MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điện mặt trời: Nghị định 13 sẽ mở ra một cuộc chạy đua mới nhằm hưởng mức giá FIT 2 trước ngày 31/12/2020

30-05-2020 - 08:43 AM | Doanh nghiệp

Đối với nghành năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời, chúng tôi nhận định Covid-19 trên thực tế gây ra các tác động tiêu cực, đặc biệt đến với các dự án đang trong giai đoạn triển khai, người trong cuộc chia sẻ.

Năng lượng tái tạo hiện chỉ chiếm 10-15% trong tỷ trọng hệ thống điện quốc gia của Việt Nam. Nguyên nhân, theo chia sẻ người trong cuộc, chủ yếu là mức đầu tư cho các dự án điện mặt trời, điện gió thuộc mức cao, mà thời gian trước đây Chính phủ chưa có các cơ chế ưu đãi về giá vì vậy rất ít doanh nghiệp thực hiện đầu tư trong mảng này. Hiện nay, bằng những nỗ lực của Chính phủ trong việc khuyến khích phát triển nguồn năng lượng sạch, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường này.

Dịch Covid-19 tác động tiêu cực làm chậm tiến độ dự án năng lượng tái tạo

Tuy nhiên, vẫn còn có một số hạn chế trong quá trình triển khai. Hạn chế thứ nhất là các công tác, thủ tục liên quan đến giải phóng mặt bằng tương đối phức tạp và gặp nhiều khó khăn. Hạn chế thứ hai là cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ: Nhiều địa phương được đánh giá tiềm năng cao, nhưng việc tiếp cận các địa điểm này rất khó khăn do hạ tầng còn yếu, các doanh nghiệp phải mất thêm chi phí để gia cố lại hạ tầng dẫn đến tổng chi phí đầu tư tăng lên đáng kể. Có thể nói, tiến độ các dự án đang đi trước cơ sở hạ tầng.

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát và giãn cách xã hội, nhu cầu ra ngoài giảm đã làm cho lượng tiêu thụ điện năng trong sinh hoạt gia tăng, tuy nhiên lượng điện tiêu thụ trong sản xuất lại giảm do các doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

"Đối với nghành năng lượng tái tạo, chúng tôi nhận định Covid-19 trên thực tế gây ra các tác động tiêu cực, đặc biệt đến với các dự án đang trong giai đoạn triển khai. Cụ thể, các chính sách cách ly xã hội buộc cơ quan nhà nước tạm ngưng hoạt động đã gây ra sự trì hoãn trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho các dự án".

Sẽ có một cuộc chạy đua mới về điện mặt trời đến cuối năm 2020

Đặc biệt trước Nghị định 13 với những điểm mới về năng lượng tái tạo, chia sẻ với chúng tôi, đại diện BCG Energy cho biết Nghị định 13 quy định cơ chế giá điện mới (FIT 2) với cả 3 loại hình gồm điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi và điện mặt trời trên mái nhà đều giảm so với mức giá ưu đãi cũ. Những nhà đầu tư có dự án đang trong giai đoạn triển khai đã chờ đợi mức giá chính thức mới này từ tháng 6/2019. Đối với những nhà đầu tư trên, đây sẽ là cuộc chạy đua để kịp phát điện các dự án trước 31/12/2020 để hưởng mức giá FIT 2.

"Nhưng, chúng tôi nhận định làn sóng lần này sẽ tương đối hạ nhiệt hơn so với giai đoạn chạy đua 2018-2019 vì cơ chế giá FIT 2 hiện nay quy định mức giá 7,06 US cents/kWh, thấp hơn khá nhiều so với mức giá 9,35 cents/kWh của mức giá FIT 1. Ngoài ra, một số dự án vận hành từ tháng 6/2019 cho đến nay vẫn chưa hoàn tất đấu nối và phát điện vì các hạn chế về phát triển hạ tầng tại địa phương", vị này nói.

Cùng với tình hình chung của ngành điện, BCG Energy cũng không ngoại lệ. Đối với các dự án đang trong giai đoạn triển khai như Nhà máy năng lượng mặt trời BCG-CME Long An 2 công suất 100.5MW và Phù Mỹ 330MW, Công ty đặt mục tiêu sẽ hoàn thiện và phát điện trước 31/12/2020.

Trong đó, dự án Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ là dự án nhà máy năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất tại Bình Định được đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 380ha với tổng công suất thiết kế là 330MW. Dự án do CTCP Phát Triển Tầm Nhìn Năng Lượng Sạch –thành viên trực thuộc BCG Energy trực tiếp triển khai. Khi hoàn thành vào cuối năm 2020 ước tính sẽ đạt sản lượng điện khoảng 520 triệu kWh/năm, đồng thời giúp giảm phát thải khoảng 146.000 tấn CO2.

Điện áp mái được quan tâm với những thuận lợi trong quá trình triển khai

Thời gian vừa qua, BCG Energy đã ký kết với các đối tác lớn nhằm phát triển các dự án điện năng lượng mặt trời. Ngày 5/2, BCG triển khai hệ thống năng lượng mặt trời áp mái cho các nhà máy trong Khu Công nghiệp do Tổng Công ty Thái Sơn đã phát triển. Bên cạnh đó, BCG Energy cũng đã ký kết hợp tác phát triển điện mặt trời áp mái với Hiệp hội Doanh nghiệp các Khu Công nghiệp Tp.HCM (HBA) vào ngày 24/2. Ngoài ra, Công ty Đầu tư Châu Á Nhật Bản (JAIC) cũng thỏa thuận đầu tư 5 triệu USD cho BCG để phát triển các dự án năng lượng mặt trời áp mái.

Tổng vốn đầu tư vào các dự án đã triển khai của BCG Energy tính đến thời điểm hiện tại đạt khoảng gần 10.000 tỷ đồng. Trong đó, mảng điện mặt trời áp mái đang được đặc biệt chú trọng quan tâm vì tính chất triển khai nhanh chóng cũng như điều kiện phát triển thuận lợi nhờ vào các chính sách của Chính phủ. BCG Energy tính tới thời điểm hiện tại đã ký kết nhằm triển khai gần 100 MW tổng công suất cho các dự án điện mặt trời áp mái, trong đó kế hoạch thực hiện tối thiểu 50 MW trong năm 2020.

Giai đoạn tiếp theo, BCG Energy cũng đang hoàn tất các thủ tục pháp lý cho các dự án năng lượng mặt trời, năng lượng mặt trời nổi, năng lượng gió tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Vĩnh Long...

Bên cạnh đó, Công ty cũng nghiên cứu khả năng phát triển năng lượng khí đốt thiên nhiên hóa lỏng LNG tại Long An. BCG Energy đặt mục tiêu đến năm 2025, danh mục các dự án năng lượng tái tạo đã triển khai sẽ đạt mức công suất từ 1,5 GW đến 2 GW.

Bảo An

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên