Điều kiện chọn thầu cao tốc Bắc – Nam, dự kiến chia 30 gói thầu
Bộ GTVT đề xuất chia 12 đoạn cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2022-2025 thành 30 gói thầu để phù hợp năng lực nhà thầu trong nước tham gia chỉ định thầu.
Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng về việc tổ chức chọn nhà thầu xây lắp Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu dự án khởi công các gói thầu đầu tiên trong năm nay. Với năng lực nhà thầu trong nước, bộ này đề xuất chia gói thầu thấp hơn yêu cầu của Chính phủ.
- 13-09-2022Tỉnh xếp thứ 45/63 về thu nhập bình quân nhưng liên tiếp lọt top 10 địa phương đóng góp lớn nhất vào quy mô GDP cả nước
- 13-09-2022Tăng trưởng thế giới chậm lại sẽ tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm?
- 12-09-2022Địa phương được liên danh của VinaCapital đầu tư 13 tỷ USD phát triển điện gió có tiềm năng gì?
Gói thầu lớn, chỉ vài nhà thầu đủ điều kiện
Các tiêu chí để chỉ định thầu tham gia xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 được Bộ GTVT xây dựng dựa theo quy định hiện hành, kinh nghiệm triển khai 11 đoạn cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017-2020 đang thi công.
Cụ thể, Bộ GTVT dẫn quy định hiện hành để đưa ra một số tiêu chí với nhà thầu đủ điều kiện chỉ định thầu xây dựng các đoạn cao tốc Bắc – Nam sắp khởi công gồm: Có chứng chỉ năng lực phù hợp với công trình tham gia xét; từng tham gia các gói thầu kỹ thuật tương tự, giá trị tối thiểu bằng 50% gói thầu đang xét; có nguồn lực tài chính, doanh thu 3 năm gần nhất phải tương đương giá trị gói thầu xét; chứng minh được năng lực huy động nhân sự, máy móc, thiết bị...
Với các tiêu chí trên, Bộ GTVT cho biết, cả nước hiện có khoảng 48 nhà thầu đáp ứng tương đối các điều kiện trên (từng tham gia các gói thầu trị giá từ 350 tỷ đồng trở lên). Trong đó, chỉ có 14 nhà thầu từng tham gia gói thầu từ 1 nghìn tỷ đồng trở lên. Vừa qua một số tập đoàn, tổng công ty lớn tham gia đầu tư công trình giao thông lớn, nhưng với vai trò nhà đầu tư, không phải nhà thầu. Do đó, nếu các doanh nghiệp này tham gia dưới dạng nhà thầu đều phải đáp ứng các điều kiện năng lực trên.
Với tư vấn giám sát, trong 5 năm qua, có khoảng 27 tư vấn đã tham gia tư vấn các hợp đồng có giá trị hợp đồng từ 2 tỷ đồng trở lên. Trong đó, chỉ có 5 tư vấn từng tham gia gói thầu từ 20 tỷ đồng trở lên.
Với cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2022-2025, Chính phủ yêu cầu chia gói thầu theo tính chất kỹ thuật, địa hình, địa chất, đảm bảo đồng bộ, không chia nhỏ gói thầu, các gói thầu có giá trị phần xây lắp từ 5-15 nghìn tỷ đồng (tổng giá trị gói thầu từ 7-20 nghìn tỷ đồng).
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, nếu phân chia gói thầu quy mô phần xây lắp từ 5-15 nghìn tỷ đồng, với tiêu chí trên, trong 5 năm gần đây chỉ có 1 nhà thầu đủ điều kiện để tham gia gói thầu giá trị khoảng 7 nghìn tỷ đồng; nếu xét trong 10 năm qua thì có 1 nhà thầu đủ điều kiện tham gia gói thầu giá trị hơn 11 nghìn tỷ đồng.
Các nhà thầu còn lại không đủ điều kiện tham gia với tư cách độc lập các gói thầu giá trị từ 5-15 nghìn tỷ đồng. Do đó, các nhà thầu phải liên danh, liên kết mới đáp ứng đủ điều kiện về năng lực kinh nghiệm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều nhà thầu tham gia 1 gói thầu sẽ khó khăn trong quá trình thực hiện, vì liên quan tới bộ máy quản lý, quá trình điều hành, thỏa thuận phân chia công việc, trách nhiệm...
Về tư vấn giám sát, các gói thầu giá trị 5-15 nghìn tỷ đồng, gói tư vấn sẽ giá trị từ 40-60 tỷ đồng, nên đa số tư vấn hiện nay không đạt điều kiện trên.
Đề xuất chia lại gói thầu
Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng phân chia gói thầu giá trị từ 3-5 nghìn tỷ đồng (dự kiến 12 dự án cao tốc sẽ có khoảng 30 gói thầu). Mỗi gói thầu có 3 liên danh cùng tham gia, mỗi nhà thầu có thể tham gia nhiều gói thầu. Với giá trị gói thầu này, gói tư vấn giám sát khoảng 20-40 tỷ đồng, phù hợp năng lực các tư vấn trong nước hiện có.
Về quy trình, trình tự thực hiện chỉ định thầu, theo quy định, quy mô, tính chất, yêu cầu các gói thầu như trên, các nhà thầu phải chủ động tìm kiếm liên danh, đảm bảo công khai, Bộ GTVT đề xuất: Khi Thủ tướng phê duyệt, Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch, công khai tiêu chí để các nhà thầu căn cứ đăng ký. Sau khi nhà thầu đăng ký, Bộ GTVT sẽ thực hiện đánh giá năng lực và tổng hợp báo cáo Thủ tướng danh sách các nhà thầu đủ điều kiện.
Sau đó, trên cơ sở dự toán được duyệt và đã được kiểm toán, chủ đầu tư duyệt và phát hành hồ sơ để các nhà thầu hoàn thiện để thẩm định, phê duyệt kết quả chỉ định thầu.
Tới nay, Bộ GTVT đã tổ chức thực hiện và hoàn thành các công việc: chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên; các thủ tục liên quan đến khung chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy, giám sát đầu tư cộng đồng; bàn giao cọc GPMB cho địa phương; hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi và phê duyệt dự án đầu tư 12/12 dự án thành phần đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Hiện khối lượng công việc còn lại rất lớn, thời gian không còn nhiều, quá trình thực hiện phải đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, đặc biệt tới lựa chọn nhà thầu xây lắp để chỉ định thầu.
Tiền Phong