Điều gì xảy ra nếu chiến tranh thương mại chấm dứt?
Đó sẽ là tín hiệu vui với một số nền kinh tế nhưng lại là chuyện buồn với một số khác.
Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa tìm thấy hồi kết. Với những gì đã xảy ra, nó khiến các mối quan hệ thương mại tồn tại hàng thập kỷ đứng trước nguy cơ tan thành mây khói, các chuỗi cung ứng đứt đoạn, tăng trưởng toàn cầu chậm chạp trong khi các nhà đầu tư và doanh nghiệp như đang "ngồi trên lửa". Sự bế tắc dường như vô tận....
Tuy nhiên, góc nhìn này đang bỏ qua những người được hưởng lợi từ cuộc chiến này, đặc biệt là các quốc gia ở Đông Nam Á đang thu hút được những khoản đầu tư - vốn dành cho Trung Quốc. Các chuyến hàng từ châu Á, ngoại trừ Trung Quốc, đến các cảng của Mỹ đã tăng vọt trong 6 tháng đầu năm, trong khi nhập khẩu từ đại lục giảm. Hòa bình hay đình chiến thương mại thậm chí có thể gây tác động xấu đến hoạt động này.
Trong bài đánh giá thường niên về kinh tế Trung Quốc trong tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra một số kịch bản cho một thỏa thuận thương mại, nhằm mục đích điều chỉnh cán cân thương mại giữa các quốc gia về mức cân bằng. Kịch bản phác thảo của IMF sẽ là Trung Quốc mua thêm ô tô, máy móc và thiết bị điện tử của Mỹ.
Tuy nhiên, theo IMF, khả năng Bắc Kinh sẽ kích thích nền kinh tế đến mức tiêu thụ hết lượng hàng hóa của Mỹ mà không phải cắt giảm ở nơi khác rất khó xảy ra. Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc và Singapore - 2 quốc gia đều coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất - sẽ giảm lần lượt khoảng 2,1% và 3,8% tổng sản phẩm quốc nội, theo thỏa thuận thương mại đó.
Xuất khẩu khoáng sản của Úc cũng như doanh số bán hàng điện tử từ các nước Đông Nam Á như Malaysia đều bị ảnh hưởng. Các biến động do thỏa thuận thương mại có thể tác động tiêu cực đến GDP toàn cầu và cần cân nhắc lợi ích từ việc giảm tính bất định của chính sách, giảm thuế quan và đưa ra những cải cách mới.
Mặc dù châu Á chịu nhiều bất lợi nhất, nhưng ảnh hưởng sẽ không giới hạn trong khu vực này. Cụ thể, việc mua thêm máy bay của Mỹ có thể ảnh hưởng đến Pháp, đặc biệt, do Airbus SE - hãng sản xuất máy bay của Pháp - là đối thủ cạnh tranh chính của Boeing.
Tất nhiên, chúng ta có thể lập luận rằng khu vực châu Á có thể ở trạng thái tốt hơn nếu chiến tranh thương mại chưa bắt đầu. Nhưng ý kiến đó đã bỏ qua những thế lực lớn hơn định hình nền kinh tế toàn cầu từ lâu trước khi Tổng thống Donald Trump tranh cử: sức mạnh bành trướng của Mỹ, "hoàng hôn" của sự bùng nổ tăng trưởng hai chữ số của Trung Quốc, già hoá dân số ở châu Âu và Bắc Á.
Liệu sự bế tắc thương mại có thay đổi theo từng tweet của ông Trump hay không. Bắc Kinh có quyền thận trọng với những góc nhìn của ông Trump. Tuy nhiên, khi thiệt hại kinh tế từ cuộc chiến thương mại dần rõ ràng hơn, đáng để xem xét liệu hòa bình có là "cõi niết bàn" mà nhiều người mong chờ vào tháng 1 năm 2021.