MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều gì khiến Nhựa An Phát (AAA) tự tin với kế hoạch tăng trưởng “phi mã” kể từ năm 2017?

02-03-2017 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Sau khi nhà máy 6 và 7 đi vào hoạt động, An Phát sẽ trở thành doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á sản xuất bao bì màng mỏng.

Đại hội cổ đông thường niên CTCP Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (AAA) năm 2017 đã thông qua kế hoạch kinh doanh với các chỉ tiêu sản lượng hợp nhất 86.000 tấn; tổng doanh thu hợp nhất 2.900 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng và tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến 20- 30% bằng tiền mặt.

So với kết quả thực hiện trong năm trước thì kế hoạch doanh thu năm 2017 có sự tăng trưởng 35% và lợi nhuận tăng trưởng 40%.

Không những vậy, kế hoạch tăng trưởng dài hạn của An Phát cũng rất ấn tượng với doanh thu hợp nhất lên tới 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận 600 tỷ đồng vào năm 2021.

Có thể nói, việc An Phát tự tin về kế hoạch tăng trưởng mạnh bắt nguồn từ việc công ty sẽ chính thức đưa vào vận hành 2 dự án trọng điểm là nhà máy số 6 chuyên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và nhà máy số 7 chuyên xuất khẩu vào Mỹ trong năm 2017. Sau khi 2 nhà máy này đi vào vận hành, An Phát sẽ đạt công suất khoảng 80.000 tấn/năm, giành ngôi vị số 1 Đông Nam Á trên phân khúc bao bì màng mỏng.

Trong năm 2017, An Phát sẽ tập trung mở rộng thị trường Nhật Bản và Mỹ. Hiện tại, công ty đã nhận được khá nhiều đơn hàng cho nhà máy 6 và 7. Bên cạnh đó, An Phát cũng đẩy mạnh sản lượng túi tự hủy, đảm bảo chiếm 10% cơ cấu sản lượng và triển khai các dòng sản phẩm mới có biên lợi nhuận cao như túi drawstring, túi zipper, túi fashion, túi thực phẩm….

Nhà máy số 8, cầu nối vào thị trường nội địa của An Phát

Tại đại hội vừa qua, An Phát cũng thông qua kế hoạch xây dựng nhà máy số 8 chuyên sản phẩm bao bì màng phức và túi tự huỷ phục vụ thị trường trong nước (50% bao bì màng phức, 50% túi tự hủy). Dự án sẽ được triển khai trên khu đất có diện tích 98.088 m2 và được chia làm 2 giai đoạn với vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Dự kiến, nhà máy số 8 sẽ chính thức đi vào sản xuất từ cuối năm 2019.

Theo đánh giá của các CTCK thì việc tập trung vào lĩnh vực túi túi tự hủy và bao bì màng phức của An Phát thực sự là bước đi khôn ngoan bởi cả 2 mảng kinh doanh này đều có biên lợi nhuận rất cao và giàu tiềm năng tăng trưởng.

Lấy ví dụ về thị trường Châu Âu – thị trường xuất khẩu chủ lực An Phát đã liên tục tăng trưởng nhu cầu túi tự hủy trong những năm gần đây. Dữ liệu của Nova – institut GmbH cho biết sản lượng tiêu thụ túi tự hủy năm 2020 tại Châu Âu được dự báo sẽ tăng lên hơn 182 nghìn tấn, gấp 2,64 lần so với năm 2015.

Dù vậy, sản phẩm túi tự hủy của An Phát hiện chỉ xuất khẩu ra nước ngoài và bỏ ngỏ thị trường trong nước do giá thành khá cao so với túi nilon thông thường. Tuy nhiên, mọi chuyện có thể thay đổi khi dự thảo áp thuế môi trường đối với sản phẩm túi nilon thông thường được thông qua sẽ giúp mở ra cơ hội tiêu thụ trong nước đối với các sản phẩm của An Phát.

Còn với bao bì màng phức, ông Phạm Ánh Dương – Chủ tịch An Phát đánh giá đây là sản phẩm rất có tiềm năng khi nhu cầu tăng trưởng liên tục và ổn định trong suốt những năm qua. Bên cạnh đó, gần 65% thị phần bao bì màng phức tại Việt Nam hiện đang do các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ phân phối và đây là cơ hội lớn cho An Phát xâm nhập, chiếm lĩnh thị trường.

A.D

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên