Điểm sáng của cổ phiếu ngân hàng
TPBank được nhận định là một trong số ít ngân hàng không chịu nhiều áp lực huy động khi nâng lãi suất, nhằm đảm bảo tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, lợi thế tiên phong về ngân hàng số giúp nhà băng này mở rộng tệp khách hàng bền vững và phát triển mảng bán lẻ.
Kết phiên 5/5, cổ phiếu TPB của TPBank (HoSE: TPB) là mã duy nhất tăng trần trong nhóm ngân hàng, trong khi các cổ phiếu khác tăng 1-3% và một số giảm điểm. Đây là phiên đầu tiên sau chuỗi giảm chung của thị trường, nhà đầu tư được thấy lại "ánh tím" với cổ phiếu ngân hàng.
Trong áp lực bán tháo từ đầu tháng 4, phần lớn cổ phiếu trên thị trường đều lao dốc. VN-Index giảm 15% và nhiều mã giảm 15-20%, một số 30-40%. Dù vậy, diễn biến này cũng mang đến cơ hội cho nhà đầu tư để lựa chọn và tìm kiếm các cổ phiếu của ngân hàng, doanh nghiệp tốt với mức giá rẻ hơn, hợp lý hơn cho mục tiêu trung và dài hạn.
Nhóm ngân hàng luôn là một trong những lựa chọn được công ty chứng khoán, bộ phận phân tích khuyến nghị tới nhà đầu tư. Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, dẫn dắt cung cấp vốn cho các lĩnh vực khác hồi phục, sự phát triển của ngân hàng gắn liền với tăng trưởng của quốc gia.
Giữa đại dịch Covid, ngân hàng là một trong số ít ngành giữ được đà tăng bởi nhiều chiến lược khác nhau, dù vẫn song song hỗ trợ giúp đỡ doanh nghiệp, người dân và đối mặt với nguy cơ nợ xấu tăng.
Trên thị trường chứng khoán, nhóm ngân hàng cũng là số ít ngành có mức giảm thấp so với mặt bằng chung, tương đương chỉ số và có thể hồi phục khi tâm lý thị trường ổn định. Những cổ phiếu triển vọng sẽ có cơ hội hồi phục cao.
Diễn biến với cổ phiếu TPB là hy vọng cho nhóm ngân hàng. Nhìn lại thời gian gần 1 năm qua, khi phần lớn các cổ phiếu ngân hàng đi ngang, TPB vẫn nằm trong xu hướng tăng giá nhờ triển vọng lợi nhuận và hệ số sinh lời vượt trội trong ngành.
Năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 8.200 tỷ đồng, tăng 36% so với năm trước - con số tăng trưởng ở nhóm đầu trong hệ thống. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 22,41%, tiếp tục dẫn đầu. Ngân hàng sẽ chú trọng nâng cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) nhằm giảm chi phí vốn, tăng biên lãi thuần để nâng hiệu quả kinh doanh và tăng cường kiểm soát, thu hồi, xử lý nợ xấu.
Ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 20% so với cuối năm 2021, đạt 350.000 tỷ đồng. Tổng huy động tăng 13% lên 292.579 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá dự kiến đạt 201.212 tỷ đồng, tăng 15%.
Trước tương lai lãi suất sẽ tăng trở lại trong năm nay, các ngân hàng đối mặt với việc chi phí vốn nâng lên và gặp áp lực tăng trưởng huy động để mở rộng tín dụng. Tuy nhiên, TPBank là số ít ngân hàng ngoại lệ. Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định TPBank ít phải đối mặt với áp lực huy động hơn để tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2022. Theo kế hoạch tín dụng và huy động, BVSC cho rằng ngân hàng đang hướng tới việc tối ưu hóa hệ số LDR đang ở mức thấp (58,2% so với giới hạn 85%) để hỗ trợ NIM năm 2022. Triển vọng NIM cũng tích cực hơn nhờ mục tiêu của ngân hàng, tăng CASA hơn nữa và kiểm soát chặt chẽ chất lượng các khoản vay.
Đồng quan điểm, Chứng khoán VNDirect đề cập lãi suất tiền gửi tăng đến từ rủi ro lạm phát và sự cạnh tranh giữa các kênh đầu tư sẽ làm ảnh hưởng đến biên lãi thuần của các ngân hàng nói chung. Tuy vậy, TPBank có thể phần nào đối phó được, nhờ tiềm năng tăng trưởng CASA, tỷ lệ cho vay khách hàng cá nhân ở mức vừa phải (48%) và tỷ lệ LDR thấp. Ngoài ra, TPBank có thể giảm áp lực trích lập dự phòng trong năm 2022-2023 nhờ vào chất lượng tài sản tốt.
Kế hoạch dư nợ cho vay và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của TPBank là 188.800 tỷ đồng (tăng 28%- PV). Tuy nhiên chỉ tiêu này cần sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Riêng quý I, tăng trưởng tín dụng đạt 10,6%. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến duy trì không quá 1,5%, tỷ lệ an toàn vốn trên 12%.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của TPBank được đánh giá là khả quan trong bối cảnh ngân hàng này đang đáp ứng vượt một số yêu cầu của ngân hàng Nhà nước về an toàn vốn. Năm trước, TPBank là nhà băng Việt Nam đầu tiên đạt tiêu chuẩn Basel III, hiệp ước về an toàn vốn của quốc tế. Điều này cho thấy sự phòng vệ rủi ro và đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe hơn của TPBank về an toàn vốn và hệ số CAR. Đây có thể xem là một yếu tố giúp ngân hàng được cấp "room" tín dụng cao hơn so với mặt bằng chung.
Theo Chứng khoán VNDirect, TPBank được kỳ vọng đạt tăng trưởng tín dụng cao hơn so với toàn ngành là 22%/20% trong giai đoạn 2022-2023 dựa trên tỷ lệ an toàn vốn cao của ngân hàng (hiện quanh 14%) trong khi với ngành là 9-12%.
Mặt khác, TPBank cũng tái khẳng định phát triển cả chất và lượng cơ sở khách hàng, tận dụng cơ hội bán chéo và qua đó, thúc đẩy tăng trưởng thu nhập ngoài lãi hơn nữa. Ngân hàng từng đặt mục tiêu tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) năm 2022 tăng nhẹ lên 35% từ mức thấp năm 2021 là 33,8% do ngân hàng thu được lãi khá lớn từ chứng khoán đầu tư; và cắt giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận, trong bối cảnh khó khăn do Covid-19. Quý I, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 14%.
Theo BVSC, với cơ bản vững chắc của TPBank, bao gồm: nền tảng vốn tốt, sức mạnh thanh khoản, cải thiện chất lượng tài sản, mở rộng cơ sở khách hàng dựa trên lợi thế của đi đầu trong lĩnh vực ngân hàng số, ngân hàng có triển vọng tăng trưởng đầy hứa hẹn.