[Điểm nóng TTCK tuần 30/07 - 05/08]: Chứng khoán Việt nối dài sắc xanh, TTCK thế giới tăng giảm trái chiều
Xu thế phục hồi trong ngắn hạn tiếp tục được nối dài, tuy nhiên động thái bán ròng trở lại của khối ngoại trong những phiên cuối tuần có thể ảnh hưởng phần nào đến tương lai thị trường…
Chứng khoán Việt nối dài sắc xanh
Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường đã có một tuần giao dịch khởi sắc, tiếp nối đà tăng của tuần giao dịch trước đó.
Chốt tuần, VN-Index đóng cửa ở ngưỡng 959,6 điểm (tăng 2,8% so với cuối tuần trước), đánh dấu tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, HNX-Index chốt phiên ở mức 106,24 điểm (giảm 1,3%).
Đi theo xu hướng tích cực, thị trường trong tuần qua khá đồng thuận khi chỉ số đại diện cho sàn HoSE giữa sắc xanh 4/5 phiên trong tuần. Tuy nhiên, chỉ có phiên đầu tuần mức tăng đạt tới 2 con số, còn cả 4 phiên còn lại, nhìn chung thị trường vẫn diễn ra trong trạng thái giằng co. Sắc xanh, nếu có, cũng chỉ ghi nhận mức tăng vài điểm.
Biến động VN-Index trong 3 tháng
Đầu tuần là thời gian cuối cùng các doanh nghiệp phải công bố báo cáo tài chính bán niên trước kiểm toán, thị trường hướng sự chú ý vào những cái tên lớn trong nhóm bluechip. Vinhomes, Vingroup, Vietjet và một số doanh nghiệp khác đều ghi nhận sắc xanh sau khi công bố báo cáo với con số lợi nhuận tăng mạnh. Một số mã ngân hàng cũng thu hút được sự chú ý trở lại nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc.
Ở nhóm vốn hóa trung bình (midcap), dòng tiền vẫn có sự phân hóa mạnh và tập trung chọn lọc vào một số mã chính. Bộ đôi HAG, HNG thu hút được sự chú ý khi tiếp tục duy trì đà tăng. Đến cuối giờ chiều ngày thứ Sáu, những tin đồn trước đó về hai mã cổ phiếu này đã được phơi bày với nghị quyết HĐQT của HAGL Agrico về việc phân phối trái phiếu chuyển đổi cho Thaco. Theo đó, công ty gắn với tên tuổi của ông Trần Bá Dương sẽ chi ra khoảng 2.200 tỷ đồng để mua 221.688 trái phiếu chuyển đổi công ty nông nghiệp của Bầu Đức.
Tuy nhiên, sau hiệu ứng BCTC quý II đã kết thúc ngày 31/7, thị trường dường như rơi vào khoảng trống thông tin khi các tin tức hỗ trợ đã cạn. Giao dịch bước vào giai đoạn giằng co với biên độ của chị số giữa giá mở - đóng cửa thu hẹp chỉ còn vài điểm.
Một điểm không mấy tích cực trong thời gian này là khối ngoại đã trở lại bán ròng mạnh trong 2 phiên cuối tuần. Biến động phức tạp của tỷ giá gần đây, cộng với những rủi ro từ tình hình tài chính quốc tế khiến dòng tiền có xu hướng rút ngược ra khỏi thị trường. Trong hai ngày cuối tuần, tỷ giá trên thị trường ngân hàng đã chạm đỉnh biên độ +3% so với tỷ giá trung tâm, trong khi đó thị trường tự do giao dịch đồng bạc xanh vượt 23.500 đồng.
Mặc dù việc bán ròng không phải là mới xuất hiện, tuy nhiên trong bối cảnh thị trường giằng co, thiếu vắng tin tức hỗ trợ, điều này có thể là tín hiệu không tốt trong ngắn hạn.
Đối với thị trường CK phái sinh, tuần qua đã ghi nhận một tuần giao dịch trầm lắng hơn. Tuy nhiên các vị thế chủ yếu đến từ long được ưu tiên hơn cả. Rung lắc trong những phiên của tuần là không thể tránh khỏi trong sự giằng co đi ngang của chỉ số VN30 trong vùng kháng cự ngắn hạn trong khoảng 920-950.
Dường như tâm lý tích cực được thể hiện rõ bởi tổ hợp các nến thể hiện sự giằng co kéo dài tuy nhiên với khối lượng giao dịch cải thiện, độ biến động có xu hướng tăng trở lại, trong khi chỉ báo sức mạnh xu hướng có dấu hiệu chững và giảm dần. Điều này có thể sẽ khiến rung lắc nhẹ tái diễn trong phiên đầu tuần tới.
So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự sụt giảm đáng kể. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 91,036 hợp đồng (giảm gần 38,1% so với tuần liền trước).
Thị trường chứng khoán thế giới tăng giảm trái chiều
Các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng tích cực trong tuần khi cổ phiếu Apple vươn lên dẫn đầu trong ngành công nghệ thông tin trong một thời gian ngắn. Các cổ phiếu vốn hóa trung bình tăng tốt nhất trong các nhóm cổ phiếu. Thị trường được hỗ trợ tốt bởi báo cáo kinh doanh quý 2 tích cực của doanh nghiệp và dữ liệu kinh tế vĩ mô thuận lợi. Theo báo cáo mới nhất, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 157.000 việc làm trong tháng 7, và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,9%, đồng thời thu nhập trung bình của người lao động tăng 2,7%.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed đánh giá nền kinh tế Mỹ đang rất vững chắc và thị trường đang kỳ vọng lãi suất sẽ được Fed nâng thêm 0,25% vào tháng tới. Sự leo thang của chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dường như có không có nhiều tác động đến thị trường chứng khoán Mỹ. Kết thúc tuần, chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.840 điểm (tăng 0,74%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.462 điểm (tăng 0,09%), và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.812 điểm (tăng 1%).
Tại châu Âu, thị trường chứng khoán đa phần giảm điểm trong tuần qua khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến các nhà đầu tư lo ngại sẽ ảnh hưởng tới châu Âu. Kết thúc tuần, chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.615 điểm (giảm 1,61%), chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.659 điểm (giảm 0,55%) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.478 điểm (giảm 0,22%).
Dữ liệu kinh tế vĩ mô của Châu Âu được công bố tuần qua cũng có những tín hiệu trái chiều. Lạm phát khu vực Eurozone tăng cao hơn dự kiến, nhưng GPD quý 2 đã không đạt kỳ vọng. Tỷ lệ thất nghiệp không thay đổi ở mức 8,3%. Trong khi đó Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã nâng lãi suất ngắn hạn từ 0,50% lên 0,75% vào cuối tuần.
Tương đồng với châu Âu, thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm điểm trong tuần. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở mức 22,525 điểm (giảm 0,83%) và chỉ số TOPIX Index đóng cửa ở 1.742 điểm (giảm 1,58%). Đồng Yên kết thúc tuần ở mức 111,6 Yên /USD. Khả năng Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình tại cuộc họp ngân hàng trung ương trong tuần này đã tạo ra sự biến động trong lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản (JGB).
Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm điểm mạnh trong tuần. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.740 điểm (giảm 4,58%), và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 27.676 điểm (giảm 3,34%). Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục giảm tuần thứ tám liên tiếp do căng thẳng thương mại với Mỹ không có dấu hiệu suy giảm, gây lo ngại cho giới đầu tư rằng rạn nứt sâu sắc sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc.
Hôm thứ Sáu, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã phải có động thái can thiệp lên thị trường bằng cách nâng mạnh yêu cầu dự trữ của một sản phẩm ngoại hối phái sinh. Động thái này báo hiệu mối lo ngại của POBC về sự suy yếu kéo dài của Nhân dân tệ có thể thúc đẩy dòng vốn rút ra khỏi Trung Quốc và có thể gây mất ổn định cho nền kinh tế Trung Quốc.