MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều chỉnh mức lương cơ sở: Tạo động lực mới

Ngoài việc điều chỉnh mức lương cơ sở, các đại biểu Quốc hội còn thảo luận nhiều vấn đề sát sườn cuộc sống như: Xử lý các bất ổn của thị trường xăng dầu, nghị quyết thay thế Nghị quyết 54...

Ngày 22-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội (QH) khóa XV, các đại biểu (ĐB) đã thảo luận tại tổ về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 và việc tổng kết Nghị quyết 54/2017/QH14 của QH về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM (gọi tắt là Nghị quyết 54).

Điều hành xăng dầu năng động, linh hoạt, hiệu quả hơn

Những bất ổn trên thị trường xăng dầu là vấn đề được nhiều ĐB quan tâm, thảo luận.

Theo ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP HCM, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố - xăng dầu đang đặt ra nhiều vấn đề. Trên địa bàn TP HCM đã có xô xát liên quan tình trạng này. Có xô xát nghĩa là ảnh hưởng đến an ninh trật tự, nên nếu để xảy ra trên diện rộng thì phức tạp. Vì vậy, ông Phan Văn Mãi đề nghị Chính phủ có giải pháp xử lý các bất ổn của thị trường xăng dầu; có cơ chế, chính sách đầu tư cho việc dự trữ xăng dầu, bảo đảm an ninh năng lượng, đặc biệt tại các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, trong đó có TP HCM.

Cho rằng điều hành xăng dầu cần năng động, linh hoạt và hiệu quả hơn, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) kiến nghị xem xét rút ngắn thời gian giữa các kỳ điều hành giá để không xảy tình trạng thiếu xăng dầu trước mỗi kỳ điều hành; đồng thời điều hành có hiệu quả để bảo đảm nguồn cung. Trong bối cảnh diễn biến giá xăng dầu khó lường, QH có thể xem xét, trao quyền cho Ủy ban Thường vụ QH quyết định các vấn đề về thuế xăng dầu như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT trong thời điểm không diễn ra các kỳ họp của QH.

Nêu ý kiến thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định Việt Nam không thiếu xăng dầu. Tổng nguồn sản xuất trong nước và nguồn do doanh nghiệp (DN) đầu mối nhập khẩu đủ đáp ứng nhu cầu. Nguồn cung không thiếu nhưng DN phải mua giá cao, nhập giá cao ở kỳ trước, bán trong kỳ tới với giá thấp thì lỗ, mà đã lỗ thì ít ai dám làm.

Đối với tình trạng thiếu hụt xăng dầu ở các tỉnh, thành phía Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng khu vực này có số lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả lậu, giả. Tháng 8 vừa qua, lực lượng chức năng đã bắt, xử lý một số vụ sản xuất, buôn lậu xăng dầu hàng trăm triệu lít. Có lượng xăng dầu trôi nổi như vậy, người kinh doanh không quan tâm tới chi phí định mức, chiết khấu cũng như không quan tâm chuyện mua hàng của đầu mối một cách ổn định. Một số DN kinh doanh xăng dầu tham gia bất động sản, chứng khoán nên nguồn tiền bị vơi. Vì vậy, có thể đến kỳ nhập xăng dầu, khi giá nhập lên cao, giá bán ra thấp thì DN không có nguồn tiền nhập. Cùng với đó, hạn mức tín dụng cũng ảnh hưởng đến hoạt động nhập hàng của DN.

Người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết trước đây, các DN trong hệ thống kinh doanh xăng dầu khu vực phía Nam có nhiều nguồn, cùng lúc ký với nhiều DN đầu mối. Song, vấn đề đặt ra là ký rồi lại không nhập, không mua trong thời gian dài nên DN đầu mối có quyền từ chối.

Ngoài ra, Nghị định 95 (sửa đổi Nghị định 83) về kinh doanh xăng dầu đang có hiệu lực nhưng đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Bộ Công Thương đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu cùng với các bộ, ngành liên quan để xem xét, đề xuất sửa đổi.

"Trước mắt, khi chúng ta phải thực hiện thì trong quá trình này cứ sai đâu xử lý đó, kể cả thu hồi có thời hạn. Thời gian tới, chúng tôi đề xuất theo hướng: Lần 1 kiểm tra, nếu vi phạm thì phạt tiền; lần 2 vẫn vi phạm thì phạt tiền cao hơn; lần 3 thì thu hồi giấy phép vĩnh viễn" - ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Cần sớm cải cách tiền lương

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM), hiện nay, một bộ phận không nhỏ công chức, viên chức có lương chính thức không đủ sống. Ông đề nghị cần tăng lương cho bộ phận này nhiều hơn, nhanh hơn, bởi có những người làm cả chục năm mà mỗi tháng chỉ lĩnh lương 7-8 triệu đồng, không đủ sống.

Bên cạnh đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng nếu tăng lương dàn đều theo công thức chung thì sẽ không hiệu quả, không tác động thiết thực đến các đối tượng cần nhất. Do đó, phải cân nhắc một số yếu tố khác để có sự điều chỉnh, như xác định mức sống cơ bản theo vùng, theo địa phương.

"Mức sống tối thiểu ở các vùng có sự khác nhau. Ví dụ ở TP HCM, đi xe ôm cũng mắc. Lương 7-8 triệu đồng không sống nổi. Do đó, phải có sự điều tiết bằng thể chế" - ĐB Trương Trọng Nghĩa dẫn chứng.

Chung quan điểm này, ĐB Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, đề nghị khi tăng lương cơ sở cần có chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng có lương dưới mức trung bình để họ bảo đảm cuộc sống. Nhiều cán bộ, công chức có lương cơ bản ban đầu nằm trong chuẩn nghèo của TP HCM. Do đó, nên có chính sách hỗ trợ các cán bộ, công chức, viên chức mà mức tiền lương thực hưởng dưới mức chuẩn nghèo của địa phương.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy cũng cho rằng cần sớm thực hiện cải cách tiền lương đối với người lao động (NLĐ) thuộc khu vực DN. Công nhân - lao động dù rất vui mừng vì từ ngày 1-7 được tăng lương tối thiểu vùng, song mức tăng thêm không đủ bù lạm phát, đời sống của NLĐ vẫn như cũ. Theo Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, lạm phát tăng cao khiến đời sống NLĐ khó khăn hơn. Các khoản chi phí tăng cao và nếu mức tăng lương không tương xứng, sự điều chỉnh của nhà nước sẽ không hiệu quả.

"NLĐ hiện nay lo lắng chuyện sắp tới Tết sẽ thế nào. Tết 2022 đã rất khó khăn rồi. Mối quan hệ giữa NLĐ và người sử dụng lao động có nhiều mâu thuẫn vì ảnh hưởng dịch bệnh làm cho lương, thưởng và các chính sách cho NLĐ không được duy trì. Năm nay, kinh tế sáng sủa hơn nhưng lại gặp lạm phát. Khoản chi tiêu của NLĐ nhiều hơn nhưng nguồn thu nhập không đủ, dẫn tới phải đi vay ở các tổ chức tài chính vi mô, tín dụng đen" - bà Trần Thị Diệu Thúy nêu thực trạng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương, từ năm 2021 sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét rất kỹ lưỡng, thận trọng và quyết định lùi thời điểm cải cách tiền lương trong thời hạn nhất định. Khi chưa thực hiện được chính sách cải cách tiền lương thì sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở.

Với đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1-7-2023, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá là rất hợp lý. Điều này sẽ tạo được động lực mới, giảm hiện trạng công chức, viên chức xin thôi việc.

"Nếu năm 2023 có sự phát triển KT-XH tốt và năm 2024 tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không bị tác động bởi những yếu tố khách quan như các năm 2020, 2021, 2022 thì có thể triển khai được chính sách cải cách tiền lương" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhìn nhận.

Về tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết tính từ ngày 1-1-2020 đến 30-6-2022, theo thống kê của 63 tỉnh, thành và các bộ, ngành, số nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người. Trong đó, chủ yếu là viên chức với 35.523 người, công chức chỉ hơn 4.000 người. Số công chức, viên chức nghỉ việc chủ yếu rơi vào 2 ngành giáo dục (16.427 người) và y tế (12.198 người).

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng đầu tiên là phải tập trung quan tâm nâng cao đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phải xem xét lại một cách tổng thể và toàn diện về công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức...

Điều chỉnh mức lương cơ sở: Tạo động lực mới - Ảnh 1.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP HCM, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM - đề nghị Chính phủ có giải pháp xử lý các bất ổn của thị trường về xăng dầu. Ảnh: MINH CHIẾN


TP HCM: Giải quyết những vấn đề thực tiễn

Đối với đề xuất kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 54 đến hết năm 2023, ông Phan Văn Mãi khẳng định nếu được QH thông qua, TP HCM sẽ tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đang phát huy hiệu quả.

TP HCM sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế liên quan việc xử lý tài sản công, hoàn thiện thêm tiêu chí để thu hút nhân tài trong năm 2023. Trong giai đoạn kéo dài thực hiện Nghị quyết 54, TP HCM sẽ song song xây dựng dự thảo nghị quyết mới để thay thế Nghị quyết 54, không tạo ra khoảng trống về chính sách.

Thông tin sơ bộ về một số nét chính của dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, ông Phan Văn Mãi cho biết sẽ tập trung vào các nhóm: Cơ chế, chính sách về đầu tư; tài chính ngân sách; tổ chức bộ máy, biên chế; quản lý đất đai, đô thị; quản lý xã hội; cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức; cơ chế cho trung tâm tài chính. Tinh thần của dự thảo nghị quyết mới là thí điểm những vấn đề thực tiễn đang đặt ra với TP HCM mà luật chưa quy định hoặc có quy định nhưng chưa rõ ràng, còn chồng chéo. Nghị quyết mới sẽ đồng bộ hơn, mạnh mẽ hơn, phân cấp, phân quyền rõ hơn cho TP HCM.

Ông Phan Văn Mãi cho biết TP HCM đang khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, hiện xin ý kiến các bộ, ngành. Dự kiến, đầu tháng 11-2022, TP HCM sẽ báo cáo lần đầu với Đảng Đoàn QH về dự thảo để có các định hướng hoàn thiện báo cáo Bộ Chính trị, làm cơ sở báo cáo Chính phủ, trình QH tại kỳ họp gần nhất.

Xử lý bất cập trên thị trường trái phiếu

Tham gia thảo luận nội dung khác, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh vụ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) không chỉ xảy ra ở TP HCM nhưng tác động đến thành phố rất lớn, ảnh hưởng đến an ninh tài chính - ngân hàng, an ninh tiền tệ, rộng ra là ảnh hưởng đến kinh tế. Vụ việc liên quan ngân hàng này sẽ làm chậm, làm dừng các dự án lớn trên địa bàn TP HCM bởi "mối quan hệ chằng chịt giữa các đối tác".

Vì vậy, Chủ tịch UBND TP HCM kiến nghị QH, Chính phủ quan tâm, có giải pháp xử lý các vấn đề bất cập trên thị trường trái phiếu để làm lành mạnh thị trường này, thể hiện đúng vai trò huy động vốn trong trung và dài hạn của DN. Cùng với đó, cần có giải pháp giám sát để bảo đảm nguồn tín dụng đến được những khu vực có hoạt động sản xuất - kinh doanh thực; đồng thời triển khai nhanh hơn, đồng bộ hơn và hiệu quả hơn chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.

Bệnh viện, bệnh nhân đang gặp khó

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) bày tỏ lo lắng về việc hệ thống y tế đang gặp vấn đề nghiêm trọng khi nhân viên thôi việc hàng loạt, thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Nhiều người dân phản ánh vào bệnh viện điều trị nhưng thiếu từ băng gạc đến thuốc uống, phải tự ra ngoài mua và không được BHYT thanh toán.

Nguyên nhân của thực trạng này, theo bà Lan, là do cơ chế, quản lý chưa tốt, tâm lý "sợ làm là bị phát hiện sai". Dù QH đã ban hành Nghị quyết 30 về cơ chế đặc thù phòng chống dịch COVID-19 nhưng khi triển khai, giữa các đơn vị thanh tra, kiểm toán, công an "chưa nhìn nhận lẫn nhau", làm chùn bước những người muốn làm việc hiệu quả.

photo-1

Theo đại biểu Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), vấn đề thiếu thuốc và trang thiết bị y tế đang rất cấp bách với các bệnh viện. Ảnh: MINH CHIẾN

Cùng chung mối quan tâm, ĐB Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), khẳng định hiện nay, vấn đề thiếu thuốc và trang thiết bị là rất cấp bách đối với các bệnh viện. Tuy nhiên, đã 8 tháng, Chính phủ và các bộ, ngành dù họp rất nhiều, gặp gỡ, lắng nghe cũng rất nhiều nhưng chưa có sự thay đổi nào. Vấn đề thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế gần như bế tắc do vướng mắc các quy định trong việc đấu thầu mua sắm. Bây giờ các máy cao cấp ở bệnh viện công lập mà hư là không thể nào sửa được và Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn đang bế tắc về vấn đề này.

"Khi máy CT, MRI dừng hoạt động thì bệnh nhân đi đâu? Họ chỉ có thể nằm im chịu trận hoặc chuyển sang bệnh viện tư. Nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện để điều trị tại bệnh viện tư. Vì vậy, hậu quả là các bệnh nhân nghèo phải chịu" - ông Nguyễn Tri Thức trăn trở. Ông kiến nghị trong thời gian chờ sửa quy định pháp luật thì trung ương cần có nghị quyết riêng để giải quyết những vấn đề bức xúc, không thể kéo dài hơn.

Theo Văn Duẩn - Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên