index chỉ giữ được sắc xanh trong nửa đầu phiên sáng và sau đó gặp áp lực bán tập trung chủ yếu ở nhóm bluechips khiến chỉ số rơi xuống dưới mốc tham chiếu. Bước sang phiên chiều, thị trường ngày càng ảm đạm do thiếu đi nhóm ngành dẫn dắt đến khi hoạt động cơ cấu danh mục của VFMVN30 ETF đã giúp thị trường sôi động hơn trong những phút cuối phiên. Bên cạnh đó thanh khoản toàn thị trường cũng cải thiện hơn khi tổng giá trị đạt gần 4.000 tỷ đồng nhờ hoạt động giao dịch tích cực về cuối phiên.

Theo quan điểm của các chuyên gia VDSC nhận định, dường như thị trường biến động mạnh do hoạt động cơ cấu rổ VN30. Các cổ phiếu lớn tăng/giảm đan xen, trong khi nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ tăng điểm tốt. Nhà đầu tư tiếp tục tận dụng sự phân hóa để tìm kiếm lợi nhuận từ các cổ phiếu cụ thể, thay vì quá quan tâm đến các chỉ số chung.

Đối với thị trường CK phái sinh, tuần qua đã ghi nhận một tuần giao dịch trầm lặng hơn mang tâm lý do dự. Điểm nhấn đặc biệt là basis tuần qua tiếp tục thu hẹp trong những phiên giao dịch gần hết tuần lễ. Điểm nhấn tuần qua là dường như cả bên mua và bên bán đều không thể giành được quyền kiểm soát thị trường khi hiện tượng đảo trụ trong VN30 liên tục luân phiên. So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua không có nhiều xáo trộn. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đang ở ngưỡng không quá cao, đạt 108.729 hợp đồng.

2. Chứng khoán thế giới tăng mạnh ngoại trừ Ý

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong tuần qua, nhờ hai phiên tăng điểm mạnh vào thứ Tư và thứ Năm. Khối lượng giao dịch trong tuần cũng tăng khi các báo cáo kinh tế và báo cáo thu nhập của các doanh nghiệp quan trọng được công bố. Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.706 điểm (tăng 1,58%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.063 điểm (tăng 1,32%), và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.263 điểm (tăng 1,38%).

Cổ phiếu ngành dịch vụ truyền thông có mức tăng tốt nhất trong tuần qua, tiêu biểu như cổ phiếu Facebook sau khi công ty báo cáo thu nhập quý IV tốt hơn mong đợi. Báo cáo bảng lương hàng tháng vào ngày Thứ Sáu cho thấy thị trường lao động đã tăng thêm gần gấp đôi số lượng việc làm so với dự kiến, mặc dù mức lương vẫn còn khiêm tốn. Tuần qua, Fed đã phát tín hiệu có thể dừng tăng lãi suất vào ngày thứ Tư. Điều này đã khiến các nhà đầu tư đặc biệt vui mừng.

Hầu hết các thị trường chứng khoán châu tăng điểm, tuy nhiên các thông tin kinh tế của khu vực lại không mấy khả quan. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.020 điểm (tăng 3,1%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 11.180 điểm (giảm 0,9%) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.019 điểm (tăng 1,91%). Đồng bảng Anh mất điểm so với đồng đô la Mỹ khi Thủ tướng Anh Theresa May cho biết sẽ tìm cách mở lại các cuộc đàm phán Brexit với Liên minh châu Âu (EU).

Duy chỉ có chứng khoán Ý giảm hơn 1,5% do dữ liệu sơ bộ cho thấy nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái trong nửa cuối năm 2018. Sự suy giảm xảy ra sau khi chi phí vay của chính phủ tăng mạnh và sự không chắc chắn về chính trị do bất đồng giữa chính phủ với EU về kế hoạch ngân sách. Trong khi đó cơ quan thống kê EU báo cáo rằng nền kinh tế khu vực đồng euro tăng 1,8% trong năm 2018, tốc độ yếu nhất trong bốn năm qua. Nền kinh tế khu vực bị ảnh hưởng xấu bởi xuất khẩu chậm lại, các cuộc biểu tình ở Pháp và tồn đọng hàng tồn kho lớn của ngành ô tô Đức do các yêu cầu khắt khe hơn về khí thải.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản tuần qua không có biến động đáng kể với chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 2.788 điểm (tăng 0,07%), đồng Yên đứng ở mức 109,11 Yên/đô la Mỹ. Xuất khẩu, chiếm khoảng 17% tổng sản phẩm quốc nội Nhật Bản, đã giảm 3,8% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước.

Chính phủ Nhật Bản đã giải thích rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây ra sự yếu kém trong xuất khẩu. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là thiết bị sản xuất chất bán dẫn và hàng điện tử đến Trung Quốc do nhu cầu về điện thoại thông minh chậm lại. Hầu hết các nhà kinh tế tin rằng nền kinh tế Nhật Bản sẽ chậm lại trong năm 2019.

Còn tại Trung Quốc, thị trường chứng khoán tăng điểm nhẹ trong tuần qua khi thị trường hy vọng về một thỏa thuận thương mại khả thi với Mỹ bù đắp cho lo ngại từ chỉ số sản xuất tư nhân đã giảm xuống mức tồi tệ nhất kể từ năm 2016. Trong tuần, Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.618 điểm (tăng 0,65%), và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 27.930 điểm (tăng 1,31%).

Chỉ còn một tháng nữa để kết thúc đàm phán trước khi Mỹ chính thức tăng thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Hôm thứ Năm, Tổng thống Trump nói rằng ông sẽ gửi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đến Trung Quốc vào giữa tháng Hai cho vòng đàm phán tiếp theo. Nếu cả hai bên không đạt được thỏa thuận trước ngày 1 tháng 3, chính quyền Trump tuyên bố sẽ tăng thuế lên 25% đối với 200 tỷ đô la hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.

Trong khi đó chỉ số Caixin PMI về sản xuất tư nhân đã giảm xuống mức 48.3 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2016. Các nhà nghiên cứu đánh giá khi chỉ số giảm xuống dưới 50 điểm là dấu hiệu của hoạt động sản xuất đã bị thu hẹp.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên