MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều gì khiến khối ngoại liên tiếp bán ròng trên TTCK Việt Nam thời gian qua?

Việc bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài phần nào làm gia tăng mức độ ảm đảm của ttck Việt Nam trong tháng 4. Tuần đầu tháng 5, khối ngoại lại tiếp tục bán ròng gần 2.000 tỷ khiến nhà đầu tư trong nước đặt khả năng về một cuộc tháo chạy.

Tháng 4/2018, Việt Nam là thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới khi ghi nhận mức giảm 10,37%. Đà giảm của thị trường, chủ yếu là do làn sóng bán tháo, chốt lời mạnh tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (bluechips), nhóm ngân hàng, chứng khoán và bất động sản. Trong thời gian này, các quỹ của nhà đầu tư nước ngoài cũng liên tục có hành động bán ròng khiến cho thị trường càng ảm đạm.

Trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 1.495 tỷ đồng, tương ứng khối lượng gần 38 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, trong phiên 20/4, khối ngoại mua thỏa thuận hơn 5,25 triệu cổ phiếu NVL, trị giá 3.415 tỷ đồng. Như vậy, nếu loại trừ đi giao dịch thỏa thuận này thì khối ngoại sàn HOSE bán ròng khoảng 1.920 tỷ đồng.

Xu hướng bán ròng của khối ngoại được tiếp diễn trong tuần đầu tháng 5. Mặc dù chỉ giao dịch 3 phiên trong tuần đầu, khối ngoại đã bán ròng 34,9 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng đạt gần 1.850 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy, khối ngoại mua ròng thì thị trường chưa chắc đã tăng, nhưng nếu họ đã bán ròng thường sẽ giảm điểm. Bởi vậy, việc khối ngoại liên tiếp bán ròng thời gian qua đã khiến giới đầu tư cảm thấy khá qua ngại.

Đánh giá về hành động của nhà đầu tư nước ngoài từ đầu tháng 4 đến nay, các chuyên gia chứng khoán cho hay:

Ông Cao Minh Hoàng - Giám đốc đầu tư - Công ty quản lý quỹ IPA: Áp lực bán ròng đơn thuần là đảo danh mục

Yếu tố bán ròng rất đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài giao dịch ít, nhưng họ cầm lượng cổ phiếu lớn. Vì vậy, khi họ quyết định, thì quyết định đó có tính kiên trì, dài hơi hơn so với nhà đầu tư cá nhân Việt Nam.

Tôi cho rằng đợt vừa qua, khối ngoại đang thực hiện đảo danh mục. Trong hơn 10 năm ở Việt Nam, mỗi lần khối ngoại đảo danh mục là 1 lần thị trường chao đảo lớn. Đây là cơ hội họ giải ngân chu kỳ tiếp theo. Theo tôi, thị trường chứng khoánViệt Nam vẫn outperform so với các thị trường khác ở thời điểm hiện tại.

Ông Dương Văn Chung- Giám đốc khu vực miền Bắc - CTCK MBS: Áp lực bán mạnh của khối ngoại có thể chấm dứt trong 1,2 phiên tiếp theo

Tôi cho rằng nhà đầu tư nước ngoài có 2 nhóm: 1 là nhóm đầu tư dài hạn và thứ 2 là đầu cơ. Nhóm đầu cơ như là các quỹ ETF. Nhóm dài hạn chưa có phản ứng FED tăng lãi suất ngay. Tuy nhiên, nhóm đầu cơ như các quỹ ETF họ phản ứng rất nhanh với những biến động quốc tế, đặc điểm của các quỹ ETF là dòng tiền ra- vào rất nhanh.

Việc khối ngoại bán ra còn có thể do họ chuẩn bị tiền cho các deal Techcombank, Vinhomes…Tôi dự báo đà bán ròng sẽ chấm dứt trong tuần này, có thể trong 1,2 phiên nữa.

Ông Lê Anh Minh - Giám đốc phân tích - CTCK VPBS: Chưa đáng lo ngại

Tôi cũng đồng ý với quan điểm trên. Theo quan điểm của VPBS, dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài chưa rút khỏi VN mà họ chỉ đang cơ cấu lại danh mục của mình. Những cổ phiếu lớn sắp lên sàn như Techcombank, Vinhomes… sẽ ngốn rất nhiều vốn đầu tư của họ nên họ bắt buộc phải cơ cấu để chuẩn bị vốn cho những deal lên sàn sắp tới. Ngoài ra, rất nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng mạnh trong quý 1, nên không bất ngờ khi họ có hành động chốt lời để mua những mã họ cho rằng tiềm năng hơn, mang lại lợi suất cao hơn trong thời gian tới. Vấn đề rút ròng của nhà đầu tư nước ngoài vì lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao là chưa đáng lo ngại.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích -  CTCK Yuanta: Khối ngoại bán ròng chỉ là ngắn hạn

Tôi cho rằng động thái bán ròng diễn ra trong thời gian qua do bị tác động bởi các biến động ngắn hạn, lo ngại về tỷ giá tăng do đồng USD tăng mạnh trong thời gian qua và các rủi ro từ tình hình chính trị thế giới trong đó như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung,… Tuy nhiên, tôi đánh giá đây chỉ là động thái ngắn hạn khi tình hình vĩ mô vẫn đang ổn định và chỉ số CDS vẫn đang trong xu hướng giảm dài hạn kể từ năm 2015 cho thấy khối ngoại vẫn đang tỏ ra lạc quan với TTCK VN trong trung và dài hạn.

Tôi cho rằng đây không phải là hoạt động đảo danh mục vì các thị trường khác cũng có diễn biến tương tự và dòng tiền cũng có hiện tượng rút ròng trong thời gian vừa khi đồng USD tăng mạnh.

Bảo An

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên