Điểm sáng hiếm hoi New Zealand: 100 ngày 'sạch' COVID-19
Ngày 9/8, New Zealand bước sang ngày thứ 100 không ghi nhận ca lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong cộng đồng. Đây là một điểm sáng hiếm hoi trên thế giới trong khi nhiều nước đang chật vật đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai, thứ ba, thậm chí chưa kiểm soát được làn sóng lây nhiễm thứ nhất.
- 02-07-2020Bộ trưởng Y tế New Zealand từ chức do vi phạm quy tắc về Covid-19
- 29-06-2020Reuters: Tại sao cùng kiểm soát được Covid-19 mà du lịch New Zealand vẫn chật vật trong khi du lịch Việt Nam có thể hồi phục nhanh chóng?
- 23-06-2020Đại sứ New Zealand thưởng thức táo và kiwi của đất nước mình ngay tại VinMart
Hiện cuộc sống gần như đã trở lại bình thường với 5 triệu dân tại New Zealand. Giờ đây, người dân đảo quốc Nam Thái Bình Dương có thể đến các quán bar, nhà hàng hoặc tham gia các sự kiện thể thao và văn hóa. Tuy nhiên, nhà chức trách New Zealand duy trì kiểm soát biên giới chặt chẽ và tất cả những người nhập cảnh nước này phải cách ly 14 ngày.
Đến nay, New Zealand ghi nhận tổng cộng hơn 1.500 ca mắc COVID-19 và 22 ca tử vong kể từ khi thông báo ca mắc đầu tiên ngày 28/2 vừa qua. Ca lây nhiễm trong cộng đồng gần đây nhất được xác nhận tại nước này vào ngày 1/5. Trong hơn 3 tháng qua, New Zealand chỉ ghi nhận những ca mắc mới là những người trở về nước và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Trước đó, Chính phủ New Zealand đã sớm triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Ngay cả khi chưa xác nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên, New Zealand nhanh chóng thông báo áp đặt hạn chế nhập cảnh đối với các du khách đến từ một số nước bùng phát dịch như Trung Quốc đại lục, Iran... để phòng virus lây lan.
New Zealand cũng quyết định không miễn trừ áp dụng hạn chế nhập cảnh nước này đối với các sinh viên nước ngoài đến từ Trung Quốc. Bộ trưởng Y tế David Clark cũng chỉ thị tăng cường sự hiện diện của các nhân viên y tế tại các sân bay tại New Zealand để kiểm tra sức khỏe của các hành khách trên các chuyến bay thẳng từ Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan tới nước này. New Zealand yêu cầu mọi công dân nhập cảnh nước này từ ngày 15/3 (giờ địa phương) phải tự cách ly trong 14 ngày để ngăn đà lây lan của virus SARS-CoV-2.
Cuối tháng 3 vừa qua, khi có 100 người tại New Zealand có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nước này đã áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, giúp cắt đứt chuỗi lây nhiễm.
Ngày 21/3, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố nước này hiện ở cấp độ báo động 2 trong hệ thống cảnh báo mới triển khai nhằm ứng phó với dịch COVID-19. Theo đó, chính phủ yêu cầu người dân hạn chế tiếp xúc, tăng cường các biện pháp kiểm tra biên giới, hủy bỏ các sự kiện, cũng như những chuyến đi không cần thiết, trong khi những người trên 70 tuổi được yêu cầu ở nhà càng nhiều càng tốt.
Ngày 25/3, chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trước tình hình dịch COVID-19 có dấu hiệu diễn biến phức tạp tại nước này. Lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước New Zealand kéo dài 4 tuần có hiệu lực từ ngày 26/3.
Nhờ đó, đến đầu tháng 4, tình hình dịch bệnh đã có dấu hiệu cải thiện với số ca mắc mới trong ngày giảm dần. Các lệnh phong tỏa toàn quốc và khẩn cấp quốc gia sau đó được gia hạn một vài lần nhằm chặn đứng dịch bệnh.
Thủ tướng Ardern ngày 27/4 tuyên bố nước này đã ngăn chặn thành công tình trạng lây lan rộng của dịch COVID-19 trong cộng đồng và bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa từ đêm 27/4. Ngày 4/5, giới chức y tế New Zealand thông báo nước này lần đầu tiên không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 nào kể từ ngày 16/3.
Sau đó, New Zealand áp dụng chính sách nới lỏng hạn chế một cách hết sức thận trọng. Tuy một số hoạt động kinh tế đã được phép vận hành trở lại, nhưng một số biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội vẫn được duy trì với việc hàng triệu công dân New Zealand tiếp tục làm việc và học tập từ nhà.
New Zealand cũng từng để ngỏ khả năng cho phép đi lại giữa nước này với các bang và vùng lãnh thổ riêng biệt của quốc gia láng giềng Australia, nhưng với điều kiện các hạn chế đi lại giữa các bang của Australia được thực thi nghiêm ngặt. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh tại bang Victoria của Australia, Chính phủ New Zealand tuyên bố kế hoạch đi lại “nội khối” giữa New Zealand và Australia sẽ bị hoãn ít nhất vài tháng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá New Zealand là hình mẫu chống dịch nhờ thành công trong công tác ngăn chặn các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Lý giải về thành công của New Zealand, Giáo sư Michael Baker, nhà nghiên cứu dịch bệnh tại Đại học Otago, nhấn mạnh: “Khả năng lãnh đạo chính trị tốt và khoa học tiên tiến tạo nên sự khác biệt”. Theo ông, nhiều nước trên thế giới đã làm tốt trong công tác phòng chống dịch COVID-19 thường cũng nhờ sự kết hợp này. Ngay từ đầu, New Zealand đã theo đuổi chính sách quyết liệt nhằm “xóa sổ” virus SARS-CoV-2 hơn là chỉ ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch bệnh.
Giáo sư Baker cũng cho rằng một số nước phương Tây mắc sai lầm nghiêm trọng trong việc ngăn chặn mối đe dọa này. Theo chuyên gia Baker, nhiều nhà lãnh đạo đã nhận thấy sai lầm khi lựa chọn mục tiêu cứu người hay cứu nền kinh tế, trong khi thực tế nhiều doanh nghiệp phát triển mạnh nhất khi có tâm lý chắc chắn về những vấn đề như dịch bệnh.
Thực tế, với thành công trong phòng chống dịch COVID-19, tình hình kinh tế New Zealand khả quan hơn nhiều người dự báo. Nước này đã duy trì được tỷ lệ thất nghiệp ở mức chỉ 4%, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý đầu năm giảm 1,6%. Để giải cứu nền kinh tế, Wellington đã bơm 62 tỷ NZD (tương đương 40 tỷ USD) vực dậy nhu cầu trong nước và đảm bảo việc làm cho người lao động.
Giới chuyên gia cũng đánh giá cao khả năng lãnh đạo của Thủ tướng Jacinda Ardern. Trong thời gian phong tỏa toàn quốc, bà Ardern thường trấn an các quan chức và người dân bằng các cuộc họp báo hằng ngày và thông điệp mạnh mẽ: “Go hard and go early” (tạm dịch: Càng mạnh tay chống virus, càng sớm đẩy lùi dịch bệnh). Bên cạnh đó, việc sử dụng ứng dụng công nghệ trên điện thoại thông minh có tên là "NZ COVID Tracer" nhằm truy dấu các trường hợp lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đã phát huy hiệu quả rõ rệt, cho phép người dùng có thể tự báo cáo khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh COVID-19 để được xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia y tế cảnh báo không nên chủ quan trước nguy cơ làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai. Quan chức cấp cao Bộ Y tế Ashley Bloomfield nhấn mạnh: “100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng là một dấu mốc quan trọng, tuy nhiên, chúng ta không nên tự mãn”.
Kinh nghiệm cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể nhanh chóng bùng phát trở lại, như nước láng giềng Australia tưởng chừng đã kiểm soát được dịch bệnh. Do đó, ông Bloomfield lưu ý chính phủ và người dân New Zealand cần sẵn sàng nhanh chóng dập dịch nếu phát hiện bất cứ ca mắc mới nào. Trong khi cảnh báo nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ hai, Chính phủ New Zealand hối thúc các gia đình tiếp tục duy trì các trang thiết bị và đồ bảo hộ trong trường hợp khẩn cấp, trong đó có khẩu trang.
Với 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, New Zealand đang được đánh giá là một trong những địa điểm an toàn nhất trên thế giới về COVID-19. Tuy nhiên, như giới chức New Zealand từng tuyên bố, ngay cả khi có thể công bố hết dịch, thì điều này chỉ có ý nghĩa tượng trưng và không có nghĩa là chính phủ sẽ ngừng các nỗ lực ngăn chặn các trường hợp nhiễm bệnh mới.
Trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 trên toàn cầu vẫn hết sức phức tạp, phương châm chống dịch quyết liệt này của chính phủ quốc gia châu Đại Dương này có thể coi là bài học quý cho các nước trong cuộc chiến ngăn chặn "vòi bạch tuộc" của virus SARS-CoV-2.
Báo tin tức