MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều chỉnh mặt bằng lãi suất cho vay về 2%?

23-09-2021 - 08:46 AM | Tài chính - ngân hàng

BIDV đang triển khai gói hỗ trợ cho doanh nghiệp tổng ngân sách lên 1.000 tỷ đồng (ảnh: BIDV)

BIDV đang triển khai gói hỗ trợ cho doanh nghiệp tổng ngân sách lên 1.000 tỷ đồng (ảnh: BIDV)

Theo ý kiến các chuyên gia, mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay vẫn cao hơn “sức khoẻ” của doanh nghiệp. Do vậy, cần phải giảm tiếp về 2% là hợp lý...

Mặt bằng lãi suất giảm tổng cộng 1,55%

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã liên tiếp 03 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm đối với lãi suất điều hành, giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm).

Theo đó, NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho TCTD, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.

Kết quả, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong hơn nửa năm 2021 với mức giảm khoảng 0,55%/năm (tổng cộng giảm 1,55%/năm so với trước dịch).

Ông Nguyễn Quốc Hùng -Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, 16 ngân hàng (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế đã thống nhất nguyên tắc tiếp tục giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm trên dư nợ hiện hữu bằng đồng Việt Nam trong 5 tháng cuối năm 2021 đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, 16 ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.

Riêng 04 NHTM Nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay, giảm các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đến ngày 31/08/2021, các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng. Lũy kế từ 23/01/2020 đến 31/08/2021, tổng số tiền lãi TCTD miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của 16 ngân hàng lũy kế từ 15/7/2021 đến 31/8/2021 là 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.

Nên giảm về 2% là hợp lý?

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc bùng phát của dịch COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam.

Con số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 tăng tới hơn 24% so với cùng kỳ 2020 cho thấy tác động của dịch bệnh tới đời sống sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không hề suy giảm, trái lại còn nặng nề hơn do khả năng tài chính, dòng tiền của doanh nghiệp cạn kiệt sau gần 2 năm chống chọi với dịch bệnh.

Ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, sau nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, nhưng hiện nay lãi suất vẫn còn cao so với “sức khoẻ” của doanh nghiệp. Thực tế, hiện nay một số doanh nghiệp gặp khó khăn có nhu cầu vay vốn tại ngân hàng, nhưng đó lại là những doanh nghiệp không đủ điều kiện vay, nên ngân hàng không dám cho vay vì sớm muộn sẽ có nợ xấu, mất vốn do dịch bệnh COVID bùng phát lần thứ 4. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đến nay khoảng rất thấp so với năm ngoái… Do vậy, theo ông Hiếu nếu NHNN điều chỉnh hạ thấp mặt bằng lãi suất là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh hiện nay.

Thực tế, theo ông Hiếu đối với những doanh nghiệp đang vay với số tiền lớn (từ khoảng 100 tỉ đồng trở lên) thì việc vay ngân hàng giảm lãi suất 2% là rất đáng kể. Nó có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, với doanh nghiệp vay ít, gặp khó khăn hoặc đang ngừng hoạt động, thì nên giảm lãi suất và hỗ trợ họ tiếp cận với các nguồn vốn vay mới.

Được biết, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cho cả năm, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; thường xuyên rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và quản trị, điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, ưu tiên TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Đến 31/8/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,87 triệu tỷ, tăng 7,42% so với cuối năm 2020, tín dụng đối với các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ 2020, tín dụng lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, trong đó lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng trưởng cao hơn nhiều tăng trưởng tín dụng chung.

Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua đại dịch, NHNN sửa đổi đã Thông tư 01/2020/TT-NHNN lần thứ 2. Theo các chuyên gia, sửa đổi này cho phép mở rộng các khoản nợ tái cơ cấu với việc tăng thời hạn khoản nợ phát sinh từ trước ngày 1/8/2021 và có phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc lãi từ ngày 23/1/2020 - 30/6/2022. Đồng thời mở rộng các khoản nợ tái cơ cấu và gia tăng thời hạn cho các khoản nợ là động thái tiếp theo của NHNN để hỗ trợ các doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi dịch COVID-19, giúp giảm áp lực về nợ xấu lên các NHTM…

Theo Hà Phương

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên