Điều gì đang xảy ra với Apple?
Ủy ban châu Âu (EC) vừa đưa ra tuyên bố Apple phải nộp lại 14,5 tỷ USD tiền thuế cho Ireland. Đương nhiên Apple nói rằng phản đối quyết định này, nhưng điều đặc biệt là chính đất nước Ireland cũng nói rằng họ không muốn thu tiền từ Apple.
- 31-08-2016Apple ra đề toán khó cho châu Âu: Thuế hoặc việc làm, chỉ được chọn 1 trong 2
- 25-08-2016Số phận hai "ông trùm" Samsung và Apple sẽ ra sao?
- 23-08-20165 năm Tim Cook làm CEO Apple: Cô đơn và cay đắng
Điều gì đã xảy ra?
Đây là một đoạn trong tuyên bố của EU:
Apple Inc., công ty có trụ sở ở California, đã thành lập hai công ty ở Ireland là Apple Sales International (ASI) và Apple Operations Europe. Theo EC, những công ty này không có nhân viên cũng như văn phòng thực sự nhưng đều ghi nhận mức lợi nhuận khổng lồ. Theo luật Ireland, Apple gần như không phải đóng thuế cho Ireland hay bất kỳ quốc gia nào khác trên khoản lợi nhuận này. Năm 2015, tức là năm gần đây nhất, ASI chỉ phải chịu mức thuế 0,005%.
EC được lãnh đạo bởi Margrethe Vestager, một thành viên của đảng Tự do xã hội Đan Mạch. Công việc của EC không phải là giám sát thuế mà là đảm bảo sự công bằng giữa các nước thành viên EU. Và điều này dẫn chúng ta đến phần quan trọng nhất của câu chuyện: EC nói rằng luật lệ của Ireland đã dành ưu ái đặc biệt cho Apple.
Theo EC, khi Apple bán những chiếc iPhone, iPad và máy tính Mac ở một nước EU nào đó (ví dụ như Pháp), lợi nhuận sẽ được chuyển từ về Ireland và do đó không phải chịu thuế. Nhưng nếu tinh ý sẽ thấy dường như quyết định của EC nhắm vào Ireland chứ không phải Apple.
Các nhà lãnh đạo EU không hề cảm thấy khó chịu khi các nước sử dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp khác nhau. Ở Ireland mức thuế suất chỉ là 12,5% nhưng ở Đức con số lên tới 33,3%. Nguyên nhân là do các quốc gia muốn duy trì tự chủ chính sách tài khóa.
Tuy nhiên ở EU vẫn tồn tại một cuộc tranh giành quyết liệt giữa các quốc gia đơn lẻ với bộ sậu điều hành toàn liên minh mà sự kiện Brexit chính là một ví dụ điển hình. EU không chấp nhận thứ gọi là chính sách trợ giá của Chính phủ (state aid), khi một quốc gia áp dụng chính sách có lợi cho một công ty cụ thể.
Nếu Pháp cho các công ty ở miền Nam hưởng mức thuế ưu đãi hơn so với ở miền Bắc, theo quan điểm của EU đó chính là state aid. Khi Đan Mạch cố tình tìm cách khiến một công ty chuyển từ Đức đến đây bằng mức thuế hấp dẫn hơn, đó cũng là state aid.
Các nhà lãnh đạo EU sẽ không thất vọng nếu Apple cũng bị áp mức thuế 12,5% ở Ireland. Tuy nhiên giữa Apple và Chính phủ nước này đã có hiệp định ưu đãi thuế có hiệu lực từ năm 1991 và nhìn theo một cách nào đó thì Ireland đã tiếp tay để Apple trốn thuế.
Đương nhiên Ireland cho rằng đây là điều bình thường, nhưng EU nói đây là một trường hợp state aid. Đây cũng là lập luận được đưa ra với Starbucks ở Hà Lan và Fiat ở Luxembourg.
Apple là một trong những ông lớn công nghệ đầu tiên tới Ireland hoạt động. Năm 1980, kinh tế Ireland đang ở trong trạng thái tồi tệ. Tỷ lệ thất nghiệp rất cao và nhiều người phải rời bỏ quê hương để sang nước khác tìm việc. Do đó nước này đã sử dụng mức thuế suất thấp để thu hút đầu tư và Apple là một trong những công ty đầu tiên được hưởng lợi.
Bộ trưởng Tài chính Ireland Micheal Noonan bác bỏ kết luận cho rằng Apple được nhận ưu đãi. Theo ông Apple nợ thuế ở đâu đó chứ không phải nợ Chính phủ Ireland. Ông còn nói rằng EU đang can thiệp thô bạo vào chính sách quốc gia. Về phần mình, CEO Tim Cook của Apple cũng nói rằng “EU đang cố gắng viết lại lịch sử của Apple ở châu Âu và bỏ qua luật thuế của Ireland”. Có tới 6.000 lao động, Apple là một phần quan trọng của kinh tế Ireland.
Ireland cũng không muốn lấy tiền của Apple!
Có một điểm khá kỳ lạ ở đây: phần lớn số tiền 14,5 tỷ USD sẽ thuộc về Ireland và nước này có thể dùng để trả nợ. Tuy nhiên Ireland lại không muốn như vậy. Rõ ràng họ không muốn vì 14,5 tỷ USD mà để mất các công ty nước ngoài đang đóng đô ở đây và đem lại những lợi ích kinh tế lớn hơn nhiều.
Nhưng Bộ Tài chính Mỹ cũng không muốn thu tiền Apple và kịch liệt phản đối phán quyết của EU. Lý do đơn giản là họ muốn bảo vệ doanh nghiệp Mỹ và hi vọng một ngày nào đó số tiền thuế thất thoát sẽ quay trở lại Mỹ. Những công ty như Apple phàn nàn thuế Mỹ quá cao và do đó họ phải cất số tiền thu được ở nước ngoài. Tuy nhiên Quốc hội Mỹ luôn tìm mọi cách để truy thu số tiền ấy.
Tim Cook còn bước vào một cuộc chiến khác cũng về chủ đề tránh thuế khi nói rằng “lợi nhuận của một công ty nên bị đánh thuế ở nơi mà giá trị được tạo ra”. Đây lại là một vấn đề khác. Nếu Apple kiếm được tiền ở Pháp nhưng ghi nhận doanh thu ở Ireland, Pháp chứ không phải EU là bên cần phàn nàn.
Ở Mỹ các bang đưa ra đặc quyền là chuyện bình thường!
Chính sách hỗ trợ đặc biệt của Ireland mà EU cho là phạm pháp cũng giống như một quy định hoàn toàn hợp pháp ở Mỹ: các bang được phép đưa ra ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư. Ví dụ, bang Massachusetts đã dùng những ưu đãi đặc biệt để thuyết phục General Electric chuyển từ ngoại ô Connecticut về Boston. Khi Tesla tuyên bố muốn xây dựng siêu nhà máy Gigafactory để sản xuất pin, các bang California, New Mexico và Nevada đều đưa ra những hứa hạn. Cuối cùng Nevada giành chiến thắng với ưu đãi thuế lên tới 1,2 tỷ USD.