Định giá trở nên hấp dẫn sau chuỗi điều chỉnh của giá cổ phiếu: Đà giảm của VNM sẽ sớm kết thúc?
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/5, VNIndex ngập tràn sắc xanh khi tăng gần 17 điểm. Không nằm ngoài xu thế chung, cổ phiếu VNM của "ông lớn" ngành sữa Vinamilk cũng tăng lên mức giá 91.100 đồng.
Khi thị trường chứng khoán vượt đỉnh 1.300 điểm, việc lựa chọn cổ phiếu cho danh mục đầu tư trở nên khó khăn hơn nên dường như, xu hướng đầu tư vào những cổ phiếu cơ bản tốt và chưa tăng giá nhiều như VNM đã hình thành.
Khối ngoại trở lại mua ròng nhiều phiên liên tiếp
Sau thời gian dài điều chỉnh, có vẻ đà giảm của cổ phiếu VNM đã dừng lại. Khối ngoại đã quay trở lại mua ròng cổ phiếu 5 phiên liên tiếp sau quãng thời gian bán ròng. Trong những phiên "đẫm máu" như 27/5, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn "mải miết" gom hàng trăm nghìn cổ phiếu VNM. Không nằm ngoài xu thế, nhà đầu tư nội cũng lao vào bắt đáy.
Sự thay đổi này có thể xuất phát từ việc Vinamilk chốt quyền trả cổ tức tiền mặt vào đầu tháng 6 cũng như hoạt động kinh doanh trở lại ổn định sau Quý I chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Theo ghi nhận từ CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), tổng doanh thu tháng 4 của Vinamilk tăng 4,3% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu của Mộc Châu Milk (UPCoM: MCM) tăng 13,6% và xuất khẩu tăng 35%.
Riêng xuất khẩu, Vinamilk có khả năng tận dụng sự gián đoạn trong hoạt động kinh doanh của các đối thủ cạnh tranh trên thị trường nước ngoài do dịch Covid-19.
Với những tín hiệu khả quan trên, nhà đầu tư có thể kỳ vọng về tình hình kinh doanh phục hồi trong quý II.
Đà giảm của VNM sẽ sớm kết thúc?
Theo phân tích đánh giá của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) ngày 18/5, chuỗi ngày điều chỉnh giảm sâu của cổ phiếu VNM đã giúp VNM có định giá hấp dẫn. Trong bản phân tích cổ phiếu VNM, chứng khoán Bản Việt đã khuyến nghị nhà đầu tư có thể MUA cổ phiếu VNM với giá mục tiêu khoảng 105.000 đồng. VCSC cho rằng định giá của VNM hiện trở nên hấp dẫn với P/E dự phóng năm 2021 là 18,5 lần sau khi giá cổ phiếu đã điều chỉnh 15% trong 3 tháng qua so với mức trung bình 5 năm là khoảng 22 lần và trung bình 5 năm khoảng 27 lần của các công ty cùng ngành trong khu vực.
VCSC cũng cho rằng việc giá cổ phiếu VNM điều chỉnh từ đầu năm đến từ áp lực bán mạnh của khối ngoại cũng như lợi nhuận giảm trong quý 1/2021. Tuy nhiên, các chỉ số chính của VNM (cụ thể như thị phần, biên lợi nhuận và ROIC) vẫn tốt hơn các công ty cùng ngành. Ngoài ra, VCSC kỳ vọng VNM sẽ có thể bảo vệ được thị phần để tiếp tục dẫn đầu ngành sữa với sức tiêu thụ đang gia tăng của Việt Nam.
Không chỉ VCSC, công ty chứng khoán VNDirect cũng cùng chung nhận định cho rằng nhà đầu tư có thể mở vị thế mua cổ phiếu VNM với giá mục tiêu là 110.000 đồng/cổ phiếu.
Việc giá cổ phiếu VNM có tăng hay không nhờ xu hướng mạnh tay bắt đáy của cả khối ngoại lẫn khối nội là điều chưa thể biết trước do lực mua mới chớm hình thành nhưng có lẽ, nhà đầu tư có thể kỳ vọng đà giảm cổ phiếu VNM sắp sửa đến thời kết thúc!
Từng là "hầm trú ẩn an toàn", lịch sử của cổ phiếu VNM liệu có lặp lại?
Cổ phiếu VNM lâu nay luôn được giới đầu tư kỳ vọng lớn nhờ tình hình tài chính lành mạnh, nợ vay thấp, lượng tiền mặt khổng lồ và quản trị doanh nghiệp tốt. Chính vì vậy, trong 15 năm qua, cổ phiếu VNM luôn được giới đầu tư xem là "hầm trú ẩn an toàn" mỗi đợt thị trường biến động.
Từ khi Vinamilk niêm yết trên thị trường chứng khoán vào năm 2006 đến nay, trải qua rất nhiều biến động của nền kinh tế, Vinamilk luôn giữ được phong độ với những yếu tố đáng ghi nhận:
Là doanh nghiệp hàng đầu ngành sữa với việc dẫn đầu ở các phân khúc chính như sữa nước, sữa bột trẻ em, có 13 nhà máy trong nước và 3 nhà máy ngoài nước; có đến 13 trang trại bò sữa tại Việt Nam với tổng đàn bò khai thác đạt khoảng 150.000 con bò. Với đàn bò sữa quy mô lớn, nguồn sữa tươi nguyên liệu của Vinamilk có thể đạt đến hơn 1 triệu lít mỗi ngày.
Công ty cũng đang xây dựng dự án siêu trang trại tại Lào với tổng đầu tư dự kiến lên đến 500 triệu USD, quy mô đàn có thể lên đến 100.000 con. Được biết dự án này đang chuẩn bị hoàn thành giai đoạn 1 có quy mô 24.000 con và khi đi vào hoạt động, trang trại này sẽ cung cấp nguồn sữa tươi nguyên liệu organic theo chuẩn Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.
Là doanh nghiệp có thương hiệu mạnh, xếp hạng 36/50 công ty sữa lớn nhất thế giới về doanh thu. Các chỉ số tài chính nổi bật hơn so với các công ty cùng ngành ở nước ngoài cũng như các doanh nghiệp trong nước.
Nguồn: VCSC
Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng đều đặn qua nhiều năm. Vinamilk cũng tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh tại các ngành có tiềm năng phát triển như bò thịt, đường…, chú trọng hoạt động xuất khẩu và M&A. Tính đến thời điểm hiện tại, sản phẩm của Vinamilk đã có mặt tại 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại thời điểm này, đây là công ty duy nhất của Vinamilk được đánh giá thuộc danh sách Tài sản đầu tư giá trị Asean theo kết quả Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN.
Doanh thu, lợi nhuận của Vinamilk từ 2016 đến 2020
Vinamilk nổi tiếng là một trong những doanh nghiệp lớn hiếm hoi duy trì trả cổ tức bằng tiền cao trong nhiều năm liền. Tại Đại hội cổ đông mới đây, công ty cũng đã chốt chi trả cổ tức 41% bằng tiền cho cổ đông và tháng 6 tới đây sẽ thực hiện lần chi trả phần cổ tức còn lại của 2020.
Vinamilk có lượng tiền mặt dồi dào đáp ứng nhu cầu an toàn tài chính cao. Tính đến thời điểm cuối quý I, Vinamilk có gần 20.741 tỷ đồng tiền mặt, tiền gửi và các khoản tương đương tiền; chiếm 40,6% tổng tài sản.
Với những yếu tố đó, cứ mỗi lần cổ phiếu VNM điều chỉnh giảm thì dòng tiền lại ngay lập tức hấp dẫn những nhà đầu tư ưa thích cổ phiếu cơ bản tốt và có cổ tức cao nhập cuộc. VNM trước đến nay thường được ví như "con bò sữa" cho danh mục đầu tư khi tỷ suất sinh lời/vốn nếu nắm giữ dài hạn rất thuộc mức cao.
Biến động giá cổ phiếu VNM từ khi niêm yết vào năm 2006 đến nay
Nhịp sống kinh tế