[Điểm nóng TTCK tuần 28/08 - 03/09] Chứng khoán Việt bùng nổ vơi VIC và BID, TTCK thế giới hồi phục trong dè dặt
Thị trường chứng khoán thế giới tuần qua đang dần hồi phục mặc dù cũng có một vài biến động giữa tuần xung quanh việc phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên ở miền bắc Nhật Bản trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một tuần giao dịch khá “tích cực” khi nhóm ngân hàng và các bluechips tiếp tục dẫn dắt thị trường tiến lên phía trước.
- 02-09-2017Cổ phiếu nào sinh lợi nhiều nhất cho NĐT trong tháng 8?
- 01-09-2017Khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 100 tỷ đồng, VnIndex bật tăng gần 6 điểm trong phiên cuối tuần
- 01-09-2017Không ngoài dự báo, FTSE Vietnam Index thêm PLX vào rổ chỉ số trong đợt review quý 3
TTCK Việt Nam tuần qua diễn ra nhịp tăng tích cực
Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy trạng thái dòng tiền đang quay trở lại tích cực hơn ở các nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng nhiều mã vốn hóa lớn, bên cạnh đó cũng duy trì tích cực ở nhóm thép và có sự luân chuyển tốt ở nhóm bất động sản. VN-Index và VN30-Index cho thấy đều đã kiểm tra thành công kháng cự ngắn hạn tại lần lượt 785 và 772-773 điểm.
Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 788,73 điểm, tăng 17,1 điểm (+2,21%) và HNX–Index chốt phiên ở 103,81 điểm, tăng 1,17 điểm (+1,1%) so với tuần liền trước. Nhịp hồi phục lần này cho thấy có vẻ dường như VN-Index đang tiếp tục tăng và tiến đến đỉnh từ đầu năm. Chỉ số VN-Index tăng nhờ các mã bluechip ngành ngân hàng, bia rượu và một số mã có câu chuyện đặc biệt. Chính những mã này đã tham gia vào việc giúp thị trường đóng cửa phiên cuối tuần vượt mốc tâm lý 780 điểm.
Đặc biệt trong tuần không thể không nhắc tới là bất ngờ có phần khiến các nhà đầu tư “sửng sốt” đến từ phiên ATC ngày đầu tuần 29/08. Bước vào phiên giao dịch, áp lực bán gia tăng ngay từ đầu phiên và xuyên suốt đến cuối phiên. Với các đặt lệnh bán mạnh mẽ trong phiên ATC, “thủ phạm” được cho là đến từ quỹ ETF, có thể là VanEck Vectors Vietnam ETF (V.N.M ETF), bởi những cổ phiếu bị bán trong phiên ATC đều thuộc danh mục của quỹ ETF này. Nguyên nhân là do thông tin hiện tại quỹ này đang bị rút chứng chỉ quỹ và đã giao dịch ở trạng thái discount liên tục. Việc CCQ bị rút cũng có thể là do một phần tác động bởi tình hình căng thẳng chính trị của một số nước trên thế giới. Các lệnh bán mạnh ATC dồn dập xuất hiện ở các mã bluechip như HPG, SSI, STB, VCG, MSN đã có lúc khiến VN-Index dự kiến giảm sâu tuy nhiên sau khi được bên mua “cân” trở lại thì tới chốt phiên, VN-Index chỉ giảm 3,23 điểm.
Một điểm đáng chú ý tuần qua chính là việc cổ phiếu VIC (Tập đoàn Vingroup) được khối ngoại đẩy giá, đưa VIC lên tới mức giá cao nhất tính từ khi niêm yết .Phiên bùng nổ vào ngày 30/08, cổ phiếu này đã nhận được lực cầu đột biến từ khối ngoại với hơn 800 nghìn đơn vị, trong khi tổng khối lượng khớp lệnh toàn phiên chỉ là 1,6 triệu. Nhờ đó, VIC vọt tăng hơn 6,8% lên tới 49.200 đồng/cổ phiếu, đây là mức giá cao nhất của cổ phiếu này tư khi niêm yết. Chốt tuần, cổ phiếu này chốt lại ở mức giá 49.400 đồng/cổ phiếu.
Nhóm ngân hàng đã có những diễn biến hồi phục tích cực từ những phiên giao dịch gần cuối tuần trở đi nhưng việc cổ phiếu BID có dòng tiền vào đẩy lên giá trần vẫn là một bất ngờ lớn của phiên 31/08. Lí giải cho hiện tượng BIDV đang thu hút được sự quan tâm của thị trường có lẽ phải nhắc tới thông tin giới đầu tư hiện đang đồn đoán về việc ngân hàng này sẽ bán cổ phần cho đối tác Hàn Quốc thời gian sắp tới đây.
Bên cạnh đó, phiên chốt cuối tuần ngày 01/09 cũng cho thấy dòng tiền đang đổ vào nhóm bluechips, khối ngoại mua ròng thống kê lên tới 114 tỷ đồng. Có vẻ như khối ngoại dồn dòng tiền vào các cổ phiếu có vốn hóa lớn như VNM, HPG, VIC, BID và GAS trên HOSE. Trên HNX, hoạt động vẫn khá nhỏ giọt, bên mua tập trung vào 3 cổ phiếu chính là HUT, SHB và VCG.
Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều có sự đồng thuận tăng “tích cực” về điểm số trong phiên cuối tuần. Điều đó cho thấy nhà đầu tư đang dần bớt bi quan vào triển vọng tương lai và chấp nhận nâng giá kỳ vọng lên cao hơn thực tế. Bên cạnh đó việc điểm số tăng đi cùng với thanh khoản và cả lực mua mạnh có lẽ đều là những dấu hiệu tích cực về xu hướng, phản ánh mức độ tự tin của thị trường PS đã gia tăng đáng kể.
TTCK thế giới trải qua một tuần hồi phục trong “dè dặt”
Tại Mỹ, thị trường cổ phiếu tăng giá nhẹ khi báo cáo việc làm ảm đạm của Mỹ đã làm chững lại kỳ vọng nâng lãi suất thêm lần nữa trong năm nay. Cụ thể, tăng trưởng việc làm của Mỹ thấp hơn nhiều so với dự báo trong tháng 8 sau khi tăng mạnh 2 tháng liên tiếp. Tuần qua, Dow Jones tăng 39,46 điểm (+0,18%), S&P 500 Index tăng 4,9 điểm (+0,2%) và NASDAQ Composite tăng 6,67 điểm (+0,1%).
Những phiên giao dịch cuối tuần, có vẻ như nhóm ngành năng lượng và nguyên vật liệu là 2 lĩnh vực dẫn đầu đà tăng trong khi thiên tai “trận bão Harvey” đã khiến các cổ phiếu của ngành vận tải, hàng không Mỹ giảm điểm khá tồi tệ trong tuần qua.
Tại Anh, chỉ số chứng khoán FTSE 100 của Anh hầu như đi ngang từ đầu tháng 6 tới nay. Trong tuần trước, chỉ số này chỉ biến động 0,28% và đóng cửa ở mức 7447,21 điểm. Lí giải cho nguyên nhân trên là do vòng đàm phán thứ ba mới nhất của tiến trình Brexit kết thúc bằng một thông báo gay gắt, khi cả hai bên thậm chí không thể đồng ý về việc liệu có tiếp tục đàm phán nữa hay không. Ông David Davis, thư ký Brexit của Anh cho biết có một vài tiến bộ cụ thể đã được thực hiện trong khi đại diện Michel Barnier của Liên minh châu Âu cho biết cuộc đàm phán không hề có tiến bộ nào. Triển vọng kinh tế hậu Brexit của Anh vẫn khá mơ hồ tính đến thời điểm này.
Tại Châu Âu, nổi bật nhất là chỉ số chứng khoán OMX Copenhagen 20 của Đan Mạch đã liên tục tăng điểm trong tuần qua, từ 1013,98 điểm trong phiên ngày thứ hai lên 1026,06 điểm vào ngày chốt phiên cuối tuần. Nguyên do đến từ việc chính phủ nước này đang có đề suất “cắt giảm thuế”. Theo Bộ trưởng Tài chính Kristian Jensen, Đan Mạch đang đề xuất mức cắt giảm thuế thu nhập tương đương là 3,7 tỷ đô la để khuyến khích người dân làm việc và tiết kiệm cho hưu trí. Với thông tin tích cực đó, TTCK nước này đã liên tục có những chuỗi ngày tăng điểm.
Tại châu Á, việc Triều Tiên bất ngờ phóng tên lửa đã khiến thị trường cổ phiếu 2 nước Hàn Quốc và Nhật Bản đã bị bán ra mạnh vào giữa tuần do lo ngại căng thẳng gia tăng. Ảnh hưởng nặng nề nhât là chỉ số Kospi 200 của Hàn Quốc giảm tới 3% trong phiên giao dịch thứ tư, trong khi các chỉ số khác tại châu Á như Nikkei 225 của Nhật Bản và Hang Seng Index của Trung Quốc có mức biến động thấp hơn chút.