Điều thường xảy ra sau những lần "Thái tử" Samsung đến Việt Nam và các quốc gia khác
Bloomberg cho biết, Phó Chủ tịch Lee Jae-yong sẽ là người có thể giúp Samsung lấn sân từ địa hạt phần cứng sang phần mềm và tăng cường quan hệ ngoại giao của Samsung trong tương lai.
- 19-10-2020Dự án LNG "khủng" hợp tác Việt - Nhật ký kết vào dịp Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam
- 19-10-2020Chuyên gia kinh tế nói gì từ dự báo GDP bình quân đầu người của Việt Nam vượt Philippines?
- 19-10-2020Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản: Những khác biệt trong sự tiếp nối giữa "ông Lệnh hòa" Suga Yoshihide và người tiền nhiệm Abe Shinzo
Các lãnh đạo cấp cao của Samsung - Tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc đã từng vài lần tới thăm Việt Nam trước đó. Với tổng vốn đầu tư lên tới trên 17,3 tỷ USD, Samsung hiện đang đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, trong đó nguồn vốn tập trung vào 3 khu tổ hợp công nghệ cao tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM.
Tháng 10/2012 của Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee đã đặt chân tới Việt Nam. Chỉ vài tháng sau chuyến thăm này, đầu năm 2013, Samsung đã quyết định đầu tư 2 tỷ USD vào Thái Nguyên.
Cuối tháng 10/2018, Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong, con trai duy nhất của ông Lee Kun-hee đã có chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam. Trong chuyến công tác này, Phó Chủ tịch Samsung cũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các quan chức cao cấp của Chính phủ Việt Nam. Hơn một năm sau, vào đầu tháng 3/2020, Dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung chính thức khởi công tại khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội.
Lần này sang Việt Nam vào ngày 20/10 (đã lên máy bay ngày 19/10), ông Lee Jae-yong sẽ gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để thảo luận về các kế hoạch đầu tư khả thi, theo Yonhap.
Những khoản đầu tư "theo sau" tương tự cũng từng thấy ở những lần thăm trước của lãnh đạo Samsung ở các quốc gia khác.
Việc Lee Jae-yong từng đến Ấn Độ cuối năm 2019 đã làm dấy lên những phỏng đoán rằng gã khổng lồ Hàn Quốc có thể đầu tư thêm để mở rộng sự hiện diện của mình tại Ấn Độ - thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới. Đến tháng 8/2020 theo The Economic Times (báo Ấn Độ), Samsung đã đệ trình lên Chính phủ Ấn Độ kế hoạch sản xuất điện thoại thông minh trị giá 40 tỷ USD trong 5 năm tới theo kế hoạch PLI.
Giám đốc kinh doanh mảng di động của Samsung, Roh Tae-moon và giám đốc mảng màn hình hiển thị Han Jong-hee thường là người "tháp tùng" ông Lee Jae-yong trong các chuyến đi này.
Hồi tháng 5/2020, ông Lee Jae-yong cũng đã có chuyến thăm nhà máy sản xuất chip nhớ của Samsung tại Tây An, Trung Quốc, trong bối cảnh muốn sản xuất pin xe điện tại đây.
Lee Jae-yong (còn được gọi là Jay Y), sinh ngày 23/6/1968 ở Seoul, Hàn Quốc. Sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul, và nhận bằng thạc sĩ tại Nhật Bản, Lee Jae-yong học tại Trường Kinh doanh Harvard trong 5 năm trước khi gia nhập Samsung. Lee Jae-yong thành thạo ba ngôn ngữ.
Ông bắt đầu làm việc cho Samsung từ năm 1991. Ông đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Kế hoạch chiến lược và sau đó là "Giám đốc khách hàng" - một vị trí quản lý được thiết lập riêng cho ông.
Tháng 12/2009, Jay Y trở thành Giám đốc điều hành của Samsung Electronics. Kể từ tháng 12/2012, ông là Phó Chủ tịch của Samsung. Jay Y là một trong những cổ đông lớn của công ty con Dịch vụ tài chính của Samsung, sở hữu 11% Samsung SDS.
Nếu như Lee Kun-hee được ví von như một vị thần thì người thừa kế của ông, Lee Jae-yong lại là một người khiêm tốn, cởi mở hơn cha mình. Bloomberg cho biết, Lee Jae-yong có thể giúp Samsung lấn sân từ địa hạt phần cứng sang phần mềm và tăng cường quan hệ ngoại giao của Samsung trong tương lai.