Dính bê bối, Startup tỉ đô nay đã "bốc hơi" 1 nửa giá trị chỉ sau vài tháng
100 nhân viên đã phải nói lời chia tay với “kỳ lân” Zenefits, một cách gọi để chỉ những startup được định giá trên 1 tỷ USD.
- 02-06-2016Các vụ bê bối vẽ lại bức tranh doanh nghiệp Nhật
- 19-05-2016Đến lượt Suzuki dính bê bối, cổ phiếu lao dốc chóng mặt
- 18-05-2016Chủ tịch Mitsubishi chính thức từ chức sau khi vụ bê bối ngày càng bung bét
Zenefits là startup công nghệ viết phần mềm quản lý nhân sự. Ra đời vào tháng 5/2013, startup này đến năm 2015 được định giá lên tới 4,5 tỷ USD, sau khi vòng gọi vốn thứ 3 hút được 500 triệu USD cho 11% cổ phần công ty.
Tuy nhiên, những bê bối đã khiến giá trị công ty sụt giảm. Ông Parker Conrad, nhà sáng lập, đồng thời là cựu CEO của Zenefits bị cáo buộc vi phạm các quy định pháp luật khi viết phần mềm có tên “Macro”, giúp các nhân viên của công ty có thể lấy được giấy phép hành nghề bảo hiểm mà không cần phải tham gia 52 giờ đào tạo bắt buộc.
Ông David Sacks, CEO mới của của Zenefits là người đang phải đứng ra để xử lý khủng hoảng và gánh vác công ty đi lên.
Trong một email gửi tới nhân viên mới đây, David Sacks cho biết, ông đã dành vài tháng để trao đổi với các nhà đầu tư nhằm thiết lập lại các mối quan hệ với Zenefits, một Zenefits hoàn toàn mới.
Theo các điều khoản thoả thuận, nhóm nhà đầu tư rót 500 triệu USD vào Zenefits hồi tháng 5/2015 sẽ được nâng tỷ lệ sở hữu từ 11% lên 25%, tương ứng định giá công ty sẽ chỉ còn 2 tỷ USD, thay vì 4,5 tỷ USD. Các nhà đầu tư này cũng sẽ có 1 ghế trong Hội đồng quản trị, đồng thời Hội đồng quản trị sẽ thành lập một uỷ ban giám sát.
Còn đối với những nhà đầu tư rót vốn trong 2 vòng gọi vốn đầu tiên, họ sẽ nhận được những điều chỉnh nhỏ để bù đắp sự pha loãng.
Các nhà đầu tư vào Zenefits, như TPG Growth, Fidelity Investments, Insight Venture Partners và Andreessen Horowitz đã thông qua các thoả thuận trên. Thoả thuận này sẽ được gửi đến tất cả các nhà đầu tư khác trong thời gian sớm nhất.
David Sacks cho biết, tất cả các nhà đầu tư ký vào bản thoả thuận cũng được yêu cầu ký vào một bản tuyên bố không được gây ra những điều bất lợi cho công ty. Trong khi đó, nhà đầu tư không ký vào bản thoả thuận vẫn sẽ giữ các cổ phiếu của mình (với tỷ lệ bị giảm xuống) nhưng có quyền kiện công ty ra toà nếu muốn.
Nhiều nhân viên tỏ ra lo ngại về việc giá trị công ty sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến số cổ phiếu của họ trong công ty. David Sacks cũng đã giải đáp điều này: “Mỗi nhân viên Zenefits sẽ được sở hữu thêm 25% số cổ phiếu nhưng số cổ phiếu này sẽ bị giới hạn chuyển nhượng trong 1 năm. Ban điều hành cũng nhận được cổ phiếu nhưng thời gian giới hạn là 4 năm, nhằm khuyến khích họ làm việc. Tuy nhiên, riêng tôi và nhà sáng lập Laks Srini sẽ không được tăng số cổ phiếu, để đảm bảo có đủ cổ phiếu phát hành cho nhân viên. Cổ phiếu của chúng tôi sẽ bị pha loãng như các cổ đông thông thường”.
Cuối cùng, Sacks cho biết, Zenefits cũng cho nhân viên quyền lựa chọn nghỉ việc ở công ty để nhận 2 tháng lương, và có 10% nhân viên đồng ý với điều này. Như vậy, Zenefits sẽ còn lại 900 nhân viên sau đợt tái cơ cấu.
Trí thức trẻ / cafebiz