MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều gì có thể xảy ra nếu giá cổ phiếu VNM trên sàn thấp hơn đáng kể 144.000?

01-12-2016 - 14:37 PM | Doanh nghiệp

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, nếu giá VNM trên sàn thấp hơn đáng kể so với giá khởi điểm đấu giá thì sẽ có nhiều nhà đầu tư muốn mua nhưng bỏ cuộc vì mua xong đã phải chịu "lỗ trạng thái" và đứng trước rủi ro phải trích lập dự phòng.

Những ngày gần đây, thị trường chứng khoán xáo động vì cổ phiếu VNM của Vinamilk. Là một cổ phiếu lớn trên thị trường và đang đứng trước thời khắc mà nhà đầu tư ngóng đợi từ lâu là SCIC thoái vốn, cổ phiếu VNM hiện đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, kể từ khi SCIC tổ chức roadshow thoái vốn đến nay, cổ phiếu VNM giảm nhiều hơn tăng. Giá cổ phiếu có lúc lùi về dưới 130.000 đồng/cổ phiếu rồi lại tăng mạnh một phiên. Sau phiên tăng mạnh đột biến ngày 30/11, lực cầu đỡ giá cổ phiếu VNM không còn đủ sức mạnh nữa, cổ phiếu lại quay về giảm điểm phiên đầu tháng 12.

Cổ phiếu VNM liên tục giảm trước thông tin được cho là tốt khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi: Liệu, điều gì xảy ra nếu giá cổ phiếu Vinamilk trên sàn thấp hơn đáng kể so với mức giá khởi điểm 144.000 đồng mà SCIC thoái vốn?

Sẽ có nhiều nhà đầu tư rời cuộc chơi nếu giá trên sàn thấp hơn giá khởi điểm đáng kể?

Chúng tôi phải nhấn mạnh rằng, theo quy định khi đăng ký mua cổ phần SCIC thoái vốn thì: giá đặt mua phải không thấp hơn giá khởi điểm và mức giá sàn của cổ phiếu VNM tại ngày chào bán.

Đừng quên chữ VÀ. Giá khởi điểm vừa được SCIC công bố hôm qua là 144.000 đồng/cổ phiếu còn giá sàn còn chờ hết ngày giao dịch 9/12 mới có thể biết được chính xác.

Hãy thử đặt mình vào vị trí của một nhà đầu tư, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán,công ty tài chính…để thử xem bạn có đặt mua cổ phần SCIC thoái vốn nếu giá đặt mua phải cao hơn giá cổ phiếu VNM đang giao dịch trên sàn đến 10% hay thậm chí hơn?

Nhân viên một quỹ đầu tư nói: “Tôi sẽ không dám trình lên sếp phương án mua mà ngay lập lức đã phải ghi lỗ, trích lập dự phòng đến 10% vì rủi ro cho người phụ trách đầu tư như tôi là rất cao, mua cổ phiếu Vinamilk mà SCIC thoái vốn lại cần nhiều tiền, tôi khó lòng chịu được trách nhiệm với khoản đầu tư này. Ở cấp lãnh đạo cao hơn thì có thể sẽ có những quyết định khác nhất là với các khoản đầu tư dài hạn tầm nhìn 5-10 năm nhưng thường thì sẽ rất khó để quyết định một khoản đầu tư mà ngay lập tức nhìn thấy lỗ”.

Một trưởng phòng môi giới ở công ty chứng khoán top 3 thị trường cũng nhận định, về dài hạn VNM vẫn là cổ phiếu trong lĩnh vực tăng trưởng do lượng tiêu thụ sữa trên đầu người ở Việt Nam còn thấp. Khoản 9% thoái vốn của SCIC bán với giá 14x xét về chu kỳ đầu tư của tổ chức 5-10 năm là vẫn có lợi lớn. Tuy nhiên, với diễn biến giá cổ phiếu VNM trên sàn như vậy đồng thời trong ngắn hạn trên thị trường có nhiều sản phẩm tương đồng và những doanh nghiệp có vốn hóa tương tự…nên trong ngắn hạn các quỹ đang nắm giữ VNM có thể sẽ chốt để có tiền cơ cấu danh mục vào các cổ phiếu trên. Còn với các quỹ mới thì có thể họ vẫn chấp nhận mua cổ phiếu VNM dù cho giá trên sàn và giá đặt mua chênh nhau đến 10-15% vì nếu muốn mua được lô lớn cổ phiếu VNM ở mức giá phù hợp là không dễ.

Khi được hỏi về việc liệu có hay không thủ thuật “dìm giá” Vinamilk trên sàn niêm yết để loại bớt đối thủ cạnh tranh khi mua cổ phần SCIC thoái vốn, nhiều người từ chối bình luận. Tuy nhiên, họ cho rằng chắc chắn khi chênh lệch giá quá lớn thì sẽ có nhiều người tự rời bỏ cuộc đua.

Không mua Vinamilk, chẳng lẽ tiền bỏ không?

Đặt câu hỏi cho vị trưởng phòng môi giới công ty chứng khoán kể trên rằng: “Nếu từ bỏ cuộc đua mua “bò sữa” Vinamilk, các quỹ biết đổ tiền vào đâu?”, vị này đã nhận định:

“Nếu như trước đây, nhà đầu tư lớn có ít lựa chọn đầu tư thì tình thế bây giờ đã khác. Vinamilk thực sự là doanh nghiệp hấp dẫn nhưng không có nghĩa là trên thị trường không còn cơ hội nào tốt khác. Thực tế thì thời điểm thoái vốn Vinamilk lại là thời điểm thị trường chứng khoán xuất hiện nhiều cơ hội đầu tư tốt hơn bao giờ hết”.

“Bạn hãy nhìn vào cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp có các sản phẩm tương đồng VNM như Habeco (BHN), Sabeco (SAB), Vinasoy, Masan Consumer….Khi Habeco lên UPCOM, cổ phiếu của doanh nghiệp này đã có lúc lên đến hơn 160 nghìn đồng/cổ phiếu, tăng vọt trong sự ngỡ ngàng của nhiều nhà đầu tư. Không có lý do gì để nhà đầu tư không coi Sabeco là một cơ hội.

Hay nhiều doanh nghiệp quy mô lớn như ACV, Vietjet…Các tổ chức lớn cũng khá quan tâm. Với nhiều cơ hội đầu tư trên thị trường, cuộc đua sở hữu cổ phần Vinamilk không còn hấp dẫn người chơi nếu giá cổ phiếu trên sàn cứ liên tục giảm”.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên