MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điện mặt trời hút nhà đầu tư ngoại

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục triển khai dự án điện mặt trời sau thời hạn ưu đãi giá 30/6. Tập đoàn Na Uy mới đây rót vốn làm nhà máy có công suất bằng 1/4 điện mặt trời Việt Nam hiện tại. Doanh nghiệp Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... đầu tư, góp vốn vào Việt Nam.

Một loạt dự án lớn

Từ đầu năm tới nay, cả nước ghi nhận sự tham gia của một loạt các nhà đầu tư ngoại vào lĩnh vực điện mặt trời. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục triển khai các dự án quy mô lớn dù giá mua ưu đãi 9,35 cent/kWh đã hết hạn từ ngày 30/6.

Mới đây, Tập đoàn Scatec Solar (Na Uy) ngỏ ý đầu tư nhà máy điện mặt trời nổi Trị An với công suất 1.000 MW, bằng 1/4 công suất điện mặt trời Việt Nam hiện tại. Đây là nhà máy điện mặt trời thứ 4 của Scatec Solar tại Việt Nam sau dự án 3 nhà máy trị giá 500 triệu USD với tổng công suất 485 MW được tập đoàn này ký thỏa thuận hợp tác đầu tư hồi tháng 5. Scatec Solar là nhà đầu tư điện mặt trời có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như Argentina, Brazil, Cộng hòa Séc, Ai Cập, Honduras, Jordan, Malaysia, Mozambique, Rwanda, Nam Phi và Ukraine với tổng công suất 1GW. Tập đoàn này đang nhắm đến mục tiêu công suất 3,5GW vào cuối năm 2021.

Hồi tháng 5, Công ty cổ phần Năng lượng QN (Hàn Quốc) đầu tư 70 triệu USD xây nhà máy điện mặt trời cũng tại khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định), với công suất 40 MWp, với mục tiêu tháng 6/2020 kết nối vào lưới điện quốc gia. Một nhà máy điện khác do doanh nghiệp Fujiwara Nhật Bản đầu tư 63,7 triệu USD vừa được khánh thành hôm qua (19/8) tại khu kinh tế này.

Điện mặt trời hút nhà đầu tư ngoại - Ảnh 1.

Cảnh thi công điện mặt trời. Ảnh: Bằng Lăng.


Các nhà đầu tư Thái Lan gần đây liên tục mua lại cổ phần các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Vào tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Thái Lan (EXIM Thailand) đã công bố tăng thêm 65 triệu USD cho hai công ty Eastern Power Group Plc và Communication & System Solution Plc để cấp vốn cho việc xây dựng hai nhà máy điện mặt trời tại Phú Yên. Công suất phát điện kết hợp khoảng 100 MW.

Trong năm 2018, Tập đoàn năng lượng B.Grimm Power PLC của Thái Lan ký thỏa thuận mua 80% cổ phần tại Công ty cổ phần TTP Phú Yên - đơn vị chủ đầu tư nhà máy mặt trời công suất 257 MW. Trước đó, nhà đầu tư này cũng hợp tác với một công ty trong nước để xây dựng dự án điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á tại tỉnh Tây Ninh. Một nhà đầu tư Thái khác là Công ty Sermsang International cũng mua 80% cổ phần dự án điện mặt trời Bình Nguyên ở Quảng Ngãi, công suất 49,61 MW...

Điện mặt trời vẫn chờ giá mới 

Các dự án đóng điện sau ngày 30/6 sẽ được thu mua điện vào lưới điện quốc gia với mức giá mới mà hiện nay vẫn đang trong vòng xem xét phê duyệt.

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 1/8, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ này đã báo cáo Thường trực Chính phủ về phương án giá điện mặt trời sau ngày 30/6 với quan điểm sẽ chia theo khu vực, không để một giá đối với điện mặt trời. Ngày 15/9, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ phương án giá.

Tại cuộc họp ngày 31/7, Bộ Công Thương trình 2 phương án giá mua điện mặt trời chia theo 4 vùng và 2 vùng. Được biết, đa phần các ý kiến tập trung ủng hộ phương án chia thành 2 vùng. Nếu theo cách chia này, vùng 1 sẽ gồm 6 tỉnh (Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Gia Lai, Đăk Lăk) hiện đang bị quá tải về lưới điện và vùng 2 sẽ là các tỉnh còn lại.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang phối hợp cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) nghiên cứu đề xuất chính sách về cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA). Trong đó, DPPA cho phép các doanh nghiệp tại Việt Nam đấu thầu mua điện trực tiếp từ các công ty tư nhân sản xuất năng lượng tái tạo và tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cơ quan này kỳ vọng Chính phủ phê duyệt dự án vào tháng 3/2020 và được triển khai mua bán điện trực tiếp vào tháng 7/2020, chậm nhất tới tháng 3/2021. Khi đó, chương trình thí điểm bán lẻ điện cạnh tranh sẽ được hoàn thành vào tháng 12/2023.

Đến hết ngày 30/6, cả nước có 87 nhà máy điện mặt trời được đóng điện với công suất gần 4.500 MW. Để kịp hưởng giá ưu đãi 9,35cent/kWh, các nhà đầu tư chạy đua. Riêng tháng 4-6 vừa qua có 81 nhà máy được đóng điện. Thực tế cho thấy cơ chế giá khuyến khích phát triển điện mặt trời đã tạo động lực cho các dự án năng lượng tái tạo phát triển, tuy nhiên còn nhiều vấn đề bất cập như tình trạng quả tái lưới điện, nhiều dự án điện mặt trời phải cắt giảm công suất.

Theo Nam Anh

Người đồng hành

Trở lên trên