Quy hoạch vùng TPHCM mở rộng ra 8 tỉnh, chiếm 21% dân số cả nước
Chiều 25/7 tại TPHCM, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đồng chủ trì Hội nghị về điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
- 11-04-2017Giám sát quản lý quy hoạch xây dựng đô thị tại Hà Nội
- 22-03-2017TP.HCM lập quy hoạch xây dựng không gian ngầm
- 01-11-2016Đồng Tháp: Có 15 đơn khiếu nại trong lĩnh vực nhà ở, quy hoạch xây dựng
Theo Đồ án Quy hoạch điều chỉnh, vùng TPHCM có phạm vi ranh giới trùng với vùng kinh tế trọng điểm phía nam gồm 8 tỉnh, thành phố là TPHCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang và Bà Rịa-Vũng Tàu. Vùng TPHCM có vị trí chiến lược trung tâm vùng Đông Nam Á; giữ vị trí chiến lược về cảng biển trung chuyển quốc tế, cảng hàng không quốc tế; là cầu nối tiểu vùng sông Mekong.
Vùng TPHCM có dân số gần 19 triệu người, chiếm 21% dân số cả nước, là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của quốc gia. Về phát triển kinh tế, vùng TPHCM dự báo đóng góp khoảng 41,8% GDP, 51,04% kim ngạch xuất khẩu cả nước và 59,57% tổng thu ngân sách quốc gia.
Quy hoạch vùng TPHCM trước đó được phê duyệt năm 2008. Năm 2014, để đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng phù hợp với xu thế và tình hình phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM.
Sau hơn 2 năm nghiên cứu, bản đồ án đã đưa ra các ý tưởng mới trên cơ sở khoa học, kinh nghiệm quy hoạch vùng tại một số quốc gia phát triển có quy mô, vị trí, vai trò tương đồng vùng TPHCM như vùng Berlin, Frankfurt (Đức) là vùng tương đồng với TPHCM về quy mô, dân số… hay London (Anh), vùng Paris (Pháp), vùng Barcelona (Tây Ban Nha), vùng Seul (Hàn Quốc), vùng Tokyo (Nhật Bản), Milan (Italy).
Tiểu vùng đô thị trung tâm bao gồm TPHCM và vùng phụ cận với các huyện, thành phố, thị xã: Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức (Long An); Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên (Bình Dương); Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành và một phần huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai).
TPHCM là đô thị hạt nhân trung tâm của vùng; TP. Bình Dương là đô thị động lực phía bắc, TP. Biên Hòa-Long Thành-Nhơn Trạch là vùng đô thị động lực phía đông. Đô thị Củ Chi-Hậu Nghĩa-Đức Hòa là các đô thị động lực vùng phía tây bắc. Bến Lức-Cần Giuộc-Hiệp Phước là các đô thị sinh thái phía tây nam. Diện tích khoảng 5.163,92 km2, dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 15.700.000 người, tỉ lệ đô thị hóa năm 2030 khoảng 85-90%.
Khu vực phía nam tỉnh Bình Dương (Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành) phát triển đô thị-công nghiệp-dịch vụ-tài chính gắn với các trung tâm đầu mối đa phương tiện, tạo động lực phát triển cho khu vực phía bắc của tiểu vùng đô thị trung tâm.
Khu vực phía tây tỉnh Đồng Nai (Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành) phát triển kinh tế tổng hợp về dịch vụ, công nghiệp đa ngành, công nghệ cao. Phát triển du lịch cảnh quan sinh thái dọc sông Đồng Nai, cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp đô thị. Phát triển du lịch văn hóa lịch sử Cù lao Phố.
Khu vực phía đông tỉnh Long An (Đức Hòa-Bến Lức-Cần Giuộc) phát triển đô thị sinh thái, công nghiệp nhẹ và nông nghiệp đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, có vai trò bảo vệ cảnh quan sinh thái và thoát lũ cho tiểu vùng đô thị trung tâm.