Điện thoại Samsung, thiết bị điện tử FDI và sự chuyển đổi đặc biệt bên trong nhóm ngành công nghiệp
"Năm 2018 chứng kiến sự chuyển đổi động lực tăng trưởng từ hoạt động lắp ráp, xuất khẩu điện thoại và thiết bị điện tử FDI sang các ngành công nghiệp thay thế là lắp ráp ô tô, sản xuất dược phẩm", ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển, giảng viên chính sách công ĐH Fulbright nói tại hội thảo "Tổng quan thị trường tài chính năm 2018".
- 19-12-2018Phó Thủ tướng: Việt Nam thiếu doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt công nghiệp hỗ trợ
- 01-12-20188,3 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế
- 13-11-2018Tây Nguyên, Quảng Trị sẽ có khu công nghiệp Việt Nam – Singapore?
"Chắc chắn năm 2018 tăng trưởng cao nhất so với 10 năm trở lại đây, kể từ năm 2007 khi quay trở lại mức GDP trên 7% một chút", ông Thành nói. Dù động lực cho tăng trưởng vẫn đến từ ngành sản xuất, chế biến và dịch vụ, tuy nhiên, ông nhận xét đã có sự thay đổi đáng kể bên trong nhóm ngành này.
Theo vị chuyên gia này, khác với năm 2017, khi điện thoại Samsung là nhân tố tích cực đóng góp cho tăng trưởng thì sang đến năm 2018, không chỉ điện thoại di động mà các thiết bị điện tử cũng tăng trưởng chậm lại.
Nếu như tăng trưởng trong năm 2017 của các thiết bị điện thoại, viễn thông, điện tử đạt mức 27,3% thì 11 tháng bình quân năm 2018 đã giảm xuống còn 11%.
"Ngược lại, chúng ta lại có những ngành tăng trưởng mạnh nhờ chính sách hạn chế, thay thế nhập khẩu, tăng sản xuất trong nước như ô tô, dược phẩm", ông Thành nói và nhấn mạnh đây là yếu tố khác biệt khi ngành thay thế nhập khẩu đang tăng trưởng mạnh.
Những ngành công nghiệp thay thế này, theo ông, cũng không tạo ra quá nhiều áp lực lên chi phí đầu vào.
Nếu sự chuyển dịch này đang diễn ra trong nhóm ngành công nghiệp thì đây cũng có thể xem là một tín hiệu tốt cho bức tranh vĩ mô nói chung. Bởi trước đó, nhiều nhận định, phân tích chỉ ra rằng kinh tế Việt Nam tiềm ẩn rủi ro tăng trưởng nếu dựa dẫm vào sản xuất smartphone.
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam hồi tháng 11/2018 của CTCP chứng khoán Sài Gòn (SSI), ngành công nghiệp đang ở mức thấp hơn trung bình đầu năm, dù đã có cải thiện.
Ngành điện tử dù vẫn đạt tăng trưởng hai chữ số là 11,2% nhưng lại đang ở xu hướng giảm dần đều và rất có khả năng ngành điện tử sẽ trở thành một trở ngại cho tăng trưởng năm cho năm 2019.
Báo cáo của đơn vị này cho biết hy vọng cho ngành sản xuất điện tử là sự góp mặt của các "tân binh" nội địa và việc đầu tư nhà máy lắp ráp điện thoại mới của Samsung ở Việt Nam thay thế cho các nhà máy tại Trung Quốc. Dù vậy, phía SSI vẫn nhấn mạnh việc phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại sẽ tiếp tục tiềm ẩn rủi ro cho tăng trưởng.
Theo đó, tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong quý 4 gần như chắc chắn sẽ thấp hơn 3 quý đầu năm do công nghiệp chế biến chế tạo không thể tạo ra đột biến trong tháng 12 và khai khoáng tiếp tục tăng trưởng âm.
Là nhóm có vai trò chính trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng chậm lại của công nghiệp sẽ kéo giảm tăng trưởng GDP nói chung, báo cáo SSI phân tích và nhận định quý 4 vì vậy sẽ có mức tăng trưởng GDP thấp nhất cả năm.