Đình chỉ giết mổ hơn 4.000 con heo nghi bị tiêm thuốc an thần
Đêm 28, rạng sáng 29-9, cơ quan chức năng đã tạm đình chỉ giết mổ hơn 4.000 con heo tại cơ sở Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP HCM) do có dấu hiệu tiêm thuốc an thần.
- 23-08-2017Quản lý thịt heo theo chuỗi: Phải làm!
- 16-08-2017Khủng hoảng thịt heo có thể sẽ trở lại
- 31-07-2017TP HCM: Thịt heo nhiều chợ đầu mối chưa thể truy xuất nguồn gốc
Đây là số lượng heo cực lớn, chiếm hơn 50% tổng lượng heo giết mổ mỗi ngày tại TP HCM và hơn 40% lượng thịt heo tiêu thụ trên địa bàn (mỗi ngày TP HCM tiêu thụ khoảng 10.000 con heo, trong đó có 2.000 con được giết mổ từ các tỉnh chuyển về).
Đại diện đoàn kiểm tra cho biết công tác kiểm tra có sự phối hợp liên ngành giữa Thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) và Chi cục Thú y TP HCM.
Tổng lượng heo về cơ sở giết mổ trên là hơn 5.000 con, trong đó hơn 4.000 con có dấu hiệu tiêm thuốc an thần bị ngưng giết mổ (của 20 chủ hộ), còn lại được giết mổ bình thường do không bị tiêm thuốc (thuộc 7 hộ).
"Trước đây, việc tiêm thuốc chủ yếu phục vụ việc bơm nước cho heo để tăng trọng lượng. Nay giá heo thấp, việc bơm thuốc nhằm mục tiêu giảm hao hụt trong vận chuyển do heo ngủ li bì, đồng thời làm cho miếng thịt heo có cảm quan đẹp, hồng hào do thuốc có tác dụng co tĩnh mạch. Nhiều thương lái mua heo hơi từ nguồn chăn nuôi an toàn, nhưng lại tiêm thuốc vì lợi nhuận để giết mổ bán cho người tiêu dùng. Những loại thuốc trên được dùng trong điều trị động vật trong ngành thú y, nhưng việc tiêm thuốc cho heo trong trường hợp trên là sai mục đích, nhằm mục đích tạo màu, tăng bảo quản" – vị đại diện này cho hay.
Heo bơm nước, tiêm thuốc an thần từng bị phát hiện tại TP HCM - Ảnh: AN NA
Hiện các lô heo đang được lưu giữ tại cơ sở Xuyên Á để chờ kết quả xét nghiệm. Theo quy định có hiệu lực từ ngày 15-9 vừa qua, hành vi tiêm thuốc an thần cho heo có thể bị phạt từ 30 – 35 triệu đồng trong khi trước đó chỉ bị phạt từ 5-6 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, chủ cơ sở Xuyên Á, cho biết sau khi được quản lý báo về việc kiểm tra, bà đã đến và đề nghị các thương lái hợp tác cùng đoàn kiểm tra. "Việc tiêm thuốc an thần cho heo, tôi đã phản đối từ lâu và nói tại nhiều hội nghị, hội thảo. Tôi cũng đề xuất lắp camera giám sát tại tất cả cơ sở giết mổ tại nhiều vị trí.
Là chủ cơ sở giết mổ, nhưng cũng như nhiều cơ sở giết mổ khác, phần lớn chỉ cho thuê mặt bằng, chúng tôi không có chức năng trong việc lấy mẫu giám sát chất cấm hay thuốc an thần. Tôi cũng hy vọng sau đợt kiểm tra này, các thương lái sẽ không dám tiêm thuốc nữa, cạnh tranh công bằng vì thương lái không tiêm thuốc sẽ bất lợi vì hao hụt lớn, thịt không đẹp, người tiêu dùng chê" – bà Thắm nói.
Người lao động