Điểm yếu du lịch Việt Nam: Nhân lực cung cấp cho quốc tế chỉ làm được công việc quét dọn
Mới đây, tại Hội thảo “Khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới”, nhân lực được chỉ ra là điểm yếu của du lịch Việt Nam.
- 11-04-2022Cá nhân vừa làm công ăn lương, vừa kinh doanh riêng thì đóng thuế TNCN như thế nào?
- 11-04-2022Giá cả các mặt hàng ở TP. HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng... cao thấp ra sao khi so với Hà Nội?
- 11-04-2022Một thành phố trực thuộc Trung ương bất ngờ lọt top có tốc độ tăng trưởng GRDP thấp nhất cả nước, vốn FDI tiếp tục sụt giảm
Tại Hội thảo, lãnh đạo cấp cao của Saigontourist, ông Nguyễn Hữu Thọ chia sẻ: "Trước đây, Royal Caribbean Group, tập đoàn sở hữu những còn tàu du lịch lớn nhất thế giới, hợp tác với Saigontourist muốn đào tạo và cung cấp 1.700 nhân viên cho tàu Quantum of the Seas. Cụ thể, tập đoàn này muốn Việt Nam cung cấp nhân lực có chuyên môn, kỹ năng, tiếng Anh,… Sau một thời gian, tập đoàn mời ông lên tàu tham quan xem nguồn nhân lực của Việt Nam như thế nào".
Ông chia sẻ thêm: "Tôi đi khắp, tìm mãi trên chiếc tàu to lớn chạy vòng quanh thế giới để xem nhân lực người Việt Nam. Nhưng tìm hoài không ra người Việt Nam, gặp toàn lao động người Singapore, Trung Quốc, Malaysia,... Đang ngồi ăn sáng, thấy một nhân viên quét dọn, tôi hỏi có phải người Việt Nam không thì được trả lời đúng. Khi hỏi ra, số nhân viên Việt Nam đào tạo cung cấp cho tàu chỉ được làm buồng, khu vệ sinh, nhà hàng, công việc quét dọn".
Theo ông Thọ, du lịch Việt Nam dù có xây tòa lâu đài đẹp tới đâu đi nữa, cảnh quan đẹp tới đâu đi nữa mà nhân lực không có thì toàn bộ sẽ thất bại, toàn bộ sẽ không thể vận hành. Trên thực tế, nhân lực du lịch hiện nay đòi hỏi phải được đào tạo mang tầm quốc tế, đào tạo kỹ năng tốt để cạnh tranh quốc tế, đặc biệt tiếng Anh là yếu tố cần được chú trọng.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, nhân lực chính là điểm yếu của du lịch Việt Nam. Từ nhiều năm nay, nhân lực đã có rất nhiều vấn đề, điển hình như phát triển ào ạt, không có định hướng rõ ràng, không có hệ thống quản lý chặt chẽ, các tiêu chuẩn nghề nghiệp không được tuân thủ,... Điều này phần nào làm méo mó hình ảnh du lịch Việt Nam.
Ông Bình nhận định thêm: "Khi dịch Covid-19 xuất hiện, nguồn nhân lực còn thê thảm hơn rất nhiều, nay còn thiếu trầm trọng. Việc đào tạo là vô cùng cần thiết, nhưng vấn đề là ngay cả lúc khỏe mạnh nhất chúng ta cũng không làm được mà giờ còn đang yếu".
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, ông Phạm Văn Thủy, hiện nay phần lớn nguồn nhân lực vì cuộc sống đã chuyển đổi sang ngành nghề khác. Khi các hoạt động du lịch được mở cửa lại hoàn toàn, có những lao động tự nguyện quay lại, có lao động ổn định công việc mới với nguồn thu nhập cao hơn nên không quay lại.
Vì vậy, việc đánh giá về nguồn nhân lực hiện tại, xem nhân lực du lịch của Việt Nam đang nằm ở đâu so với khu vực và thế giới. Từ đó đưa ra hướng phát triển và giải pháp là rất cần thiết sau 2 năm đại dịch.
Thiếu nguồn nhân lực sẽ tạo ra nhiều vấn đề lớn trong ngành du lịch nhất là trong thời điểm khi các hoạt động du lịch đang trở lại trong điều kiện bình thường mới. Chính vì vậy, đào tạo, nhất là đào tạo nghề trở nên cấp bách, trong đó có việc đào tạo nhân lực chất lượng cao.