MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Diện mạo" hội nhập kinh tế quốc tế 2019

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chỉ còn ít ngày nữa (ngày 14/1) sẽ có hiệu lực với Việt Nam. Cùng với các FTA khác, Hiệp định CPTPP khi có hiệu lực sẽ góp phần gia tăng hiệu ứng tích cực của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đối với nền kinh tế. Đây được coi là một trong những điểm nhấn nổi bật nhất trong "diện mạo" hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam năm 2019.

"Cú huých" cho xuất khẩu

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 10 FTA có hiệu lực với Việt Nam. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Nhìn chung, việc tham gia các FTA như CPTPP và EVFTA sẽ thúc đẩy XK hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Australya, Canada, Mexico..., đặc biệt là những mặt hàng XK chủ lực như thủy sản, rau quả tươi và chế biến, hàng điện tử và linh kiện điện tử, một số mặt hàng dệt may và da giày. Điều này giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường XK, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một số ít thị trường nhất định, từ đó nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều thay đổi theo chiều hướng phức tạp và khó đoán định.

Bên cạnh đó, các FTA này cũng sẽ giúp Việt Nam có được các cơ hội từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi các Hiệp định có hiệu lực. Đây là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển của DN, tăng năng suất lao động, giảm dần tỷ lệ các công đoạn gia công lắp ráp, chuyển dần lên các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, từ đó bước sang giai đoạn phát triển các ngành điện tử, công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp xanh...


Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), Hiệp định CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,1% vào năm 2030 trong bối cảnh các điều kiện kinh tế căn bản được giữ nguyên so với mức 0,4% của Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP), và 3,6% của Hiệp định TPP. Với giả định có sự tăng trưởng về năng suất, mức tăng GDP của Việt Nam khi có Hiệp định CPTPP có thể đạt 3,5%. Ngoài ra, theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, Việt Nam được dự báo là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định CPTPP. Theo đó, GDP thực của Việt Nam sẽ tăng tổng cộng 6,5% từ nay đến năm 2035.

Đối với XK, việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Nhật Bản và Canada giảm thuế NK về 0% cho hàng hóa Việt Nam sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch XK. Các cam kết về xóa bỏ thuế NK theo lộ trình và tự do hóa dịch vụ - đầu tư trong Hiệp định CPTPP được giữ nguyên từ Hiệp định TPP trước đây. Theo đó, DN Việt Nam khi XK hàng hóa sang thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP sẽ được hưởng những cam kết cắt giảm thuế quan như trong Hiệp định TPP như cam kết cắt giảm thuế ngay của Australia lên đến 93% số dòng thuế (tương đương 95,8% kim ngạch XK của Việt Nam sang thị trường này, khoảng 2,9 tỷ USD); cam kết cắt giảm thuế ngay của Canada lên đến 94,9% số dòng thuế (tương đương 77,9% kim ngạch NK từ Việt Nam, khoảng 0,88 tỷ USD); cam kết cắt giảm thuế tốt hơn nhiều của Nhật Bản so với trong Hiệp định FTA song phương giữa hai nước (như cam kết xóa bỏ ngay 86% số dòng thuế, tương đương 93,6% kim ngạch XK của Việt Nam sang Nhật Bản, khoảng 10,5 tỷ USD),...


Phân tích sâu hơn về CPTPP khi đã cận kề ngày FTA này có hiệu lực với Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay: Theo cam kết của Hiệp định, các đối tác CPTPP dành cho Việt Nam mức độ mở cửa thị trường khá cao ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Xét trên mặt bằng chung, khoảng từ 78-95% số dòng thuế của Biểu thuế quan sẽ được xóa bỏ thuế NK ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Một số ít mặt hàng còn lại có mức độ nhạy cảm cao với các nước sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm... Nhiều mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử và linh kiện điện tử, cao su sẽ được hưởng ngay mức thuế 0% khi NK vào các thị trường CPTPP. "Đây chắc chắn sẽ là một cú huých cho hoạt động XK của Việt Nam. Với các kỳ vọng này, Hiệp định CPTPP được trông đợi sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực đối với cán cân thương mại của Việt Nam trong bối cảnh năm 2018 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam đạt được thặng dư thương mại", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Cẩn trọng và bước đi thích hợp

Nhìn nhận về "bức tranh" hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: Bên cạnh cơ hội, hội nhập kinh tế sâu cũng buộc Việt Nam phải đối mặt không ít thách thức. Điển hình như, những hàng rào kỹ thuật mang hơi hướng bảo hộ ở các thị trường phát triển đặt ra đòi hỏi DN Việt Nam phải không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng thích ứng và đổi mới khoa học công nghệ. Ngoài ra, điểm không thể không đề cập đến trong thời gian tới còn là Việt Nam phải đối mặt với tác động chuyển hướng thương mại từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Một số nhà đầu tư có thể chuyển địa điểm từ Trung Quốc sang Việt Nam. Khi đó, việc sàng lọc các dự án phù hợp với yêu cầu trên cả các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường là một nhiệm vụ khó khăn.

Đứng từ góc độ DN trong ngành dệt may, ông Cao Hữu Hiếu - Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam đánh giá: Một trong những rủi ro mà Việt Nam phải đối mặt trong năm 2019 là lãi suất tăng. Một số nước thắt chặt tiền tệ bằng cách tăng lãi suất như Mỹ hoặc EU, Nhật Bản. Lãi suất toàn cầu tăng lên tác động đến tỷ giá và dòng vốn đầu tư (từ khu vực lãi suất thấp sang lãi suất cao). Do đó, Việt Nam có thể phải tăng nhẹ lãi suất theo đà tăng của thế giới.

Với các Hiệp định CPTPP và EVFTA sắp có hiệu lực, nếu như không cẩn trọng và có bước đi thích hợp, DN Việt sẽ phải nhường thị phần cho các DN FDI vốn có lợi thế hơn về vốn, kinh nghiệm, công nghệ, con người. Nhiều DN FDI sẽ thiết lập chuỗi sản xuất từ sợi - vải - may mặc tại Việt Nam, vừa để tận dụng các lợi thế miễn giảm thuế từ các FTA, vừa tránh ảnh hưởng, giảm ảnh hưởng nếu có rủi ro kịch bản căng thẳng thương mại với Mỹ trong tương lai. "Nếu như vậy, kịch bản tăng trưởng của toàn ngành dệt may vẫn sẽ tốt, chỉ có tăng trưởng khu vực DN nội là đáng quan ngại. Các DN dệt may Việt Nam cần đưa ra các giải pháp cụ thể với từng kịch bản thị trường. DN may làm việc chặt chẽ với khách hàng cũng như DN sợi vải, liên kết chuỗi để cùng vượt qua các khó khăn thách thức mà biến động thị trường gây ra", ông Hiếu nói.

Theo Đức Quang

Hải quan

Trở lên trên